Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Krông Năng
03:41 22/04/2013 Lượt xem: 456 In bài viếtHuyện Krông Năng (Đăk Lăk) có diện tích tự nhiên 61.479 ha, dân số khoảng có 122.343 người, với 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 28,5%, dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm khoảng 12,03%, chủ yếu ở nông thôn, sống bằng lao động nông nghiệp là chính.
Thực trạng công tác giảm nghèo
Nhận thức rõ vai trò, tính cấp thiết của công tác
xóa đói giảm nghèo nên trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng
Chương trình số 10-CTr/HU, ngày 20/12/2006 về giảm nghèo và xoá nhà tạm bợ trên
địa bàn huyện, giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo
bình quân mỗi năm 3%; cơ bản xoá nhà tạm bợ, cải thiện đời sống cho hộ nghèo.
Thực hiện Chương trình số 10 của Huyện uỷ, UBND huyện xây dựng Đề án số 01 về “Giảm nghèo giai đoạn 2006-2010”; HĐND huyện có Nghị quyết chuyên đề số 06/2006/NQ - HĐND về “Giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010” với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3 - 5%. Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp cũng được thành lập đi vào hoạt động có hiệu quả, đã triển khai rộng rãi đến các thôn, buôn, tổ dân phố, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện đồng tình hưởng ứng, tạo ra phong trào sâu rộng trong nhân dân. Các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại trực tiếp với người nghèo, giúp cho người nghèo hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo; đồng thời giúp họ tháo gỡ khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Mùa cà phê
Qua 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn (2006 - 2010) bình quân hàng năm giảm 4,36% vượt kế hoạch đề ra là 1,36%.Bên cạch đó, chính sách ưu đãi trong giáo dục luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, nhất là con em người nghèo, người tàn tât, trẻ em mồ côi, con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 4 năm thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã hoàn thành các mục tiêu của chương trình, với tổng kinh phí thực hiện 12.549,45 triệu đồng, đã hỗ trợ 1.045 nhà trong đó làm mới 642 nhà, sửa chữa 403 nhà; cấp 1,5 ha đất ở cho 75 hộ, đất sản xuất cho 388 hộ, diện tích là 86,94 ha. Cấp nước sinh hoạt cho 887 hộ, trong đó nước phân tán 784 hộ, 2 công trình nước tập trung cho 93 hộ.
Chính sách hỗ trợ nhà ở hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng thực hiện rà soát lại các bộ hộ nghèo trên địa bàn huyện, tiến hành xây dựng 1.097/1.098 hộ, với tổng kinh phí 31.848 triệu đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về khuyến nông, khuyến lâm huyện đã triển khai đầu tư 186 mô hình cho người nghèo, như: mô hình sản xuất ngô lai, lúa cao sản, bò lai, cá rô lai đơn tính,… với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đã mở 628 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ giúp cho 10.300 lượt người nghèo nắm được quy trình sản xuất, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Cùng với chủ trương trên, huyện đã thành lập Trung tâm dạy nghề với qui mô từ 250 đến 300 học viên với 13 nghề đào tạo, đang đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho bà con có thêm việc làm, nâng cao kỹ năng, năng suất lao động.
Người nghèo đã được vay nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, và sử dụng có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, nâng cao mức thu nhập bình quân, tiến tới thoát nghèo.
Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể tổ chức vận động mọi tầng lớp nhân dân hướng về người nghèo và ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo” được 4.494.818 đồng xây dựng 231 nhà đại đoàn kết tặng cho 231 hộ nghèo. Các đoàn thể đã chủ động, sáng tạo phát động nhiều phong trào giúp nhau lao động sản xuất, vượt khó trong cuộc sống, vận động ủng hộ, tiếp nhận hàng cứu trợ từ các nhà hảo tâm, từ thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của huyện còn bộc lộ những thiếu sót: Một số đơn vị không nắm chắc hộ nghèo đơn vị mình; việc rà soát hộ nghèo ở thôn, buôn, tổ dân phố thực hiện chưa chặt chẽ, có đơn vị công nhận hộ nghèo không dựa vào tiêu chí, hoặc đánh giá, khảo sát không chính xác theo tiêu chí, nên có nhiều hộ có mức thu nhập cao, ổn định nhưng vẫn đưa vào hộ nghèo để hưởng chính sách; công tác xóa đói giảm nghèo chưa đảm bảo tính bền vững, hiện tượng “tái nghèo” và những hộ “cận nghèo” rơi vào diện hộ nghèo vẫn xảy ra; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao, tốc độ giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm; khoảng cách giàu - nghèo có chiều hướng ngày càng gia tăng; một số hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự mình vươn lên làm giàu chính đáng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Giải pháp chủ yếu đến năm 2015
Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo được huyện xác định là: Phát triển kinh tế gắn liền
với giảm nghèo bền vững,… cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo ở các
xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo có việc
làm ổn định tăng thu nhập, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tập
trung nguồn lực để giảm nghèo khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, các xã,
thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phấn đấu bình quân hàng năm giảm 3% tỷ lệ hộ
nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn (2011-2015).
Để thực hiện phương hướng, mục tiêu trên cần tập trung thực hiện tốt thì căn cứ nội dung nghị quyết của cấp trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, Nghị quyết số 03- NQ/HU, ngày 05/9/2011 của Huyện uỷ về xây dựng Nông thôn mới, cấp uỷ và chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Ưu tiên tập trung vốn nhiều hơn cho nông nghiệp và nông thôn để phát triển kinh tế; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng, xem công tác giảm nghèo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Chủ động cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo từng thôn, buôn, cụm dân cư, đầu tư cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, kết hợp vay vốn giảm nghèo, tập huấn, hội thảo nhân rộng các mô hình trình diễn, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, chi tiêu tiết kiệm, không lãng phí.
Phát triển chăn nuôi bò hàng hóa
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp phát động phong trào thực hiện giảm nghèo và huy động nhiều nguồn lực, nhiều tổ chức chính trị xã hội với nhiều hình thức phong phú phục vụ mục tiêu giảm nghèo; tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng, của người dân đối với chương trình giảm nghèo; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, để phòng tránh những sai phạm có thể xảy ra.
Tiếp tục làm tốt việc phân công các đồng chí trong Ban điều hành giảm nghèo huyện phụ trách địa bàn, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và nắm bắt tình hình ở cơ sở; bổ sung hoàn thiện quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban giảm nghèo. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.
TS. Nguyễn Thế Tư
Học viện Chính trị- Hành chính KV III