Cây xóa nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Lào Cai

04:04 26/06/2013 Lượt xem: 417 In bài viết

Thảo quả là loại cây dược liệu quý. Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã có tập quán trồng cây thảo quả. Ban đầu, việc trồng thảo quả chỉ mang tính tự phát, không tuân theo kỹ thuật, nhưng sau thấy thu nhập cao nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích. Với đặc tính sinh học là ưa lạnh, ưa đất núi và dễ sống nên cây thảo quả thường được trồng dưới tán rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ. Theo thông tin mới nhất từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, năng suất thảo quả năm 2012 của huyện Sa Pa ước đạt từ 150kg đến 200 kg quả khô/ha, giá thảo quả khô trên thị trường Sa Pa khoảng 120 nghìn đồng/kg, giá đầu vụ thu hoạch đạt 200 nghìn đồng/kg quả khô, cao hơn những năm trước 30 - 40 nghìn đồng/kg. Với mức giá trên, thảo quả thực sự là cây “vàng”, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Có thu nhập bằng tiền mặt hàng năm ổn định từ trồng cây thảo quả, người dân có điều kiện đầu tư giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; con em được đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm…

Tuy giá trị kinh tế mà cây thảo quả đem lại cho người dân vùng núi là rất lớn và không thể phủ nhận, song để phát triển bền vững loại cây này hiện còn nhiều khó khăn. Do dễ trồng nên đa số các hộ dân đều không đầu tư phân bón, số lần chăm sóc hàng năm ít cộng với thiếu kiến thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến nên hiệu quả chưa cao. Tiếp theo là sự hỗ trợ liên kết thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, thiếu tổ chức trong khâu thu mua, người dân thường phải tự tìm để mua bán với tư thương. Ngoài ra, chưa có quy định về chất lượng sản phẩm để định giá chính xác, mà chủ yếu đánh giá qua cảm quan. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá cả sản phẩm, nhiều khi dẫn đến thiệt thòi cho người trồng. Mặt khác, các nhà máy chế biến nông sản chưa nhiều nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm. Không những thế, nguyên liệu dùng để sấy khô thảo quả chủ yếu là củi, gỗ với phương pháp còn lạc hậu, dễ gây cháy rừng trong mùa khô. Để thảo quả cho năng suất cao, người dân thường phát cây cối nhỏ xung quanh tạo khoảng trống cho cây có ánh sáng nên không ít thì nhiều cũng vô tình gây ra tác động không đáng có đến sự đa dạng sinh thái của rừng.

Nhằm đạt mục tiêu bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, trong đó có người dân ở Lào Cai, theo Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ-TTg, ban hành ngày 12/3/2013 và giúp cây thảo quả phát triển theo hướng bền vững, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, cần có chính sách xây dựng thương hiệu cho thảo quả; đa dạng hóa phương thức chế biến sản phẩm như: muối, sấy khô... Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quy hoạch diện tích và có chính sách hỗ trợ phát triển cho loại cây dược liệu này, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Không mở rộng diện tích mà cần tập trung cải tạo, thay thế bằng giống mới và tăng cường thâm canh để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời phát triển thêm các giống cây theo lợi thế của từng vùng, trên cơ sở có qui hoạch cụ thể để đem lại hiệu quả lâu dài và ổn định.

“Tôi mong rằng, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, thảo quả Lào Cai sẽ không chỉ được thị trường biết đến dưới dạng sản phẩm thô mà sẽ xuất khẩu dưới dạng tinh dầu để đem lại nguồn thu lớn hơn cho người nông dân, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số”. Đó là sáng kiến về hướng phát triển thảo quả trong tương lai của bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai. Hy vọng, thảo quả sẽ trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao và bền vững trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo không chỉ riêng Lào Cai mà còn của các tỉnh vùng Tây Bắc.

Vũ Thúy Hạnh

[TT: PLN]