Bình Thuận: Nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số

04:04 26/06/2013 Lượt xem: 362 In bài viết

Nằm ở duyên hải cực Nam Trung bộ, tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đông nhất là dân tộc Kinh, tiếp đến là các dân tộc Chăm, Raglai, Hoa, Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng, Mường,… Người dân đa số sống ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, ít có điều kiện để tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, Bình Thuận rất chú trọng quan tâm nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2009 - 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện số 5682 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”. Hàng năm Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Tiểu Đề án 4 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số”.

Sau 4 năm thực hiện đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật; từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong làng, xã. Nhiều phụ nữ đã biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân và gia đình, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các hiện tượng tảo hôn, bạo lực gia đình trước đây giờ đã giảm đi đáng kể, nhân phẩm người phụ nữ được coi trọng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ trì phối kết hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Theo đó, các cấp hội phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức 85 cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí liên quan đến Luật Đất đai; Luật Dân sự; Luật Khiếu nại, tố cáo; về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu; Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… thu hút 12.750 hội viên phụ nữ tham gia. Để đề án đạt được kết quả cao, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Chính sách - Luật pháp (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức khảo sát tại xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), xã Phan Tiến (Bắc Bình); tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 16 báo cáo viên và 50 tuyên truyền viên là phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc 5 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Tánh Linh; tổ chức tọa đàm trao đổi về cách thức tuyên truyền để giúp chị em nắm bắt và hiểu luật một cách hiệu quả nhất. Riêng huyện Hàm Thuận Nam tổ chức 2 lớp tập huấn cho 73 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện, xã về phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số và 4 cuộc truyền thông chống mua bán người cho 400 cán bộ, hội viên phụ nữ và học sinh tại Hàm Thuận Nam; ra mắt mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật” có 20 chị tham gia ở Hàm Kiệm. Đến nay mô hình này được nhân rộng ra các địa phương khác và hoạt động rất hiệu quả.

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tọa đàm về thực hiện đề án, tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và cấp xã với gần 2.373 chị tham dự; thành lập 122 tổ, nhóm tư vấn pháp lý. Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện Hàm Tân, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, thị xã La Gi đã thành lập 40 tổ phụ nữ “Vận động chồng, con không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” có 1.130 chị tham gia như tổ phụ nữ quản lý sau cai nghiện, tổ phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình…

Bà Nguyễn Thị Lý - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề án được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên các địa bàn, xác định đúng đối tượng, đúng địa bàn, nội dung phù hợp, thiết thực. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền từng bước được đổi mới phù hợp với trình độ, tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó, tạo sự chuyển biến nhất định về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên phụ nữ vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, mạng lưới đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên luôn được quan tâm củng cố kiện toàn, thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nên phát triển rộng khắp cả về số lượng lẫn chất lượng. Bà Nguyễn Thị Lý cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đề án vẫn gặp phải một số khó khăn: Trình độ của một bộ phận không nhỏ hội viên, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; đời sống, vật chất tinh thần của người dân chưa được đảm bảo nên không có điều kiện để tham gia học tập, tiếp cận những thông tin về pháp luật; đội ngũ cán bộ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thường xuyên, sâu rộng trong các vùng; nội dung tuyên truyền còn dàn trải chưa cô đọng để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, giữa các ngành, đoàn thể chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên. Mặt khác, kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế.

Phải khẳng định rằng qua tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số những năm qua, nhận thức của hội viên phụ nữ được nâng lên rõ nét, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, tích cực hơn trong việc giáo dục vận động người thân và gia đình không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội nên tỷ lệ hội viên phụ nữ vi phạm pháp luật rất ít; từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong làng, xã, nhiều phụ nữ đã biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân và gia đình góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Giờ đây khi pháp luật đã đi vào đời sống thì các hoạt động phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên và có chất lượng hơn, kết hợp với việc đấu tranh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật. Từ đó, ý thức người dân có sự chuyển biến tích cực; kiềm chế sự gia tăng và từng bước đẩy lùi một số loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm số vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, ổn định an ninh, chính trị tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đinh Nhung

[TT: PLN]