Hoành Bồ: Thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số.

02:27 11/04/2013 Lượt xem: 406 In bài viết

Những năm qua, Hoành Bồ đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều thành quả. Nếu như mấy năm về trước mà đến các xã vùng cao: Đồng Lâm, Hòa Bình, Tân Dân, Quảng La, Bằng Cả rất vất vả, khó khăn, thì nay, hệ thống giao thông đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo cho ô tô vào đến trung tâm xã và các thôn, bản vùng cao. Các xã Đồng Sơn, Thống Nhất, Tân Dân còn có từ 1-2 chuyến xe khách chạy hàng ngày xuống trung tâm huyện, là điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu, trao đổi hàng hoá, tiếp cận với các dịch vụ, phúc lợi xã hội; 95% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 75% số hộ có nước hợp vệ sinh; 12/12 xã có điểm bưu điện văn hoá xã; 100 % hộ nghèo được hỗ trợ lắp đặt điện thoại thuộc chương trình viễn thông công ích ở 5 xã: Vũ Oai, Hoà Bình, Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 mạng di động với 81 trạm thông tin di động phủ sóng di động 100 % tới 13/13 xã, thị trấn; 82/82 thôn, khu có trạm truyền thanh; 03 trạm phát lại sóng vùng lõm tại các xã: Quảng La, Tân Dân, Đồng Sơn.

Với tổng nguồn vốn thực hiện là: 28.634,8 triệu đồng, Chương trình 135 giai đoạn II đã xây dựng được 33 công trình (bao gồm: 04 công trình điện; 05 công trình giao thông; 05 nhà mẫu giáo; 09 công trình thủy lợi nhỏ; 10 công trình nước sinh hoạt tập trung); hỗ trợ sản xuất được 4.874kg giống cây nông nghiệp các loại; 57.000 cây lâm nghiệp; 504 con giống vật nuôi; 144.769 kg phân bón; 45 bộ máy nông cụ; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ xã, thôn, bản, bồi dưỡng cán bộ cơ sở với 17 lớp cho 731 lượt cán bộ và cộng đồng người dân được thụ hưởng… Chương trình 134 đã hỗ trợ cho 181 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất canh tác ở 5 xã vùng cao với tổng diện tích 17,9 ha, toàn bộ diện tích khai hoang đã đưa vào sản xuất có hiệu quả, góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, giai đoạn 2006-2011, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã triển khai cho vay 8 chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng doanh số cho vay là 208,738 tỷ đồng; tổng dư nợ đến hết năm 2011 là gần 105 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực xã hội, huyện luôn chú trọng giải quyết vấn đề nhà ở cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2009 đến 2012, đã hỗ trợ cho 29 hộ xây dựng nhà ở với số tiền 619 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”; 195 hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 1,56 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo nhà. Các doanh nghiệp và tổ chức chính trị xã hội còn vận động đoàn viên, hội viên hỗ trợ hộ nghèo đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở được 91,8 tỷ đồng và đóng góp giúp đỡ gần 4.120 ngày công.

Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc luôn được quan tâm; 13/13 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% người dân các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, các hộ gia đình nghèo, cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế. Mạng lưới y tế từ xã đến thôn bản được tăng cường đầu tư, nâng cấp.

Về giáo dục đào tạo, năm 2012, huyện đầu tư kiên cố hoá 180 phòng học với kinh phí 74,586 tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị giảng dạy cho các trường; ưu tiên mở lớp ghép tại các bản để tăng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp đúng độ tuổi; miễn học phí cho tất cả học sinh các cấp học của các xã vùng cao; quan tâm công tác cử tuyển vào các trường cao đẳng, đại học cho đối tượng học sinh là người dân tộc ở các xã vùng cao.

Lĩnh vực văn hóa thông tin luôn được coi trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá với những việc làm thiết thực đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của các lễ hội được chú trọng. Ngành Văn hoá đã khôi phục thành công nghi lễ cấp sắc và Hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả và được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa vào bảo tồn cấp Quốc gia.

Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở luôn làm tốt công tác thăm hỏi, động viên nhân các dịp lễ, tết, đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, vận động người có uy tín nêu cao tính gương mẫu chấp hành để cộng đồng dân cư noi theo, góp phần giữ gìn an ninh - chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số luôn được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nhằm củng cố hệ thống chính trị ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, trưởng Phòng Dân tộc huyện nhận định: Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao, nhất là ở các xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn như: Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Hoà Bình, Đồng Lâm…; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch lớn về mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao và khu vực đồng bằng, thành thị; chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khoẻ và đầu tư về y tế, giáo dục cho miền núi, vùng cao còn nhiều hạn chế; thiếu đất ở và đất sản xuất nên một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đói hàng năm; trình độ dân trí không đồng đều; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số tổ chức cơ sở Đảng, Chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế...

Thời gian tới, để phát triển toàn diện vùng miền núi, dân tộc, Hoành Bồ rất cần có thêm nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường nguồn vốn phát triển sản xuất cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vào địa bàn.

Đinh Nhung