Nậm Cang làm giàu từ rừng.

02:56 11/04/2013 Lượt xem: 401 In bài viết

Thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giúp người dân thoát khỏi đói, nghèo vươn lên làm giàu, cấp ủy và chính quyền xã luôn trăn trở, tìm nguyên nhân, đề ra nhiều giải pháp và thống nhất nhận thức: “Nậm Cang còn rừng là còn tất cả, người dân Nậm Cang sẽ giàu lên từ rừng”.

Từ nhận thức trên, với sự lãnh đạo kiên định của Đảng bộ, sự điều hành linh hoạt hiệu quả, phát huy lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực của chính quyền, cùng sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong xã, Nậm Cang đã bứt phá mạnh mẽ trên tất cả các mặt kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh được thực hiện đạt kết quả cao. Có thể nói: Thành công lớn nhất trong phát triển kinh tế xã hội là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với bảo vệ rừng và việc xác định giống cây trồng phù hợp, thực hiện trồng cây thảo quả dưới tán rừng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công ở Nậm Cang hôm nay.

Ông Vừ A Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Cang cho biết: Trước đây đời sống của người dân chúng tôi vô cùng khó khăn, nằm trong Chương trình 135/CP. Trên địa bàn xã không có cây thảo quả nên chúng tôi phải lấy giống, học hỏi kinh nghiệm từ địa phương khác về trồng thử thấy hiệu quả nên đã vận động người dân áp dụng và nhân rộng trong toàn xã. Từ mô hình trồng cây thảo quả dưới tán rừng mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, lãnh đạo xã chúng tôi đã chủ động mời cán bộ khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo quả cho bà con. Vì vậy, diện tích trồng cây thảo quả tăng nhanh qua các năm. Tính đến cuối năm 2012, toàn xã có 667,4 ha cây thảo quả, trong đó có 654 ha đang cho thu nhập, tổng sản lượng toàn xã đạt 200 tấn khô, thời giá hiện tại 120.000 đồng/kg, ước tính đạt 2,4 tỉ đồng/năm. Điều đáng mừng là 100% số hộ gia đình trong xã đều có nương thảo quả, bởi từ lâu xã chúng tôi đã hoàn thành việc giao đất giao rừng cho người dân nên rừng thực sự đã có chủ, rừng đã thực sự được chăm sóc, bảo vệ”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: đặc điểm của cây thảo quả là sinh trưởng và phát triển ở dưới tán rừng già nên người dân phải luôn giữ và trồng rừng nên tỉ lệ che phủ rừng của xã tăng nhanh từ 50% lên 70% và là xã có tỉ lệ rừng che phủ cao nhất huyện Sa Pa. Là loại cây có đặc tính ưa ẩm, thảo quả rất thích hợp với đất rừng nơi đây. Những hộ dân trồng thảo quả đều tham gia kí cam kết với chính quyền sử dụng đất trồng thảo quả dưới tán rừng đúng mục đích. Cán bộ khuyến nông của huyện, xã hướng dẫn bà con không phát quang các bụi cây dưới tán rừng trồng thảo quả mà chỉ trồng xen thảo quả bên các bụi cây mà thảo quả trồng và chăm sóc đơn giản, mỗi năm chỉ phải làm cỏ 2 lần và tạo tán che phủ là có thể chờ đến mùa hái quả. Cách làm này vừa giữ được rừng nhiệt đới lại vừa tăng diện tích trồng cây thảo quả mà lại giúp đất giữ ẩm, giữ nước và không làm biến đổi môi trường. Quan trọng hơn là đã xóa bỏ được tập quán phát nương trồng ngô, lúa để chuyển sang chuyên canh trồng thảo quả dưới tán rừng.

Từ thực tế ở Nậm Cang cho thấy cho thấy việc trồng cây thảo quả vừa đáp ứng được bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế vừa bảo vệ được tài nguyên rừng, người dân có thu nhập cao và là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Nhưng thảo quả là loại cây trồng mà sản phẩm, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài nên dễ lâm vào tình trạng thụ động. Để duy trì sự phát triển bền vững, lâu dài, tránh sự độc tôn của cây thảo quả, Nậm Cang đã trú trọng phát triển đa dạng hóa các loại hình kinh tế, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế trang trại, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt; ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ; khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển những ngành nghề truyền thống như các nghề: rèn, dệt thổ cẩm…tạo thu nhập cho người dân. Nếu như trên địa bàn huyện Sa Pa có trên 90 trang trại nông lâm nghiệp thì Nậm Cang đã có tới 55 trang trại. Trang trại có quy mô nhỏ nhất là 1 ha, lớn nhất là 20 ha. Các trang trại lâm nghiệp ở Nậm Cang chủ yếu là trồng thảo quả và chăn nuôi đại gia súc…

Để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, lãnh đạo xã đã chủ động tham mưu với tỉnh, huyện chủ động lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình : 134, 135 cùng nguồn vốn của các hạng mục đầu tư được phê duyệt xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu: giao thông, thủy lợi để bà con trồng lúa nước, đồng thời đưa giống lúa mới có năng xuất, chất lượng cao vào gieo trồng. Do chủ động được nguồn nước tưới và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hợp lí nên hiện nay người dân trong xã đã canh tác được 2 vụ lúa và 1 vụ màu trên diện tích đất nông nghiệp thay cho chỉ canh tác 1 vụ lúa như trước đây. Từ đó sản lượng lương thực của xã liên tục tăng lên, lương thực bình quân đầu người của xã tăng từ 190kg/người/năm (năm 2000) lên 500kg/người/năm (năm 2009)

Từ một xã đói nghèo, lạc hậu, là “điểm nóng” về ma túy đến nay Nậm Cang đã đổi thay toàn diện, trở thành xã giàu, phát triển theo hướng bền vững và thực sự là “xã trắng” về ma túy, không có tệ nạn xã hội. Cán bộ, đảng viên thực sự là những người gương mẫu và vận động nhân dân trong chấp hành tốt các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; bài trừ những phong tục tập quán lạc hậu như: tình trạng ma chay không hợp vệ sinh ở dân tộc Mông, nạn thách cưới cao ở dân tộc Dao, nạn tảo hôn ở cả hai dân tộc Mông và dân tộc Dao…; thực hiện tốt việc giúp đỡ các hộ nghèo về giống, vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vận động bà con đẩy mạnh việc trồng thảo quả dưới tán cây rừng. Nhờ đó, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Đến nay Nậm Cang không còn nhà tạm, 100% nhà ở được ngói hóa, người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; các hộ gia đình đều có xe máy và sử dụng điện thoại di động; trên 90% hộ gia đình có ti vi và ra đi ô; 90% hộ gia đình có bể nước sạch nông thôn; trên 80% hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp quy cách; internet không dây đã được phủ sóng trong địa bàn toàn xã; hệ thống trường lớp ở cả 3 cấp học và trạm y tế của xã được xây dựng khang trang và công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các phòng học tin học, ngoại ngữ đều có trang bị các thiết bị hiện đại, học sinh dân tộc được tiếp cận rất sớm với tin học và ngoại ngữ.

Bên cạch đó, Nậm Cang còn chú trọng vào công tác phát huy bản sắc văn hóa và làm du lịch. Hai dân tộc Mông và Dao trong xã đã thành lập được các đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập và biểu diễn các bài hát, điệu múa với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Các món ăn đặc sắc, riêng có của đồng bào dân tộc nơi đây cũng được duy trì, phát huy phục vụ du khách. Trong xã cũng đã có nhiều căn nhà mang kiến trúc đặc thù vốn có của người dân bản địa, “đặc sản” tắm lá thuốc của người Dao được đưa vào phục vụ khách du lịch đã tạo nên sự hấp dẫn, mời gọi du khách trong và ngoài nước. Sự kết nối từ Sa Pa đến Nậm Cang đang đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa ở xã vùng cao này. Những năm gần đây, mặt bằng đời sống kinh tế của nhân dân toàn xã được nâng lên rõ rệt, công tác xã hội hóa giao thông nông thôn đã phát triển rộng khắp, được người dân đồng tình ủng hộ và Nậm Cang là xã duy nhất của Lào Cai có trục đường chính trong thôn và các nhánh đường xương cá đến từng hộ đã hoàn toàn được bê tông hóa…

Năm 2000, Nậm Cang trở thành xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, là địa phương dẫn đầu huyện Sa Pa trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và phát triển rừng. Người dân Nậm Cang tự hào bởi xã có nhiều hộ giàu, không còn hộ nghèo, mức thu nhập đạt cao nhất huyện, không có tệ nạn xã hội, không người nghiện hút, một mẫu hình nông thôn mới đã và đang hiện hữu ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đạt được những thành quả đó, chúng ta cùng rút ra một số bài học kinh nghiệm: Phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc; thực hiện tốt công tác vận động, tạo điều kiện để các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, kết hợp đẩy mạnh trồng cây thảo quả dưới tán rừng để giữ nước, bảo vệ môi trường và người dân có thu nhập chính đáng từ rừng. Cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Mông - Dao; xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi, giữ gìn cảnh quan môi trường…Chú trọng quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, làm tốt công tác giáo dục -đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền đoàn thể xã thôn; phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, nâng cao năng lực công tác, phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng xã, thôn.

Phát huy các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Giữ vững và phát huy danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Nguyễn Bình Minh