Mường Lát quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông

09:43 05/04/2013 Lượt xem: 381 In bài viết

Năm 1997, khi mới tách huyện từ huyện Quan Hóa (cũ), tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc Mông còn nhiều khó khăn. Đa số, đồng bào dân tộc Mông sống theo tập quán du canh du cư, phương thức sản xuất còn lạc hậu, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn sản xuất nên hiệu quả kinh tế thấp, nghèo đói và lạc hậu vẫn như một căn bệnh trầm kha đeo bám cuộc sống của người dân. Huyện Mường Lát có 7078 hộ, hơn 3200 nhân khẩu với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Mường, Thái, Mông, Dao và Khơ mú, trong đó dân tộc Mông có 2772 hộ với hơn 15000 nhân khẩu (chiếm 41,4 %) dân số toàn huyện. Là một huyện nghèo, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Theo kết quả điều tra hộ nghèo giai đọan 2011 - 2015, huyện Mường Lát còn 4596 hộ nghèo (chiếm 56,6 %), 1024 hộ cận nghèo (chiếm 16,3 %). Vì vậy công tác xóa đói giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Mông luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mường Lát quan tâm chỉ đạo.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông. Chương trình Quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chương trình 134, 135, Chương trình 167 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, các chính sách về trợ giá, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần làm đổi thay cuộc sống đồng bào dân tộc Mông.

Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng các loại cây con giống có năng suất chất lượng cao như: giống bò lai Sind, giống lúa lai, ngô lai, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, để người dân có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, các Ngân hàng trong huyện đã cho người dân vay hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua 3 kênh hội: Hội nông dân, Hội phụ nữ và cho vay hộ nghèo. Từ năm 2007 đến tháng 2-2012, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát đã triển khai cho đồng bào người Mông vay tại 40 thôn, bản, thuộc 6 xã trên địa bàn huyện gồm Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu, Trung Lý, Mường Lý, Nhi Sơn với tổng dư nợ trên 25 tỷ đồng, với 1.822/2.772 hộ còn dư nợ vay Ngân hàng, đạt gần 70% số hộ dân tộc Mông đang sử dụng vốn vay ưu đãi, bình quân mức vay gần 13 triệu đồng/hộ, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh là 1,5 triệu đồng/hộ. Trong đó, cho hộ nghèo vay gần 17 tỷ đồng với trên 700 hộ đang sử dụng vốn; cho vay xuất khẩu lao động 80 triệu đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 200 triệu đồng; cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên 1,5 tỷ đồng với trên 300 hộ đang sử dụng vốn; cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 gần 7 tỷ đồng với 826 hộ được hỗ trợ xây nhà ở mới.

Nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Anh Hơ Chu Chính (bản Cơm-xã Pù Nhi) tâm sự: “trước đây, gia đình mình nghèo lắm, thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào ít diện tích nương rẫy. Từ khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng, gia đình mình đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp làm nương rẫy. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lợi được 40 triệu đồng”.

Không chỉ chăm lo giúp đồng bào dân tộc Mông phát triển kinh tế, huyện Mường Lát còn chăm lo đời sống tinh thần cho bà con, đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, xây dựng hệ thống đường giao thông giúp người dân giao lưu, trao đổi hàng hóa. Trong đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Mông được chú trọng với 100 % hộ nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, người dân được tư vấn và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công tác giáo dục được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường học ở các cấp học. Do địa hình đồi núi bị chia cắt nên ở mỗi bản đều có một điểm trường giúp các em học sinh đến trường thuận lợi hơn. Những năm qua huyện luôn có chính sách hỗ trợ học sinh thuộc diện hộ nghèo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nên tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể. Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng được các cấp chính quyền địa phương quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát di cư từ các tỉnh phía Bắc đến như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Người dân chủ yếu theo Đạo Thiên Chúa và Đạo Tin Lành, tập trung tại 2 xã Mường Lý và Trung Lý. Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo đến đồng bào dân tộc Mông luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Lương Qúy Hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2015, huyện Mường Lát tiếp tục quan tâm phát triển vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đặc biệt về an sinh xã hội, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với phát triển kinh tế rừng. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, lựa chọn kết nạp những người ưu tú vào Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm an ninh Quốc phòng trên địa bàn huyện”.

Đỗ Thị Nga