Xanh màu cao su trên đất Quảng Nam
03:55 26/06/2013 Lượt xem: 345 In bài viếtQuảng Nam là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ, địa hình có miền núi, trung du và đồng bằng; trong đó miền núi chiếm hơn 80% tổng dịên tích toàn tỉnh, là địa bàn cư trú của các dân tộc Cơ tu, Xơ Đăng (các nhóm Xơ teng, Mơ nâm, Ca Dong), Giẻ Triêng (gồm các nhóm Bhoong, Ve, Ta Riềng ) và Cor, tập trung tại 69 xã ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và một số xã ở các huyện Đại Lộc, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh. Quảng Nam có 1,4 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số có 99.637 người (chiếm 7,1%). Toàn tỉnh có 113/225 xã được Chính phủ công nhận là miền núi, trong đó có 63 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 40,7%.
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu từ nương rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên, phương thức sản xuất lạc hậu, bình quân lương thực 338kg/người/năm dẫn đến tình trạng thiếu đói thường xuyên xảy ra với đời sống của người dân nơi đây. Mặt khác hạ tầng cơ sở thấp kém, hầu như chưa được đầu tư xây dựng nên rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ngược Quốc lộ 14E lên huyện miền núi Hiệp Đức, chúng ta sẽ vô cùng bất ngờ trước sự đổi thay của địa phương miền núi này. Những con đường đất đá gập ghềnh trước đây nay đã được thay thế bằng những con đường trải nhựa phẳng lỳ chạy tít tắp, thị trấn không còn hoang sơ, thay vào đó các công sở được xây dựng khang trang bề thế; nhà cửa mọc lên san sát hai bên đường, tạo diện mạo mới cho vùng núi Quảng Nam. Theo các con đường trải nhựa mới mở lên các nông trường ở đâu cũng thấy mầu xanh cao su bạt ngàn tươi tốt.
Thông qua lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức, chúng tôi được biết: huyện có diện tích tự nhiên là 49.419ha, trong đó đất chưa sử dụng là hơn 26.000 ha, dân số 40.521 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 9%, với gần 90% sống bằng nghề nông. Năm 1998, Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đã tiến hành khảo sát cho thấy, khí hậu, thổ nhưỡng ở Hiệp Đức rất phù hợp với cây cao su và đầu tư trồng thử nghiệm 10 ha cao su cho kết quả tốt. Sau hơn 10 năm, Công ty Cao su Quảng Nam đã đầu tư, trồng được 2.258 ha cao su tại Hiệp Đức, đến nay đã có 684 ha thu hoạch được mủ, năng suất khá cao; thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với các cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn và trồng sắn; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 1.300 lao động có thu nhập ổn định với mức lương trung bình 3 triệu đồng/ tháng.
Anh Hồ Văn Công, tộc người CaDong, 25 tuổi ở thôn 6, xã Sông Trà (Hiệp Ðức) là công nhân Công ty cao su Quảng Nam từ bốn năm nay cho biết: "Gia đình mình đông người, lại không có việc làm nên khó khăn lắm. Trước đây, mình chỉ biết lên núi đốn củi, rồi đi làm thuê hết việc lại tụ tập uống rượu,…Từ khi được nhận vào làm công nhân, mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng tiền lương, không chỉ mình mà cả gia đình vui lắm". Anh Hồ Văn Lý, tộc người CaDong, ở thôn 4 cùng hai con trai nhận khoán 4 ha cao su của công ty với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, mỗi tháng được nhận 700 nghìn đồng/ha. Anh Lý cho biết, diện tích cao su nhận khoán từ năm 2003 tốt lắm, đầu năm 2010 sẽ tiến hành khai thác mủ. Việc cạo mủ cũng do chính anh thực hiện do trước đây anh được công ty mời tham dự lớp tập huấn về cạo mủ cao su. Tại các xã nghèo miền núi, vùng căn cứ cách mạng như Phước Trà, Sông Trà, Phước Gia,... của huyện Hiệp Ðức, bây giờ đã bạt ngàn cây cao su. Rừng cao su mọc lên đến đâu, đường giao thông cùng các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng đến đó, tạo thuận lợi cho nhân dân trong đi lại, sinh hoạt. Chỉ tính riêng Công ty Cao su Quảng Nam trong 10 năm qua, đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường và các công trình dân sinh,… Qua gần 15 năm trồng thử nghiệm và nhân rộng, đến nay, cây cao su không chỉ phát triển mạnh ở huyện Hiệp Đức, Núi Thành mà còn có xu hướng tăng nhanh ở các huyện: Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My,... Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh đã trồng gần 8.000 ha, tại một số nơi khác như ở vùng đất Cẩm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) trước đây là những dãy đồi núi hoang vu hoặc rừng nghèo đầy lau lách, bây giờ đã trở thành vườn cây cao su đại điền xanh tốt. Những công nhân lao động trên đại điền cao su hôm nay ở Nông Sơn không ai khác chính là những nông dân người dân tộc thiểu số của địa phương. Từ ngày đầu tuyển dụng được 32 công nhân địa phương với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, đến nay Nông trường Cao su Nông Sơn đã có 80 công nhân với mức thu nhập 2,8 triệu đồng/người/tháng. Đội ngũ công nhân này ngày đêm cùng với nông trường bám vườn cây nhờ đó đời sống bắt đầu đổi thay.(vườn cây cao su của nông trường được công ty đánh giá là một trong những vườn cây tốt nhất trên địa bàn tỉnh). Ngay từ năm 2010, Nông trường Cao su Nông Sơn không những chủ động nguồn cây giống tại chỗ để đưa vào trồng đủ diện tích theo kế hoạch mà còn cung ứng cây giống cho các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Ở thôn Ðồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) thì người dân lại áp dụng chủ trương trồng xen thêm ngô, đậu, vừng nhằm tiết kiệm đất, tăng thêm thu nhập và tạo điều kiện cho cao su phát triển nhanh. Hiện Tập đoàn Cao su Việt Nam và tỉnh Quảng Nam đang khảo sát để quy hoạch mở rộng diện tích cao su đại điền tại một số huyện như Nam Giang, Phước Sơn, Ðông Giang với tổng diện tích hơn 10 nghìn ha; đồng thời xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Hiệp Ðức. Có thể thấy rằng cây cao su ở Quảng Nam không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hạn chế được tình trạng phá rừng làm rẫy, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Được biết, nhu cầu phát triển cây cao-su ở Quảng Nam ngày càng tăng do hiệu quả do loại cây này mang lại đã rõ. Tuy nhiên, trồng cây cao su ở đâu, với diện tích bao nhiêu là điều cần suy nghĩ, tính toán cụ thể. Do vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần rà soát, quy hoạch phát triển rừng, trên cơ sở đó sớm lập quy hoạch tổng thể phát triển diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng lợi dụng trồng cây cao su để phá rừng như đã từng xảy ra trước đây ở các huyện: Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang... Mặt khác, tỉnh cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người dân khi trồng cây cao su tiểu điền; gắn việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới với đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng trồng cây cao su; tạo mối quan hệ bền chặt giữa phát triển cây cao su tiểu điền và đại điền. Các doanh nghiệp và người dân cần gắn việc phát triển cây cao su, với công tác giữ rừng và bảo vệ môi trường… có như vậy, việc phát triển cây cao-su mới mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đỗ Hoàn
[TT: PLN]