Đổi thay ở xã dân tộc, miền núi Ea Bia

08:59 11/04/2013 Lượt xem: 316 In bài viết

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án nên đời sống của người dân phần nào được cải thiện, đói nghèo dần được đẩy lùi. Đường đi lại thuận tiện, nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt dẫn đến từng nhà. Trạm y tế, trường học xây dựng khang trang. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đã tạo động lực cho bà con có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Bia Ksor Y Phao cho biết: Đảng ủy đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ và coi đây là nhiệm vụ cần thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng ủy đã phân công cán bộ chủ chốt của xã sinh hoạt tại các chi bộ còn yếu và yêu cầu các chi bộ tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phân công nhiệm vụ cho các đảng viên phụ trách từng thôn, buôn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên và nhân dân trong xã đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tham gia lao động sản xuất, xây dựng các tổ chức đoàn thể, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các hộ gia đình cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu phát triển kinh tế gia đình, sau đó vận động các hộ khác làm theo và giao nhiệm vụ cho từng đảng viên công việc cụ thể để có giải pháp giúp đỡ hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế.

Đồng chí Ma Nít, Bí thư chi bộ buôn Ma Sung tâm sự: Những năm trước, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất rất khó khăn. Dù xã cấp phát cây giống, hỗ trợ phân bón, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng nhưng nhiều hộ nhận cây giống về nhưng không trồng hoặc trồng nhưng phó mặc cho trời, người dân vẫn chỉ quen với tập quán sản xuất cũ. Sau khi tìm hiểu thực tế, ngoài những nguyên nhân khách quan, thì còn một số cán bộ, đảng viên chưa nêu gương khiến bà con so bì, gây tâm lý e ngại. Chi bộ đã yêu cầu các đảng viên gương mẫu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rồi từ đó nhân rộng mô hình, qua đó bà con dân tộc buôn Ma Sung đã chuyển đổi nhiều chục ha đất rẫy trồng mè, đậu bấp bênh sang trồng sắn, mía để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Qua đó diện tích quay vòng đất tăng nhanh, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, trang bị máy móc vào phát triển sản xuất. Vụ mía vừa qua, là mùa bội thu đối với người trồng mía ở buôn Ma Sung, nhiều gia đình sau thu hoạch đã thu lãi vài chục triệu đồng. Gia đình Ma Bia là một trong nhiều gia đình như thế, Ma Bia phấn khởi nói: Gia đình mình đã chuyển đổi ba ha trồng đậu sang trồng mía, từ tiền bán mía gia đình đã sửa căn nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi. Nắm rõ chủ trương và những khuyến khích của địa phương, vợ chồng mình tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Mình mong xã tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân học tập kiến thức trồng trọt, phòng chống dịch bệnh để áp dụng vào phát triển kinh tế tốt hơn và nhất là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, khi xã có kế hoạch san ủi hơn 5km đường nội đồng từ cuối buôn Ma Sung đến khu vực sản xuất. Đảng ủy xã đã họp dân phổ biến lợi ích của con đường, chỉ đạo các đảng viên trong chi bộ buôn Ma Sung có đất nằm trong khu vực đường đi qua phải tiên phong gương mẫu hiến đất, dọn cây cối để làm đường, rồi sau đó từng đảng viên vận động nhân dân làm theo. Hưởng ứng, bà con buôn Ma Sung đã hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng chục triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và một số đơn vị doanh nghiệp. Ông Ksor Y Bin, là một người dân trong thôn, cởi mở nói: Khi chính quyền địa phương vận động hiến đất làm đường, mọi người trong buôn vui mừng lắm và đều đồng thuận rất cao, gia đình mình cũng hăng hái hiến một phần đất để làm đường vì cũng thấy được lợi ích con đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng, xe công nông, máy cày chở hàng hóa thuận tiện.

Đồng chí Ksor Y Phao, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bia cho biết thêm: Xã Ea Bia có hơn 200 ha đất lâm nghiệp, đất có rừng là 50 ha. Đất ở đây qua nhiều năm khai thác đã bạc màu vì vậy phát triển trồng rừng cũng là một trong những biện pháp để xoá đói, giảm nghèo. Hiện xã đã khuyến khích người dân phát triển nghề trồng rừng, trong khoảng thời gian 5 năm, khi thu hoạch thì mỗi ha cũng có giá trị trên 50 triệu đồng. Hơn nữa khi có rừng sẽ tạo thảm thực bì để có thể phát triển chăn nuôi bò. Mặt khác, rừng còn có tác dụng chống xói mòn và giữ độ ẩm cho đất, góp phần tăng năng suất các loại cây trồng khác. Vấn đề đặt ra là phải có dự án đầu tư trồng rừng hoặc có nguồn vốn hỗ trợ người dân trồng rừng, tạo điều kiện giúp bà con có thu nhập khác trong thời gian chờ đến khi rừng cho khai thác, như phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc lao động thời vụ cho khu vực sản xuất ở thị trấn Hai Riêng nằm ngay bên cạnh xã cũng là một hướng đi có thể được tính đến.

Để đời sống của người dân trong xã Ea Bia thoát khỏi đói nghèo, chính quyền trong xã không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà vấn đề về dân số, kế hoạch hóa gia đình cũng được quan tâm. Năm 2011, Ea Bia là xã đầu tiên thực hiện mô hình “Già làng, trưởng họ tham gia công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình”. 100% già làng, trưởng họ đều quyết tâm thực hiện và luôn tuyên truyền, vận động dòng họ. Năm 2012, Ban Dân số-Gia đình-Trẻ em xã Ea Bia đã đưa tiêu chí dân số vào xét thi đua cho công tác dân số cơ sở, các chi hội, thôn, buôn. Người dân xã Ea Bia đã thay đổi trong quan điểm về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ em... vì vậy năm 2012 Ea Bia là xã không có người sinh con thứ 3.

Những bước đi đúng hướng đó đã giúp đời sống của các hộ dân trong xã dần ổn định và từng bước phát triển. Hầu hết các hộ đều có phương tiện nghe, nhìn; trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường; người dân được chăm sóc y tế chu đáo... Ea Bia hôm nay, bên những công trình của Nhà nước đầu tư như đường, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi, điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt... còn có nhiều ngôi nhà khang trang, những chảo ăngten thu sóng truyền hình, những đôi chân, đôi vai đã bớt vất vả hơn nhờ chiếc xe máy, cái máy cày thay sức người lên rẫy trồng cấy hay mang sản phẩm làm được về nhà, đến chợ.

Nguyễn Kim Nhung