Di dân tái định cư. Thành công và bài học kinh nghiệm từ thủy điện Sơn La.

03:54 10/04/2013 Lượt xem: 551 In bài viết

Dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La là một trong những hợp phần quan trọng của dự án Thuỷ điện Sơn La. Theo đó, tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.584 hộ, gần 6 vạn khẩu, 168 bản, 16 xã thuộc 3 huyện: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai (trong đó huyện Quỳnh Nhai phải di chuyển cả Trung tâm huyện lỵ) đến nơi ở mới. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, là thách thức lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì liên quan đến nhiều lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm của đời sống đồng bào các dân tộc. Hơn nữa, dự án được triển khai trong điều kiện địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh; hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là giao thông đến các khu, điểm tái định cư) chưa được chủ động đầu tư trước; công tác quy hoạch các khu, điểm tái định cư được tiến hành đồng thời với công tác di chuyển dân, do đó không chủ động xây dựng được hoàn chỉnh các khu, điểm tái định cư để đồng bào lựa chọn. Đối tượng di chuyển chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao nên công tác tuyên truyền, vận động, giải thích phải kiên trì và mất nhiều thời gian…

Xác định xây dựng thuỷ điện Sơn La là vận hội lớn có tính chất lịch sử đối với các tỉnh Tây Bắc, là thời cơ để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sắp xếp lại lao động và dân cư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, đưa các tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó có Sơn La ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Để lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ di dân tái định cư, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo công tác di dân tái định cư; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết về lãnh đạo công tác bồi thường, di dân tái định cư với những chủ trương cụ thể:

Một là, đảm bảo các hộ dân tái định cư đến nơi ở mới phải có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có đủ điều kiện để từng bước ổn định cuộc sống lâu dài gắn với phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc. Tận dụng cơ hội thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư thuỷ điện Sơn La, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng tỉnh đặc biệt khó khăn.
Hai là, về địa bàn di dân và hình thức di chuyển: Thực hiện di dân nội tỉnh là chính. Hình thức di dân bao gồm: di dân tập trung, di dân xen ghép, di dân tự nguyện trong đó trọng tâm là di dân tập trung.
Ba là, về cơ chế thực hiện dựa trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, vận dụng cụ thể vào điều kiện thực tiễn của địa phương; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành dự án theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở và phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Theo chủ trương đó, tổ chức bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện dự án được thành lập ở 3 cấp:

- Cấp tỉnh: Thành lập Ban chỉ đạo di dân tái định cư do Bí thư Tỉnh uỷ là Trưởng ban; Ban Quản lý dự án di dân tái định cư là cơ quan chuyên trách giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức chỉ đạo thực hiện dự án; Hội đồng thẩm định, Hội đồng nghiệm thu

- Cấp huyện: Thành lập Ban chỉ đạo di dân tái định cư do Bí thư Huyện uỷ làm Trưởng ban; Ban Quản lý dự án, Hội đồng bồi thường di dân tái định cư; các Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban thực hiện; các tổ công tác của huyện, thành phố.

- Cấp xã, phường, thị trấn: Thành lập Ban tái định cư để tổ chức tuyên truyền và trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác di dân tái định cư tại cơ sở.

Tỉnh Sơn La đã quy hoạch 72 khu, 259 điểm tái định cư tập trung nông thôn, tập trung đô thị và xen ghép để tiếp nhận 12.500 hộ tái định cư. Các khu tái định cư được lập quy hoạch chi tiết đảm bảo thể hiện rõ quan điểm về tổ chức tái định cư, gắn với điều chỉnh sắp xếp lại dân cư, quy hoạch sử dụng đất gắn với phát triển sản xuất hàng hoá; quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, gắn với xây dựng mô hình bản mới phát triển toàn diện. Tỉnh đã kết hợp công tác tuyên truyền vận động và tổ chức cho nhân dân được trực tiếp thăm các điểm tái định cư theo quy hoạch để đồng bào tự lựa chọn điểm đến.


Trong công tác di dân tái định cư, công tác thống kê bồi thường, giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quan trọng vì liên quan trực tiếp đến thực hiện chính sách bồi thường và hỗ trợ cho dân. Nếu không chỉ đạo tốt rất dễ dẫn đến khiếu kiện và chậm tiến độ di dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy trình bồi thường, hỗ trợ đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện, tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để kịp thời phát hiện sai sót cũng như những vấn đề chưa phù hợp trong chính sách để kiến nghị các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh đã phân cấp giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân trước khi các hộ tái định cư di chuyển đến nơi ở mới. 12.584 hộ dân tái định cư và hơn 9.000 hộ sở tại bị ảnh hưởng thu hồi đất xây dựng tái định cư đã cơ bản được phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường thiệt hại trên đất và số tiền đã chi trả đến cuối tháng 11/2012 lên tới 3.059 tỷ đồng.

Công cuộc di dân thuỷ điện Sơn La là cuộc di dân lớn nhất ở nước ta cho tới thời điểm này. Sơn La cũng là tỉnh bị tác động ảnh hưởng và di dân nhiều hơn so với hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (chiếm 62% số hộ phải di chuyển). Để tổ chức di chuyển dân đảm bảo đúng tiến độ và an toàn tuyệt đối, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy trình di dân, chỉ đạo các ngành và các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo về đường vận chuyển, phương tiện vận chuyển, lực lượng giúp dân di chuyển, phương án phối hợp giữa nơi có dân di và nơi đón nhận dân. Các địa phương đã huy động được nhân dân trong vùng tiếp nhận dân tham gia giúp đỡ các hộ dân tái định cư dựng lại nhà tại nơi ở mới, giúp đỡ các hộ dân về lương thực, thực phẩm, tư liệu phục vụ đời sống đã góp phần từng bước ổn định đời sống của các hộ dân tái định cư và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào sở tại và đồng bào tái định cư. Nhờ đó, ngày 15/4/2010, Sơn La đã tổ chức di chuyển xong toàn bộ 12.584 hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ công trình thuỷ điện đảm bảo an toàn, đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ quy định, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Song song với cuộc chuyển dân, công tác ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ tái định cư tại nơi ở mới được chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh việc giúp đỡ các hộ tái định cư dựng nhà là đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất và tổ chức giao đất cho các hộ tái định cư phát triển sản xuất. Các địa phương đã giao và tạm giao đất ở cho 11.252 hộ tái định cư (đạt 100%); đã giao 13.293 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 9.285/9.774 hộ được giao đất theo chính sách quy định, đạt 95%, bình quân 1,4 ha/hộ. Với phương châm phát triển sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng, các hộ tái định cư được hướng dẫn phát triển các hình thức sản xuất mới như: góp giá trị quyền sử dụng đất để trồng cây cao su, chè, phát triển chăn nuôi trâu, bò, các ngành nghề dịch vụ… góp phần từng bước ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.

Với cách làm khoa học, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Sơn La đã đạt được những thành công quan trọng trong công tác tái định cư. Kết quả kiểm tra tại 224 điểm tái định cư tập trung nông thôn, 13 điểm tái định cư đô thị, 37 điểm tái định cư xen ghép cho thấy: Đã ổn định, có điều kiện phát triển: 61 điểm, 3.426 hộ, chiếm tỷ lệ 30% số hộ tái định cư; Cơ bản ổn định và có điều kiện phát triển: 125 điểm, 4.218 hộ, chiếm 36% số hộ tái định cư; Chưa ổn định nhưng sẽ ổn định và có điều kiện phát triển: 88 điểm tập trung nông thôn, 4.025 hộ, chiếm 34% số hộ tái định cư. Như vậy, mục tiêu cơ bản của dự án đã được thực hiện. Sơn La đã có cơ hội sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt… từng bước hình thành mô hình nông thôn mới (mô hình bản mới phát triển toàn diện), là cơ sở để khẳng định chủ trương di dân tái định cư trong tỉnh, phù hợp với phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và nguyện vọng của nhân dân; đồng bào các dân tộc đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới, chuyển dần từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá với nhiều cây trồng, vật nuôi và ngành nghề mới hiệu quả hơn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao.

Tại lễ khánh thành công trình thuỷ điện Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương 20 vạn đồng bào các dân tộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ủng hộ, thực hiện đúng tiến độ di dời tái định cư ở nơi ở mới để nhường mặt bằng cho xây dựng công trình; biểu dương lãnh đạo các địa phương trong vùng Dự án đã chỉ đạo và tổ chức việc di dân tái định cư theo yêu cầu và theo kế hoạch đề ra, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trên địa bàn trong quá trình triển khai Dự án.

Ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ đối với công cuộc chuyển dân công trình thuỷ điện Sơn La là động lực để tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu hồi, giao cấp đất được thực hiện cơ bản hoàn thành trước 30/6/2013; xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thành trong năm 2014 và quyết toán toàn dự án trong năm 2015. Cách thức tổ chức của Sơn La trong di dân tái định cư đồng thời là bài học kinh nghiệm quý để các địa phương tham khảo.

Hoàng Phương Liên