Khởi sắc ở vùng dân tộc Khmer Bạc Liêu
02:33 11/04/2013 Lượt xem: 405 In bài viếtBạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống với gần 67 ngàn người Khmer (chiếm 7,66% dân số toàn tỉnh), đa số người dân sinh sống tại các phum sóc vùng sâu, vùng xa có đời sống kinh tế rất khó khăn. Trong tổng số 14.815 hộ đồng bào dân tộc Khmer thì có đến hơn 6.500 hộ chưa có điện sử dụng.
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng ở vùng dân tộc Khmer sinh sống thông qua nhiều chương trình, dự
án lớn, nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn
nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo cao, một bộ phận khá đông đồng bào Khmer còn ở
nhà tạm bợ, nhiều hộ không có đất, thiếu đất sản xuất và đất ở. Cùng với các
chính sách của Trung ương quan tâm đến việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở
vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bạc Liêu đã ban hành nhiều nghị quyết, chương
trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo
đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính
quyền đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính
sách dân tộc, tôn giáo gắn với triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu
tư cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận
thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với công tác chăm lo đời sống đồng
bào dân tộc Khmer và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như các Chương trình: 134, 135,
167; Quyết định 176 và 74 của Chính phủ đã giúp đồng bào Khmer có đất ở, đất sản
xuất, vốn sản xuất, tư liệu, phương tiện phục vụ sản xuất, tạo việc làm, tăng
thu nhập...
Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng
cơ sở thiết yếu ở vùng dân tộc Khmer; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hơn 5.000 hộ;
đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 14 công trình nước sinh hoạt tập trung và 160 giếng
bơm tay đã giúp gần 4.000 hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được dùng
nước sạch. 544 hộ nghèo được hỗ trợ đất ở; trên 1.000 hộ được giải quyết việc
làm; 1.150 hộ được hỗ trợ vay vốn mua máy móc, nông cụ, phát triển kinh doanh
thêm ngành nghề…
Quán triệt những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo
đời sống cho đồng dân tộc Khmer, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã triển khai
thực hiện Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer
tỉnh Bạc Liêu” tại 61/64 xã, phường thuộc 7 huyện, thành phố của tỉnh Bạc Liêu.
Mặc dù phải thi công trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, nhiều
kênh rạch, giao thông không thuận lợi, việc vận chuyển vật tư thiết bị gặp nhiều
khó khăn, nhưng được bà con đồng tình ủng hộ, địa phương hỗ trợ giải phóng mặt
bằng và với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của tập thể CNVC-LĐ Công
ty Điện lực Bạc Liêu. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, dự án “Cấp điện cho
các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu” với tổng vốn
đầu tư 88,1 tỷ đồng đã hoàn thành với khối lượng: 88,76 km đường dây trung thế,
264,32 km đường dây hạ thế, 162 trạm biến áp với dung lượng 3.260 kVA, cấp điện
cho 5.122 hộ dân Khmer và 2.381 hộ dân khác, nâng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng
điện trên toàn tỉnh tăng từ 80,35% lên 86,78%; tỷ lệ hộ đồng bào Khmer được sử
dụng điện tăng từ 55,65% lên 90,23%. Với dự án này, hơn 7.500 hộ dân tộc Khmer,
hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Bạc Liêu được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðây
thực sự là niềm vui, đáp ứng sự mong đợi của những hộ nghèo trong tỉnh từ bao
đời nay. Dự án hoàn thành đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh, thúc đẩy sự nghiêp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật
chất tinh thần của nhân dân trong tỉnh, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết
các dân tộc nhằm đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Có thể khẳng định,
dự án này thật sự là “ý Ðảng, lòng dân”, đem niềm vui đến với những hộ dân tộc,
hộ nghèo trong tỉnh, tạo nên một diện mạo nông thôn mới phát triển toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, việc phát triển văn hoá xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng đã
được quan tâm, trình độ dân trí đồng bào dân tộc Khmer từng bước được nâng lên.
Bạc Liêu đã đầu tư nâng cấp hệ thống Trường Dân tộc nội trú với tổng mức đầu tư
là 36 tỷ đồng; gửi đi đào tạo 278 sinh viên, trong đó 101 em đã ra trường trở về
phục vụ địa phương...
Ngoài ra Bạc Liêu còn chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe
nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của
người dân, 100% hộ nghèo và cận nghèo trong tỉnh đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.
Nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer được đáp ứng ngày càng
tốt hơn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh dành thời lượng nhất định phát Chương
trình tiếng Khmer. 100% xã, phường có đông đồng bào Khmer có máy tiếp âm. Báo
Bạc Liêu chữ Khmer phát hành miễn phí mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 1.000 tờ phục vụ
vùng đồng bào Khmer và sư sãi trong tỉnh.
Điều đáng mừng, trong những năm qua các cấp ủy Đảng đã đặc biệt quan tâm đến
công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 479 đảng viên
là người dân tộc Khmer, chiếm 2,55% tổng số đảng viên. Công tác xây dựng quy
hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc Khmer được chú trọng;
hiện toàn tỉnh có 1.223 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số.
Để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững, tỉnh Bạc Liêu cần đẩy mạnh lồng
ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội tại địa
phương; đặc biệt ưu tiên vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer kết hợp
với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để nông dân có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa
học-kỹ thuật vào sản xuất và an sinh xã hội, từng bước thay đổi tập quán canh
tác lạc hậu, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời
sống đồng bào dân tộc Khmer.
Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer là chủ trương lớn của Đảng và
Nhà nước. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các
cấp, các ngành, chính sự nỗ lực của đồng bào Khmer trong học tập, lao động, sản
xuất vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no là nhân tố quyết định. Đây
sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn
tỉnh Bạc Liêu.
Minh Nguyễn