Ninh Phước đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc

04:09 26/06/2013 Lượt xem: 575 In bài viết

Trong bài báo “Dân vận” viết ngày 15/10/1946, Bác Hồ nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.”
Thấm nhuần lời dạy của Bác, công tác dân vận ở Ninh Phước đã tập trung động viên nhân dân phát huy tiềm năng, trí tuệ, sáng tạo nhằm đẩy mạnh phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên nền tảng lấy dân làm gốc; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương.

Cán bộ, công chức huyện Ninh Phước luôn cố gắng thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đi sâu tìm hiểu, nắm bắt phong tục, tập quán sinh hoạt cùng những tâm tư nguyện vọng, những bức xúc của bà con. Cán bộ dân vận huyện cũng nhận thức rõ phải lắng nghe đồng bào, thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, hơn nữa phải biết “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh của đồng bào. Động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng tích cực tham gia. Qua phong trào, nhiều cá nhân đã làm tốt công tác thi đua "Dân vận khéo" như ông Ngô Ngữa, ở Chi hội Người cao tuổi thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận đã bỏ ra 28 triệu đồng làm từ thiện giúp cho người nghèo, gặp khó khăn; ông Báo Hưng ở xã Phước Hải tham gia giải quyết tốt các vụ việc phức tạp xảy ra tại thôn; ông Quảng Kèo ở xã Phước Thái không quản khó khăn, ngày đêm đến từng hộ gia đình vận động ký cam kết người thân không phạm tội, không vi phạm pháp luật và làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới…

Cấp uỷ, chính quyền từ huyện xuống các xã đã chú trọng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế-xã hội đạt hiệu quả cao tại những xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Tiêu biểu là mô hình “Tổ dân vận thôn, khu phố” tại các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hải, Phước Thuận, An Hải và thị trấn Phước Dân; chương trình “một phải, năm giảm” (một phải là: phải sử dụng giống thuần chủng; năm giảm là: giảm lượng giống, phân, nước, thuốc trừ sâu, thất thoát) trên cây lúa; các mô hình trồng rau an toàn, măng tây xanh tại xã An Hải; mô hình nuôi heo quy mô từ 600 đến 2.000 con tại xã Phước Vinh; chương trình vỗ béo dê, cừu quy mô 20-40 con/ hộ tại các xã: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hậu… mang lại thu nhập hơn 5 triệu đồng/ người/ năm.

Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh. Toàn huyện có tới 266 chi hội khuyến học, 100% số xã có Trung tâm học tập cộng đồng... Tiêu biểu nhất là tại các xã Phước Hữu đã thành lập 15 dòng họ hiếu học, xã Phước Thái có 10 dòng họ hiếu học, với quỹ khuyến học 2 tỷ đồng. Mô hình điểm xã lành mạnh, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự; phong trào toàn dân tham gia "Năm An toàn giao thông"... trong vùng đồng bào Chăm hoạt động rất hiệu quả. Ðến nay, 100% thôn, khu phố có nước sạch; đảm bảo vệ sinh môi trường đạt hơn 85% hộ; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn được bảo đảm. Tỷ lệ học sinh người dân tộc Chăm đến lớp mẫu giáo đạt từ 80 đến 99%; đội ngũ giáo viên là người dân tộc Chăm có 606 người; 7/7 xã, thị trấn người Chăm được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập Trung học cơ sở. Có 129 bác sĩ, y sĩ, y tá là người dân tộc Chăm, chiếm 60% đội ngũ y sĩ, bác sĩ toàn huyện; 4/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, công tác khám, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng đạt kết quả tốt...


Đồng chí Phạm Y, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Phước cho biết: “Trong các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011 - 2015, huyện đặc biệt chú trọng và sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ trên tất cả các loại hình cơ sở. Gần đây, công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân đã mang lại nhiều kết quả. Qua đối thoại, lãnh đạo huyện nắm bắt được ý nguyện của dân, trực tiếp giải quyết những vướng mắc, khó khăn, bức xúc trong nhân dân, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, vượt cấp và kéo dài, gây phiền hà, mâu thuẫn trong nhân dân”.

Ninh Phước hôm nay đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người Chăm nói riêng, đồng bào các dân tộc nói chung đang ngày càng ấm no, đủ đầy hơn. Sự chuyển biến đó có phần nhờ vào công tác dân vận đã vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

Lê Tuyết

[TT: PLN]