Lâm Thượng nỗ lực giảm nghèo bền vững

10:40 02/07/2013 Lượt xem: 529 In bài viết

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, lãnh đạo xã Lâm Thượng đã tập trung mọi nguồn lực để cải thiện cuộc sống cho người dân. Tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước xã đã hỗ trợ hộ nghèo mua giống lúa, ngô lai và phân bón để phát triển sản xuất. Xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Qua đó người dân đã thâm canh tăng vụ lúa, ngô và rau màu. Đã có nhiều cánh đồng lúa năng suất đạt 40 đến 45 tạ/ha và là vựa ngô lớn của huyện. Năm 2010, gia đình bà Hoàng Thị Đà ở thôn Nà Pồng đã đầu tư thâm canh cây ngô lai, đến năm 2012, gia đình bà mở rộng diện tích lên khoảng 3 ha và là một trong những hộ có diện tích trồng ngô lớn ở xã Lâm Thượng. Bà Hoàng Thị Đà cho biết: Được sự hỗ trợ của xã trong việc trồng ngô lai theo quy trình kỹ thuật mới cho thu hoạch cao. Giờ gia đình bà đã hết nghèo không còn phải trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với mô hình trồng măng mai, sau 5 năm nhiều hộ ở Lâm Thượng đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ mảnh vườn, đồi nương của mình. Năm 2009, anh Trần Ngọc Quỳ, dân tộc Tày ở thôn Bản Khéo tham gia mô hình trồng măng mai với trên 1000 gốc. Vụ măng năm vừa qua gia đình anh thu được hơn 12 tấn măng tươi, tương đương trên 1,2 tấn măng khô, đem về trên 120 triệu đồng. Ngoài trồng măng, gia đình anh còn chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá mỗi năm cũng đem lại nguồn thu cho gia đình vài chục triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, gia đình anh Quỳ đã dựng được ngôi nhà sàn khang trang, mua xe máy, ti vi, tủ lạnh…

ũng giống như anh Quỳ, khi được chính quyền địa phương vận động trồng cây măng mai, một loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao, chị Sầm Thị Thường, dân tộc Tày ở Bản Khéo nhận thấy gia đình sẵn có đất đồi, vốn đầu tư ban đầu không cao, dễ chăm sóc nên đã trồng 600 gốc măng. Sau 5 năm trồng, từ cung cấp giống, thu gom măng của bà con trong bản để bán, mỗi năm gia đình chị có thu nhập khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Ở xã Lâm Thượng, nhiều hộ gia đình kinh tế khá giả nhờ trồng cây măng mai. Hiện toàn xã có khoảng 80 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Bản Khéo, Nặm Chắn và Nặm Chọ, với tổng sản lượng hàng năm khoảng gần 400 tấn măng tươi. Đối với thị trường tiêu thụ hiện nay, các tiểu thương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận đặt mua tại nhà ngay từ đầu vụ với giá khoảng 100 đến 120 nghìn/1kg măng khô.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được địa phương khuyến khích phát triển. Hiện toàn xã có gần 2.000 con trâu, bò và hơn 10.000 con gia cầm. Để đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, việc tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được người dân trong xã chú trọng thực hiện. Trước đây, người dân ở Lâm Thượng quen với tập quán thả rông gia súc, nay chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy hoạch theo vùng, chuồng trại được xây dựng xa nhà ở, vệ sinh môi trường được đảm bảo.


Cây xóa nghèo ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái(Ảnh Minh Hằng)

Kinh tế phát triển đã thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở xã Lâm Thượng. Hiện toàn xã có 100% số hộ sử dụng điện, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa được nâng lên. Toàn xã có 19/19 thôn, bản đã đăng ký xây dựng thôn văn hoá, phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao duy trì phát triển, các làn điệu dân ca truyền thống được bảo tồn và phát huy. Xã Lâm Thượng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hàng năm, huy động trẻ đến lớp đạt gần 100%. Trường Trung học cơ sở Chu Văn An và Trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ông Trần Thanh Trúc-Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lâm Thượng cho biết: Hiện xã còn gần 500 hộ nghèo, trong năm 2013 phấn đấu giảm ít nhất 5% hộ nghèo. Trong những năm tiếp theo xã tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực của địa phương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 17 triệu đồng/năm; nâng tỷ lệ hộ khá, giàu lên 62%; 100% số thôn đạt chuẩn văn hoá, duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 4/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; 90% hộ gia đình được dùng nước sạch hợp vệ sinh; các thiết chế văn hoá đảm bảo theo qui định.

Từ những chủ trương và hướng đi đúng cùng sự cần cù, sáng tạo, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, mảnh đất nghèo khó trước đây giờ đang bừng sôi nhịp sống, phấn đấu theo mục tiêu xây dựng Nông thôn mới vào năm 2015.

Kim Nhung

[TT: PLN]