Hội liên hiệp phụ nữ Nghệ An với công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng Dân tộc thiểu số.
03:57 22/04/2013 Lượt xem: 380 In bài viếtVùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An phân bố tập trung tại 12 huyện, thành thị trên địa bàn 149 xã, thị trấn và 1.339 xóm, bản, với số dân trên 44 vạn người, chiếm tỉ lệ 15,3% dân số toàn tỉnh, gồm các dân tộc: Thái (67,5%), Thổ (14,6%), Khơ Mú (7%), Mông (6,9%) và một số dân tộc khác (gần 4%). Các dân tộc thiểu số chủ yếu sống tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, ... Số hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An là 64.169/444.520 hội viên, chiếm 14,43% hội viên toàn tỉnh, đời sống của phần lớn hội viên dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao,…
Nhận thức rõ vùng dân tộc, miền núi là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng; trong những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xác định: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có tầm quan trọng đặc biệt và nhiêm vụ trọng tâm là hướng mạnh các hoạt động vào hội viên ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Kiến thức và Nghề- Nền tảng thoát nghèo
Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo vùng dân tộc thiểu số chủ yếu do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập trung nâng cao kiến thức mọi mặt cho hội viên; tăng cường hỗ trợ vốn, kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế tại địa phương nhằm giúp phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả. Những năm qua, Hội đã phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn mở hàng ngàn lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn chị em nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp: sử dụng giống lúa lai, ngô lai; chăn nuôi lợn, bò, dê, gà; xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; trú trọng khôi phục và phát triển ngành nghề, đặc biệt là các làng nghề dệt thổ cẩm,…
Nghề dệt thổ cẩm của Dân tộc Thái Nghệ An
Đến nay đã có nhiều làng nghề được khôi phục và đang phát triển giúp đời sống của chị em thoát khỏi đói nghèo, ổn định đời sống. Kỳ Sơn là huyện đi đầu trong phát triển kinh tế từ nghề dệt thổ cẩm. Toàn huyện hiện có 19 làng nghề, với trên 600 lao động tham gia như: Làng Xốp Thập, bản Nản Na (xã Hữu Lập); làng Phiêng Pô (xã Phà Đánh); làng Cầu Tám (xã Tà Cạ); bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn),... Trong đó Nậm Cắn, xã miền Tây Nghệ An, với 114 hộ đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Bản Noọng Dẻ, với 100% dân tộc Thái sinh sống, phụ nữ ngoài công việc nương rẫy, nay có thêm nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm của chị em phụ nữ Noọng Dẻ đã chiếm được lòng tin của khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu. Chị Lương Thị Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Noọng Dẻ cho biết: “Tính đến nay, cả bản đã có khoảng 100 hộ gia đình theo nghề dệt thổ cẩm và đã đem về một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống cho các gia đình. Sản phẩm dệt thổ cẩm (váy, áo, khăn piêu, túi, ví, thắt lưng) của phụ nữ Noọng Dẻ luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng, bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong cách trang trí hoa văn và hài hòa trong phối màu,... tay nghề của các chị em ngày càng được nâng cao, có nhiều cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đã hợp đồng đưa nguyên liệu và bản thiết kế mẫu về tận nơi để chị em dệt”.
Vốn vay ngân hàng- Nguồn lực thoát nghèo
Tỉnh Hội Phụ nữ Nghệ An đã chú trọng thành lập các tổ, nhóm tín dụng - tiết kiệm giúp nhau vay vốn không lấy lãi. Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn với lãi suất thấp, kết hợp với hướng dẫn chị em sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và có điều kiện hoàn trả vốn bằng chính sức lao động của mình. Nhờ nguồn vốn tín dụng mà nhiều chị em hội viên đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Hà Thị Hải, xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành là một điển hình. Chị Hải bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, tưởng chừng không thể cho con ăn học. Nhưng từ kinh nghiệm học hỏi được qua những đợt tập huấn, qua kinh nghiệm của chị em hội viên khác, vợ chồng tôi bàn nhau mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư cho chăn nuôi. Đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất 3 lứa gà, cho thu nhập khoảng 120 đến 140 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn làm 2 mẫu ruộng, nuôi thêm 7 con bò sinh sản và 1,2 ha ao cá. Nhờ vậy gia đình có nguồn thu nhập ổn định, nuôi được 2 con học hành bằng chị bằng em” . Chị Lê Thị Tính ở xóm Quán Mít (Nghĩa Tân, Nghĩa Đàn) đã thoát nghèo và làm giầu từ việc mạnh dạn vay vốn đầu tư ươm giống cây cao su. Đến nay, chị đã trở thành Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Yên Tính chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống và mua bán phân bón. Bà Nguyễn Thị Hiền- Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã Diễn Đông, huyện Diễn Châu cho biết: “ Chúng tôi tập trung giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội đã tín chấp cho chị em vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng; các gia đình đều đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu, bò rất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế hộ.”
Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI với Chủ đề “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” với nội
dung “Ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo và tặng học bổng cho
trẻ em nghèo vượt khó” trong năm 2012, toàn tỉnh xây mới được 124 nhà, sửa chữa
được 151 nhà cho chị em hộ nghèo với tổng số tiền là 3,1 tỷ đồng.
Theo ý kiến của bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An thì
“Trong thời gian tới Hội vẫn tiếp tục duy trì và khai thác các nguồn vốn hỗ trợ
phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế; gắn việc cho vay vốn với hướng dẫn tiến bộ
khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho
phụ nữ; phát động nhiều phong trào thi đua để đánh giá chất lượng các mô hình
phụ nữ phát triển kinh tế. Đa dạng các hình thức giúp phụ nữ nghèo đứng chủ, phụ
nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặt khác sẽ tăng cường hỗ trợ phụ nữ chủ
doanh nghiệp, tổ hợp trên địa bàn để duy trì phát triển ngành nghề và giải quyết
việc làm cho hội viên Hội phụ nữ”.
Lê Tuyết