Gương sáng giữa cộng dồng: 5 năm liền là Đại biểu Quốc hội
11:08 11/04/2013 Lượt xem: 402 In bài viếtVừ Mí Kẻ sinh năm 1929 ở Cao nguyên Đồng Văn. Là một cậu bé khỏe mạnh, thông minh có bản lĩnh, năm 1944 Mí Kẻ được Vua Mèo Vương Chí Xình đưa về làm “coi ngựa” ở Xà Phìn. Tuy là kẻ ăn người ở, nhưng từ sự chăm chỉ nuôi con ngựa quý của Vương sử dụng hàng ngày nên Mí Kẻ được nhà Vương quý mến.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, năm 1946 Vương Chí Xình về Hà Nội diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vừ Mí Kẻ được Vương cho đi theo, được vào Phủ Chủ tịch lần ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nghĩa anh em với Vương Chí Xình, Người đã tặng người anh kết nghĩa họ vương một đôi bảo kiếm có khắc tám chữ: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”.
Trở lại Xà Phìn ít lâu, Vừ Mí Kẻ đã thuyết phục ông chủ họ Vương đem gần như toàn bộ tài sản, gồm 22 vạn đồng bạc trắng và 9 kg vàng ủng hộ Chính phủ để kiến thiết Quốc gia.
Tuy mới 17 Vừ Mí Kẻ đã được chủ nhà tin cậy giao cho việc “áp tải” số vàng bạc trên về Hà Nội an toàn, đầy đủ, không hề suy xuyển.
Năm 1950 khi 21 tuổi, Vừ Mí Kẻ được giao làm Chủ tịch xã Xà Phìn, quê hương của Vua Mèo Vương Chí Xình, Mí Kẻ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được dân làng yêu mến, tin tưởng.
Năm 1957, ở miền xuôi đang tập trung khắc phục hậu quả cải cách ruộng đất. Còn ở Đồng Văn (gồm cả các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, một phần Quản Bạ bây giờ) manh nha bạo loạn bùng nổ, Chủ tịch huyện Vương Chí Xình vì tuổi cao, lúc này ông đã 72 tuổi xin cụ Hồ giao chức vụ Chủ tịch huyện cho người khác. Ông Vừ Mí Kẻ được trên giao cho đảm nhiệm chức vụ này. Ba năm sau, miền Bắc bầu cử Quốc hội khóa II, ông Vương Chí Xình và Chủ tịch huyện Đồng Văn họ Vừ đều được nhân dân bầu làm đại biểu quốc hội, riêng ông Vừ Mí Kẻ còn được bầu vào Quốc hội năm khóa liền sau đó.
Trước năm 1960, đường từ Hà Giang lên Đồng Văn vô cùng khó khăn, Chính phủ đã quyết định mở đường ô tô để đưa “Ánh sáng Cách mạng” đến đây. Tổng chỉ huy công trường mở con đường này được giao cho Chủ tịch huyện Đồng Văn Vừ Mí Kẻ, ông rất vinh dự và tự hào được cấp trên tin cậy.
Vừa khởi công làm đường, nạn Phỉ nổi lên phá hoại công trình, ông Mí Kẻ vừa chỉ huy quân dân Đồng Văn chống Phỉ, vừa đẩy mạnh thi công mở đường. Tháng 6/1965 lễ khánh thành con đường “hạnh phúc” được tổ chức trọng thể tại huyện lị Đồng Văn, nhân dân vô cùng phấn khởi. Bằng công sức của công nhân, dân công 18 dân tộc của 8 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Hưng, Nam Định với hai triệu ngày công sáng tạo ra 164 km đường ô tô, trong đó có cổng trời Mã Phi Lèng là 1 kỳ tích của Hà Giang.
Sau thành tích mở đường, phát triển kinh tế xã hội ở Đồng Văn, ông Vừ Mí Kẻ được cử làm Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, rồi Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên (sau khi sát nhập Hà Giang với Tuyên Quang), rồi Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh này đến khi nghỉ hưu 20 năm trước đây.
Dù thành tích lớn lao, chức cao quyền trọng, nhưng tài sản có giá trị nhất khi trở lại cuộc sống đời thường của ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh chỉ có cái xe đạp được phân phối từ thời bao cấp. Nay đã ngoài tuổi bát tuần ông Mí Kẻ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, ngày ngày làm vườn, chăn nuôi để cải thiện đời sống.
Đã có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ dân tộc Mông trưởng thành từ thực tiễn công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ nhân dân giao phó, những việc “tận trung với nước tận hiếu với dân” của Vừ Mí Kẻ đang là chuyện độc nhất vô nhị ở Hà Giang nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam anh hùng.
Thào Giang