Lai Châu nỗ lực tiếp vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số
04:07 26/06/2013 Lượt xem: 366 In bài viếtLai Châu là tỉnh miền núi vùng cao biên giới, có địa hình dốc, chia cắt phức tạp. Tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm gần 60%. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn và kỹ thuật nên sản xuất manh mún, chủ yếu là tự cấp tự túc. Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xóa nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những biện pháp mang lại hiệu quả đó là sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đã nỗ lực đưa nguồn vốn đến với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2012, ngân hàng đã cho vay trên 270 tỷ đồng với tất cả các chương trình. Đến nay, ngân hàng đã thành lập trên 100 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; thành lập 1.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tổng dư nợ các chương trình cho vay hơn 900 tỷ đồng, trong đó gần 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được vay vốn, gần 28.000 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ cho gần 37.000 hộ xây dựng trên 7.200 công trình gồm bể chứa nước sạch, chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh…
Ở Trung Đồng, một trong những xã khó khăn của huyện Tân Uyên, có 1.168 hộ, trong đó có 594 hộ nghèo, hơn 90% là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống ở 21 thôn, bản. Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến được với các hộ nghèo.
Theo ông Tòng Hải Phòng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bút Dưới, xã Trung Đồng, hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bút Dưới đang có tổng dư nợ hơn 808 triệu đồng với 47 thành viên đang vay. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Trung Đồng thường tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, đôn đốc trả nợ lãi, gốc và động viên người dân sử dụng vốn có hiệu quả. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều bà con có nhà ở vững chắc, kiên cố, có vốn để sản xuất.
Cách đây 5 năm, gia đình anh Hoàng Văn Pâng ở bản Bút Dưới còn phải nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng giờ căn nhà dột nát vào mùa mưa đã thay bằng ngôi nhà vững chắc nhờ chương trình cho vay làm nhà ở. Trong chuồng có hai con trâu mua từ tiền vay ngân hàng. Anh Pâng vui mừng cho biết: Trước đây nhà nghèo không bao giờ nghĩ mình sẽ làm được nhà. Căn nhà cấp 4 của gia đình được làm từ tiền hỗ trợ của Chương trình 167 trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi dài hạn 8 triệu đồng. Được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 5 triệu đồng không phải trả lãi mình đã mua con nghé về nuôi và vay 15 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo mình mua thêm một con trâu nữa. Có trâu cày, không phải thuê ngoài, một con trâu đã đẻ được 2 lứa, vợ chồng mình bán 1 con được 12 triệu đồng trả nợ ngân hàng.
Còn gia đình anh Hoàng Văn Vân những năm trước đây, dù chăm chỉ làm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 15 triệu đồng với lãi suất 0,9%/tháng, anh đã đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu. Hiện trong chuồng nhà anh có 2 lợn nái và 5 con trâu. Cùng với chăn nuôi, gia đình trồng lúa và ngô. Ngô trồng làm thức ăn cho chăn nuôi, phân chuồng bón cho lúa và ngô. Mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng, gia đình anh cũng như nhiều hộ trong xóm đều đáo nợ rồi vay tiếp để mở rộng sản xuất.
Cùng bản với anh Pâng, anh Vân, gia đình anh chị Tòng Văn Dung, Lò Thị Yên có 5 người, thu nhập chủ yếu của gia đình từ mấy sào ruộng cấy lúa, không có tiền mua phân bón, năng suất bấp bênh nên thường thiếu ăn vào những tháng giáp hạt. Chị Yên cho biết: Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 5 triệu đồng không tính lãi, mình đã mua phân để chăm bón cây lúa nên cũng được mùa. Tuy đã đến thời hạn trả nợ, nhưng do còn khó khăn nên gia đình chưa có tiền để trả cho ngân hàng. Mình mong Nhà nước tiếp tục cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với mức tiền cao hơn, đồng thời có phương án hỗ trợ đất sản xuất để bà con mình có điều kiện đầu tư sản xuất.
Gia đình anh Pâng, anh Vân, chị Hường chỉ là một trong số nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn ở huyện Tân Uyên được vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất mang lại thu nhập ổn định, không còn tình trạng thiếu lương thực mà còn dư để phát triển chăn nuôi.
Nói về những vất vả của cán bộ ngân hàng khi đưa vốn đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên chia sẻ: Tân Uyên là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Đến xã xa nhất để giao dịch, cán bộ ngân hàng phải vượt hơn 50km đường đồi núi. Có lần cán bộ đến xã Nậm Sỏ đường dốc xe ô tô leo lên đến lưng chừng thì bị tụt xuống. Khó khăn, vất vả nhưng cán bộ ngân hàng luôn kịp thời chuyển vốn đến với người dân đúng kế hoạch. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho bà con vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi, với đối tượng chủ yếu là hộ nghèo và gia đình chính sách. Cán bộ ngân hàng thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra, tư vấn cho từng hộ về phương thức sản xuất, kinh doanh, về sử dụng đồng vốn cho phù hợp, hiệu quả. Trước đây nhiều gia đình rất ngại và sợ vay vốn, có trường hợp vay vốn rồi mang về đem cất đi đến hạn lại đem trả ngân hàng. Nhưng giờ nhiều người đã đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn để làm kinh tế. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà trở thành những chủ trang trại, những mô hình phát triển kinh tế của huyện.
Để cho vay đúng đối tượng và tăng hiệu quả sử dụng vốn vay, cán bộ ngân hàng đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền chính sách đến với hộ dân; khảo sát địa bàn, bình xét đối tượng được vay theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; ưu tiên lồng ghép vốn vay ưu đãi với các nguồn vốn khác nhằm tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn tập trung vốn đầu tư sản xuất. Tổ kiểm tra sử dụng vốn vay thường xuyên giám sát, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh. Hiện rào cản lớn nhất khiến nguồn vốn khó đến với bà con dân tộc thiểu số chính là trình độ của người dân còn hạn chế. Điểm giao dịch của ngân hàng thường ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã, địa bàn vùng đồng bào dân tộc rộng, người dân sinh sống không tập trung, nhiều hộ ở các bản xa, phương tiện đi lại không có đã ảnh hưởng đến việc vay vốn của người dân.
Việc cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn là chính sách hợp lòng dân, đáp ứng được sự mong đợi của các hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay đối với mỗi hộ còn thấp, chưa thực sự tác động mạnh mẽ đến việc thoát nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Vì vậy, Nhà nước cần thực hiện chính sách cho vay vốn đối với đồng bào dân tộc thiểu số với mức tiền cao hơn, ưu đãi về lãi suất. Việc cho vay vốn phải dựa trên các phương án sản xuất và cam kết của từng hộ để Nhà nước thu hồi vốn khi bà con đã thoát nghèo nhằm tái đầu tư cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn khác.
Nguyễn Kim Nhung
[TT: PLN]