Tín hiệu vui từ những con đường
04:02 26/06/2013 Lượt xem: 557 In bài viếtHuyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Toàn huyện có tổng số dân là 49.000 người, trong đó đồng bào Mông chiếm gần 90%. Những năm qua, dù được hưởng lợi từ nhiều Chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước nhưng đời sống của người dân trong huyện vẫn còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông khó khăn đã cản trở tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đứng trước yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải quyết tâm tạo ra bước “đột phá” cho vùng cao, trong đó, giao thông được xác định phải đi trước một bước để làm động lực phát triển. Thực hiện chủ trương này, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường liên thôn, liên xã. Năm 2012 đã ghi dấu ấn trong phong trào làm đường giao thông ở Mù Cang Chải. Từ nguồn vốn hỗ trợ kích cầu 7 tỷ đồng, toàn huyện đã làm 39 tuyến đường giao thông nông thôn miền núi với tổng chiều dài hơn 100km, bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lên. Với người dân ở nhiều bản của các xã Hồ Bốn, Lao Chải, Khao Mang… đó là những con đường đầu tiên theo đúng nghĩa mà bà con được đi. Không còn cảnh lội bộ, vượt núi băng rừng, giờ đây, xe máy, xe đạp đã đưa đồng bào xuống chợ, đến trung tâm huyện, xã dự hoạt động văn hoá, đưa con đến trường…
Hồ Bốn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mù Cang Chải. Trước năm 2012, nhiều bản không có đường dẫn tới trung tâm xã. Năm vừa qua, Hồ Bốn được hỗ trợ 694 triệu đồng để mở 7 tuyến đường ở các bản Háng Á, Trống Gầu Bua, Nà Tà, Trống Trở, Páo Lầu, Sáng Nhù, Sáng Đề Chù với tổng chiều dài 9,9km, bề rộng mặt đường trung bình 3,5km. Để làm được những con đường ấy, sự góp sức của nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bản Nà Tà có 34 hộ, 190 khẩu thì có 30 hộ trong diện nghèo. Mặc dù còn vất vả lo cho cuộc sống, nhưng khi huyện, xã kêu gọi góp sức làm đường, bà con tạm gác công việc hàng ngày, với dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng đã hăng hái khoét đá, đào đất như những công nhân thực thụ, với suy nghĩ giản dị như lời đồng chí Mùa A Dùa - Bí thư Chi bộ bản Nà Tà tâm sự: “Nhà nước làm đường để mình đi mà, mình phải góp công sức thôi. Kết quả là trước kia, ra đến chợ phải đi bộ mất hai tiếng, bây giờ đi xe đạp mất có 30 phút, bán mua cái gì cũng nhanh, sướng lắm”.
Cũng như Hồ Bốn, phong trào làm đường giao thông được nhân dân xã Khao Mang hưởng ứng mạnh mẽ. Được hỗ trợ 420 triệu đồng, Khao Mang làm 3 tuyến đường: Đường bản Tủa Mả Pán, đường ra khu sản xuất Khao Mang và đường ra khu sản xuất bản Háng Bla Ha B với chiều dài 6km. Từ khi có đường, nhiều mặt hàng được người bán chở vào tận bản. Thậm chí bà con đi rừng về, có tổ ong mật, ít nấm... muốn bán cũng không phải đi bộ gùi xuống chợ huyện nữa.
Giao thương thuận lợi nên sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Mù Cang Chải đang từng bước ổn định và phát triển. Gặp bác Giàng Thị Mỷ ở bản Tủa Mả Pán, xã Khao Mang đang lùa đàn trâu gần chục con về chuồng, bác tâm sự: “Ước mơ nhiều năm qua của bà con là có được con đường để đi lại đỡ vất vả, khổ cực; nay được Đảng và Nhà nước quan tâm làm cho con đường này, bà con trong thôn mừng lắm...”. Câu chuyện của chúng tôi với bác Mỷ bị cắt ngang bởi một nhóm học sinh đạp xe đi học về chuyện trò ríu rít. Thật vui khi thấy con đường mới hoàn thành đã và đang mở ra vận hội mới trong cuộc sống của bà con nơi bản xa Tủa Mả Pán.
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện, đến nay, Mù Cang Chải đã có mạng lưới giao thông với 8 tuyến đường liên huyện dài 117km, 422km đường liên xã và 400km đường đến thôn, bản. Giao thông đã góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cho biết: Để có được kết quả này, ngay từ đầu, Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định chủ thể phát triển giao thông nông thôn chính là người dân. Huyện đã phát huy nội lực trong nhân dân với phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cũng phải nói thêm rằng, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Mù Cang Chải có thêm một “động lực” lớn nữa để hoàn thành mục tiêu có đường tới 100% thôn bản trong huyện. “Tiêu chí đường giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới sẽ là mục tiêu khả thi nhất của huyện trong năm 2013 này”, ông Giàng A Tông khẳng định.
Với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường “huyết mạch” nối liền các bản làng vùng cao, sẽ là không quá khi nói những con đường ý Đảng, lòng dân ở Mù Cang Chải là tiền đề, là khâu “đột phá” phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đâu chỉ có vậy, cùng với những con đường mới, là hệ thống điện, trường, trạm, thủy lợi được đầu tư phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Đến với vùng cao Mù Cang Chải hôm nay, tận mắt nhìn những con đường dường như được nối dài ra mãi từ tinh thần tự nguyện, sẵn sàng vượt mọi khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận thấy không khí thi đua, hăng say lao động sản xuất luôn tràn ngập trên mảnh đất này, với quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải ngày càng đổi mới, phát triển.
Việt Dũng
[TT: PLN]