Mở hướng giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng
09:29 23/04/2013 Lượt xem: 384 In bài viếtThuốc lá hiện đang là cây trồng chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai…vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh Cao Bằng đang đứng đầu khu vực miền Bắc về chất lượng nguyên liệu thuốc lá. Không những thế, chỉ sau một năm triển khai thực hiện Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 29/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã hình thành được vùng nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn 11/13 huyện, thành phố, với diện tích lên tới 3.071 ha (tính đến cuối năm 2012), năng suất bình quân 18,8 tạ/ha, sản lượng 5.760 tấn, trị giá gần 300 tỷ đồng. Cây thuốc lá đã mang lại thu nhập cho nhiều các hộ nông dân từ 70 - 100 triệu đồng/ha, là cây trồng chủ lực, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Hà Quảng là một trong những huyện có truyền thống trồng thuốc lá ở Cao Bằng với diện tích tương đối lớn. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện tiếp tục xác định thuốc lá là cây trồng mũi nhọn để tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất. Hàng năm, huyện chủ động ký hợp đồng khung với Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá giúp đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Trên cơ sở đó, Chi nhánh Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá cử cán bộ xuống cơ sở triển khai kế hoạch sản xuất, đăng ký diện tích, phân bón, vật tư và tiến hành ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với các xã và nhóm hộ nông dân. Năm 2012, đã có 1.855 hộ tham gia trồng 584 ha thuốc lá, tuy bị ảnh hưởng của thiên tai nhưng năng suất vẫn đạt 17,8 tạ/ha, sản lượng 1.041 tấn. Chi nhánh Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá đã thu mua hơn 1.152 tấn, với giá bình quân gần 50 nghìn đồng/kg. Thuốc lá đã đem lại giá trị hơn 57 tỷ đồng cho nông dân, phần đông trong số đó là đồng bào dân tộc Tày, Nùng…, đồng thời đóng góp cho ngân sách hơn 3,2 tỷ đồng.
Lão nông người Tày Hoàng Đức Nguyên ở huyện Trùng Khánh cho biết: “Nhà tôi có 1ha đất trồng thuốc lá, sau mấy tháng trồng thấy cây phát triển tốt và dễ chăm sóc mà lại năng suất, gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 2 ha nữa. Hiện tại, gia đình tôi có 3 ha thuốc lá cho thu nhập bình quân mỗi năm 210 triệu đồng, trừ chi phí đi rồi vẫn còn 150 triệu đồng/vụ/năm gấp khoảng 4 lần trồng ngô lúa. Giờ đây gia đình tôi đã có cuộc sống sung túc và có tiền cho con đi học.
Cây thuốc lá, một hướng thoát nghèo của người dân vùng miền núi
Cây thuốc lá đang tiếp tục được mở rộng diện tích tại Cao Bằng. Vấn đề cấp thiết là phải xây dựng thương hiệu riêng cho mỗi vùng miền để phát triển bền vững và sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Ông Nông Văn Chấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trùng Khánh cho rằng, phát triển diện tích cây thuốc lá nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai, lao động ở địa phương, góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở địa phương. Điều mà ông Chấn và hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn là tỉnh và các nhà khoa học cần sớm có lộ trình xây dựng thương hiệu cho cây thuốc lá Cao Bằng để tạo niềm tin về chất lượng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; sớm ban hành quy định điều kiện đầu tư sản xuất và kinh doanh thuốc lá trên địa bàn để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, ngoài quy hoạch.
Để cây thuốc lá phát triển bền vững, bên cạnh các giải pháp như: Rà soát lại quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển vùng thuốc lá nguyên liệu giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tỉnh Cao Bằng cũng cần tổ chức cho người dân tộc thiểu số được tham quan, học tập để thấy giá trị của cây thuốc lá-một hướng thoát nghèo và làm giàu hiệu quả ngay trên vùng núi quê hương.
Đinh Nhung