Khuyến nông vùng đồng bào dân tộc ở Trà Vinh
03:59 22/04/2013 Lượt xem: 343 In bài viếtTrà Vinh là tỉnh ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn đồng bào dân tộc ở Trà Vinh sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển. Những năm trước, đồng bào dân tộc ở Trà Vinh thường canh tác lúa theo tập quán truyền thống, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, còn lạm dụng sử dụng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật. Việc gieo trồng giống lúa có chất lượng cao còn hạn chế vì vậy hiệu quả kinh tế thấp. Để giúp bà con tiếp cận khoa học-kỹ thuật, áp dụng các mô hình sản xuất mới mang lại năng suất, chất lượng bền vững, hệ thống Khuyến nông từ tỉnh đến xã được củng cố, phát triển, đã tập trung làm tốt chức năng chuyển giao khoa học công nghệ và là cầu nối gắn kết khoa học với sản xuất. Cán bộ làm công tác Khuyến nông luôn bám cơ sở, chọn lựa nội dung các quy trình kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với trình độ của người dân và điều kiện canh tác của địa phương, hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào cụ thể với từng cây trồng, vật nuôi, theo từng công đoạn sản xuất, giúp nông dân tiếp thu và áp dụng đạt kết quả cao, có nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng, phát triển như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, trồng rau, chăn nuôi bò, lợn theo hướng hàng hóa.
Với mô hình trình diễn lúa giống cuối vụ lúa đông xuân vừa qua, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú đã tổ chức cho nông dân bình chọn giống lúa trong số 5 loại lúa giống. Những nông dân tham gia bình chọn được phát phiếu và yêu cầu đánh dấu vào các cột xếp loại: tốt, trung bình, kém với các tiêu chí: đẻ nhánh, cứng cây, số hạt trên bông, số hạt chắc trên bông... Kết quả là đồng bào dân tộc ở Trà Vinh đã am hiểu và chọn được những giống lúa phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương mình.
Ông Thạch Sa Rây ở tổ sản xuất lúa giống thuộc xã Tân Sơn cho biết: Tổ sản xuất lúa giống chuyên sản xuất lúa chất lượng cao và được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký hợp đồng bao tiêu, nên luôn bán được giá cao hơn thị trường. Tôi hỏi ông việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất có khó không? Ông Thạch Sa Rây nói: Trước đây, vùng này chưa có thủy lợi, mỗi năm chỉ làm được một vụ, cấy xong năm nào mưa thuận gió hòa thì có ăn, năm nào hạn hán thì đói. Sau khi có thủy lợi và đưa cây lúa ngắn ngày vào trồng đã cho thu hoạch cao. Nhưng rồi cây lúa lại bị sâu bệnh, vụ đầu bà con chưa được hướng dẫn thấy người ta xịt thuốc gì thì mình làm theo, nên vẫn mất mùa. Từ khi thành lập tổ hợp tác, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chỉ cho các loại sâu bệnh, rầy nâu, đạo ôn… Bây giờ mình nhìn một dấu nhỏ là biết lúa bị bệnh đạo ôn, chứ không như trước lúa bị đạo ôn cháy lụn hết mà chưa biết do nguyên nhân gì. Sâu bệnh nhiều lắm, làm ruộng không theo kỹ thuật thì không đủ ăn. Được cán bộ hướng dẫn tại ruộng mới biết nên vụ nào cũng trúng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Sơn Huỳnh Văn Cảnh xúc động nói: Nhờ Đảng và Nhà nước, nhờ cán bộ khuyến nông mà người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của đồng bào dân tộc trong xã đã dần khá lên. Vụ đông xuân vừa qua trên cánh đồng mẫu lớn với 185 ha đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tập Sơn hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa giống. Nhận được hợp đồng sản xuất lúa giống đã khẳng định trình độ của người sản xuất. Sản xuất lúa giống đòi hỏi quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt.
Việc đưa tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây lúa đã giúp người trồng lúa ở Tân Sơn giảm được: lượng giống gieo sạ so với tập quán sản xuất cũ khoảng 100 kg/ha, chủ động được thời vụ, khắc phục được tình trạng vụ đông xuân mạ chết và bảo đảm đủ mạ cho thâm canh tăng vụ, tiết kiệm được phân đạm 30 kg/ha so với ruộng đối chứng, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 3 lần/ha, giảm được lượng nước tưới; thu nhập ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng hơn 7 triệu đồng/ha. Những thửa ruộng trước chỉ cấy được một vụ lúa giờ cấy được hai vụ lúa và một vụ màu/năm. Những giống lúa thuần năng suất thấp dần dần được thay bằng giống lúa lai, lúa chất lượng cao. Phó Chủ tịch Huỳnh Văn Cảnh nhớ lại: Trước đây, cán bộ khuyến nông về các ấp để hướng dẫn kỹ thuật, phát giống lúa lai mới và phân bón cho đồng bào nhưng người dân không dùng mà đem đổ phân và thóc giống để lấy cái bao tải. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, xã đã cử một số đảng viên tiêu biểu thâm canh cây lúa đúng cách và thay đổi toàn bộ giống lúa năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh bằng giống lúa lai, lúa chất lượng cao, đạt kết quả tốt. Thấy được lợi ích kinh tế, đồng bào dân tộc đã đến học hỏi kinh nghiệm rồi làm theo. Hiện nay, người dân cấy 80% giống lúa lai, 20% lúa thuần và lúa chất lượng cao.
Cách đây ba năm, một nhóm khoảng 15 hộ đồng bào dân tộc ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè được các thầy giáo ở khoa Trồng trọt (Trường đại học Trà Vinh) về tập huấn kỹ thuật trồng rau màu theo một chương trình khuyến nông ngắn hạn. Nhưng vì tập huấn ngắn hạn, nên còn nhiều thao tác họ chưa nắm vững, vì vậy sau lớp học họ tiếp tục bỏ tiền ra thuê kỹ sư về hướng dẫn trực tiếp thêm hai vụ nữa. Ðiều đó cho thấy, đồng bào bây giờ đã rất chú trọng đến việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ cuối năm 2009, mô hình sản xuất dừa sáp tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã xây dựng tiêu chuẩn sản xuất theo hướng Viet GAP, trong đó có hơn 90% là đồng bào dân tộc tham gia vào mô hình. Ðến nay, xã Hòa Tân hiện có hơn 17 nghìn cây dừa sáp, trong đó có hơn hai nghìn cây đang cho trái, với sản lượng thu hoạch 300 nghìn trái/năm. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật, người nông dân từng bước áp dụng mang lại hiệu quả vào sản xuất. Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh cây lúa, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư còn mở nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại rau màu, nuôi lợn, bò, tôm cho người dân. Ông Kim Sầm Nang ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú cho chúng tôi biết: Năm 2009, thấy lợi thế về đồng cỏ ở địa phương, gia đình ông đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, rồi mua 13 con bò cái về nuôi. Ðến nay, gia đình ông đã trả hết số tiền vay và đàn bò của gia đình đã phát triển lên 47 con. Con bò dễ nuôi, ít bệnh và không tốn chi phí thức ăn, do đó dễ áp dụng ở các hộ ít vốn. Nếu ban đầu mua con bò cái 18-24 tháng, tuổi trung bình 6-8 triệu đồng, sau khoảng 15 tháng, nuôi bò mẹ sinh sản ra bê con là đã kiếm lãi được từ 3-5 triệu đồng. Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật người dân xã Long Hiệp không còn tập tục nuôi trâu, bò thả rông. Họ đã biết cách làm chuồng xa khu vực nhà ở và chăn nuôi hợp vệ sinh. Khi có cán bộ Y tế về người dân mang trâu, bò, lợn, gà ra trung tâm xã tiêm phòng dịch bệnh. Còn gia đình ông Thạch Danh trước đây là hộ nghèo, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Kinh tế của gia đình ông đổi thay khi được hỗ trợ con bò làm vốn mưu sinh. Nhờ chịu khó chăm sóc nên bò lớn nhanh, hai năm sau gia đình đã có bê con. Vừa nuôi bò, gia đình ông còn được hướng dẫn làm mô hình vườn-ao-chuồng. Phân bò được tận dụng để nuôi trùn (giun) quế, lấy trùng cho cá ăn, đất trống quanh nhà được tận dụng trồng nấm rơm. Hết mùa nấm lại lấy rơm mục và phân trùn quế để trồng rau xanh. Nhờ vậy gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Các mô hình sản xuất mới cùng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến phù hợp với điều kiện của địa phương đã giúp đồng dân tộc ở Trà Vinh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao theo hướng hàng hóa, đã nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Hiệp Lê Phúc Dễ cho biết: Xã có 82% số dân là đồng bào dân tộc. Để phát triển sản xuất người dân đã hiến đất làm 25 công trình thủy lợi nội đồng để chủ động nguồn nước. Đồng bào thấy các nơi khác làm lúa theo quy trình kỹ thuật trúng mùa cũng học hỏi và làm theo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao được 30 ha. Ở các ấp Giồng Tranh A, Giồng Tranh B, Nô Rè A có hàng trăm hộ tham gia ký hợp đồng sản xuất hơn 150 ha bắp (ngô) giống. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chỉ sau một vụ, đồng bào dân tộc đã nắm vững quy trình và làm rất tốt. Nếu cán bộ kỹ thuật của cơ sở thu mua phát hiện sản xuất không đúng quy trình thì bị loại xuống mua với giá bắp thường, mất đi một nửa so với giá bắp giống. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, người dân đã trồng giống bắp lai thay thế giống bắp địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế gấp 3-5 lần so với trồng giống cũ, chỉ một vụ bắp, người dân ở đây thu được lãi hơn 40 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng mô hình trình diễn nuôi tôm sú theo qui trình GLOBAL GAP (GLOBAL GAP là Tổ chức thiết lập các tiêu chuẩn chứng nhận tự nguyện cho các sản phẩm ngành nông nghiệp và thủy sản toàn cầu), tại xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang và Hiệp Thạnh huyện Duyên Hải. Sau gần 5 tháng thả nuôi, những hộ tham gia mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như hộ anh Nguyễn Thanh Mộng, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông thả nuôi 150.000 con tôm giống trên diện tích 0,5 ha, thu được 3,6 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ toàn bộ chi phí lãi 364 triệu đồng. Nuôi tôm sú theo qui trình GAP là mô hình sản xuất mới ở vùng ngập mặn, ven biển tỉnh Trà Vinh, sản phẩm làm ra sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% chi phí thức ăn; người nuôi còn được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ.
Từ kết quả ứng dụng hợp lý tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong nông nghiệp nhất là ở vùng đồng bào dân tộc nên những năm qua, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phát triển khá toàn diện. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn được chú trọng theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và những lợi thế của từng vùng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp, đồng thời thực hiện tốt cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc được cải thiện, công tác giảm nghèo đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể, thu nhập của nông dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, hiện nay để mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh còn nhiều khó khăn do một số Trạm khuyến nông huyện thiếu cán bộ, phương pháp đào tạo chưa cập nhật với sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Trong những năm tới, song song với việc phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Trà Vinh đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nâng cao phương pháp, chất lượng chuyên môn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của địa phương; từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu cho người dân.
Nguyễn Kim Nhung