Phát huy vai trò già làng trưởng bản, người có uy tín ở Sơn La
04:24 10/04/2013 Lượt xem: 391 In bài viếtNgười có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua đã đóng góp rất lớn vào công tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Vì vậy, việc phát huy vai trò của họ trong đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa trong tình hình mới hiện nay.
Nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, Sơn La có diện tích tự nhiên 14.147 km2, dân số 1.089.313 người, gồm 12 dân tộc anh, em cùng sinh sống, trong đó có 11 dân tộc thiểu số (chiếm 83.74%). Là một tỉnh chủ yếu là đồi núi và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, đa số sống ở vùng sâu xa đi lại khó khăn, nhất là việc tiếp cận các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn còn hạn chế. Do đó, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, họ thực sự là nòng cốt, là cầu nối giữa dân với Đảng, với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc.
Những người có uy tín được cộng đồng các dân tộc đánh giá cao và trân trọng ghi nhận, trở thành những hình ảnh cao đẹp, những tấm gương sáng ở nơi họ sinh sống,… Bên cạnh đó người có uy tín còn tham gia và vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt trong phong trào phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống vươn lên làm giầu, xây dựng nông thôn mới được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ, làm theo… Chính qua những hoạt động vì cộng đồng, xã hội, nhiều người đã trở thành điển hình về phát triển kinh tế gia đình, hợp tác xã.
Theo thống kê, trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ lực lượng Công an trong toàn tỉnh đã tranh thủ người có uy tín được trên 30 nghìn lượt trên các lĩnh vực: tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước 437 lượt; tham gia giải quyết về tranh chấp đất đai 37 lượt; vận động nhân dân di dân tái định cư thủy điện Sơn La 22.458 lượt; thực hiện tốt về cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông được 10.000 lượt.
Những người có uy tín đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc do lực lượng công an và MTTQ phát động, tích cực vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phó Trưởng Ban Dân tộc Lường Bun tỉnh cho biết: Những người có uy tín có nhiều cách tuyên truyền các chính sách dân tộc rất hay và có hiệu quả. Tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình trong bản, bằng việc làm cụ thể và hơn ai hết, chính đội ngũ những người có uy tín là người tiên phong tuyên truyền, động viên cùng gia đình và cộng đồng thực hiện đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH-KT mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong đó có những tấm gương điển hình: anh Vàng A Chu ở xã Hang Chú và anh Hạng A Sáu,… ở xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên và còn nhiều tấm gương ở các huyện và họ là những người có uy tín và được bà con tin tưởng học tập và nghe theo.
Về thực hiện vận động định canh định cư, những người có uy tín đã tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không di dịch cư tự do, không học và truyền đạo trái phép, yên tâm lao động sản xuất ổn định cuộc sống được nhân dân cộng đồng tin yêu. Huyện Sốp Cộp là một trong những huyện đã phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư để người dân ổn định cuộc sống, không di dịch cư tự do, không học và truyền đạo trái phép,… Bằng nhiều hình thức vận động bà con quay về nơi ở cũ: Cán bộ huyện xuống tận nơi, tuyên truyền, vận động, bà con, mặc dù vậy, những hộ cư trú trái phép vẫn không hưởng ứng, đồng tình. Giải pháp duy nhất là phát huy vai trò của già làng, trưởng bản và những người có uy tín tại địa phương vì họ là những người luôn cận kề với người dân hiểu được những tâm tư nguyện vọng của bà con và thuyết phục cho bà con tin và nghe theo. Như vậy, đã thu được những hiệu quả nhất định, vừa qua huyện đã tổ chức lễ đón đồng bào quay trở về nơi ở cũ. Không riêng gì huyện Sốp Cộp mà các huyện như Bắc Yên, Phù Yên, Mai Sơn…Đã phát huy hiệu quả người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Quá trình vận động nhân dân chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” những người có uy tín đã tham gia vận động cho quần chúng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó nâng cao ý thức độc lập tự chủ và quyết tâm phấn đấu xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu.
Trong vận động nhân dân phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, họ đã có nhiều đóng góp trong việc thành lập cụm liên kết về ANTT ở địa bàn giáp ranh, các cụm liên kết bảo vệ ANTT, tham gia tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở và vận động bà con, gia đình, anh em họ hàng cam kết không trồng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma tuý. Bên cạnh đó những người có uy tín còn tham gia thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Họ đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào và tuyên truyền vận động cộng đồng bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; xây dựng đời sống văn hoá, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Tuy nhiên, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng lại không nằm trong biên chế đội ngũ cán bộ hành chính ở cấp cơ sở, không có lương và nhiều chính sách xã hội khác. Vì vậy, để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của họ, cần chú trọng chăm lo đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Trước hết, cần làm cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng; định hướng và cùng phối hợp hoạt động với họ cho phù hợp với tình tình thực tế của địa phương.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay vùng đồng bào các dân tộc, vùng sâu xa đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh, được đầu tư, hỗ trợ nhiều các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững như: Chương trình 135 giai đoạn II, Quyết định 134, Quyết định 1592, Quyết định 33, Quyết định 32, Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, Chính sách ổn định phát triển kinh tế - xã hội các bản ĐBKK theo Nghị quyết 370 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nhiều các chương trình dự án khác đã và đang được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, đã thực sự đi vào lòng dân và đạt được những kết quả tốt, đó là nhờ sự phối hợp tuyên truyền của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
Để Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh; quan tâm tới các đặc điểm tâm lý, văn hoá các dân tộc, thì tỉnh cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng chính trị cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng như mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, với những chương trình đặc biệt, dễ hiểu, dễ tiếp thu giúp đội ngũ này có những tri thức hiểu biết cần thiết về kinh tế, xã hội, luật pháp. Đồng thời cấp ủy cơ sở cần định hướng công tác tuyên truyền cho họ để họ tham gia vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, qui ước; xây dựng làng, bản, gia đình văn hóa; phát triển KT-XH, bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đinh Nhung