Tăng cường công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình
04:26 01/07/2013 Lượt xem: 828 In bài viếtQuảng Bình có hai dân tộc thiếu số chủ yếu là: dân tộc Bru - Vân Kiều (gồm các tộc người Vân kiều, Trì, Khùa, Ma coong) và dân tộc Chứt (Sách, Mày, Rục, A rem, Mã liềng) với 4.270 hộ, 21.580 khẩu (chiếm 2,5% dân số toàn tỉnh), sống tập trung ở 17 xã, 105 bản. Ngoài ra, còn có 133 hộ, 700 khẩu thuộc các dân tộc thiểu số và tộc người khác, như: Tày, Nùng, Mường, Thổ, Pa cô, Ca rai, Lào (chiếm 3,5% so với dân số các dân tộc thiểu số trong tỉnh).
Trong những năm qua, cùng với công tác tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhân tố quyết định góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về công tác dân tộc nói chung và công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng, ... đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đều phải gắn với nhiệm vụ thực hiện công tác dân tộc và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, hệ thống chính trị của 17/17 xã có đồng bào dân tộc thiểu số được kiện toàn theo quy định. Các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã xây dựng được quy chế làm việc, quy chế hoạt động, xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản được quan tâm chỉ đạo trên tinh thần tôn trọng phong tục, tập quán, tổ chức xã hội truyền thống trong từng tộc người, đảm bảo quy định pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm; từ năm 2009 đến năm 2011, đã thành lập mới 19 chi bộ, "xóa" được hai bản "trắng" đảng viên (đến nay toàn tỉnh đã "xóa" được điểm "trắng" về tổ chức đảng và đảng viên ở thôn, bản); kết nạp 148 đảng viên, đưa số đảng viên người dân tộc hiện nay lên 715 đồng chí (tăng 26,1% so với năm 2008).
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với công an tỉnh, Ban Dân tộc và Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành khảo sát, lập danh sách, phân cấp tuyên truyền vận động. Năm 2012 đã rà soát, bổ sung 96 người có uy tín trong đồng dân tộc thiểu số nâng tổng số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh lên 105 người.
Công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh về vùng có đông người dân tộc thiểu số được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ chuyên môn giáo dục, y tế… được quan tâm bố trí theo quy định. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đội công tác cơ sở tăng cường cho các địa bàn dân tộc vùng dân tộc. Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường 36 đồng chí về phụ trách 9 xã phía Tây của tỉnh (trong đó có 3 đồng chí làm Phó Bí thư Đảng ủy, ở các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch; giới thiệu 26 đồng chí đảng viên thuộc bộ đội biên phòng tham gia sinh hoạt tại 21 chi bộ bản ở biên giới) đồng thời chỉ đạo các đội xây dựng cơ sở, các đồn biên phòng giúp cấp ủy, chính quyền các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tuyển chọn 11 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch xã và 46 trí thức trẻ tham gia các tổ công tác tại huyện Minh Hóa.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm. Số lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở cơ sở ngày càng được tăng cường (toàn tỉnh đến nay đã có 89 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số). Hiện nay, đã có 186 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp (chiếm 4,3%) là người dân tộc thiểu số, trong đó: một đại biểu cấp tỉnh, 6 đại biểu cấp huyện và 179 đại biểu cấp xã. Nhiều cán bộ người dân tộc giữ các chức danh chủ chốt ở các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và các lớp giáo dục lý luận chính trị. Qua đó, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc được nâng lên rõ rệt, đã có 65,58% cán bộ đạt trình độ văn hoá trung học cơ sở, 6% trung học phổ thông; 5,48% cán bộ có trình độ chuyên môn trung cấp, sơ cấp và 26,6% có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp.
Các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm củng cố, phát huy vai trò, hiệu quả trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong vừng dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% các bản đều có chi hội, chi đoàn. Số lượng đoàn viên, hội viên được tập hợp vào tổ chức không ngừng được tăng lên. Mặt trận và các đoàn thể đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Nhờ chăm lo củng cố, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở nên đời sống ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được nâng lên một bước. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều hộ gia đình đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, một số bản bắt đầu biết trồng lúa nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt, 4 bản của đồng bào Rục - huyện Minh Hóa, bản cây Bông, bản Côn Cùng, bản Khe Giữa - huyện Lệ Thủy, bản Cà Xen - huyện Tuyên Hóa và bản Sắt - huyện Quảng Ninh. Từ năm 2009 đến năm 2011, đã xóa được 244 nhà tranh cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng ngày càng được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở chưa tích cực, thiếu đồng bộ, sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số tổ chức cơ sở đảng chưa phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, còn lúng túng trong việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương. Mặt trận, các đoàn thể chưa phát huy hết vai trò của tổ chức mình trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhiều nơi hoạt động còn hình thức, chưa tập hợp được số đông người dân tộc vào tổ chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số mặc dầu đã được quan tâm, song vẫn chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Chính sách đối với cán bộ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, nên chưa thu hút, động viên cán bộ yên tâm công tác. Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nói riêng và tình tình vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thường xuyên, nên việc nắm bắt, xử lý các vấn đề nảy sinh ở cơ sở còn bị động.
Để phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cấp ủy, chính quyền Mặt trận, đoàn thể các cấp cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc xây dựng hệ thống chính trị, củng cố, phát triển các tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung làm tốt công tác phát triển đảng viên mới theo tinh thần Chỉ thị 16-CT/TU ngày 25/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác kết nạp đảng viên, phấn đấu các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có chi bộ.
Hai là, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng để triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đưa nền kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến nhanh và bền vững.
Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể
nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá
hình thức hoạt động để tập hợp đông đảo người dân tộc thiểu số vào tổ chức; đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và các phong trào thi đua yêu nước, thực
hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng
đảng, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở các xã vùng
đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Quan tâm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc
thiểu số có trình độ, bản lĩnh, năng lực quản lý, điều hành công cuộc phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa phương. Coi trọng và
tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong
đồng bào dân tộc thiểu số.
Những nơi thiếu cán bộ tại chỗ, nhất là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới cần tăng cường cán bộ từ tỉnh, huyện, sỹ quan quân đội, biên phòng về công tác, tham gia trong cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn, góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Công tác cán bộ cần có chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ thỏa đáng nhằm động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm công tác.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết về công tác dân tộc. Chú trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những mô hình, điển hình trong công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiếu số.
Cái Thị Thùy Giang
[TT: PLN]