Đổi mới ở ba xã miền núi Thạch Thất
10:39 02/07/2013 Lượt xem: 1049 In bài viếtTiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, trước đây là 3 xã miền núi, dân tộc của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nay thuộc huyên Thạch Thất, Hà Nội, theo Nghị quyết 15 (QH khóa XII ) về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Tổng diện tích tự nhiên của 3 xã là 7.063,56 ha, gồm 35 thôn, 3901 hộ, với 16,593 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường có 9.941 người, chiếm tỉ lệ 61 % dân số toàn huyện. Trên địa bàn 3 xã có 1.784,4 ha là núi rừng với cảnh quan môi trường thuận lợi cho phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cuối tuần và có 2 xã nằm trong vùng qui hoạch đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Với đặc điểm nằm liền kề với nhau ở vùng núi phía Tây huyện Thạch Thất, mỗi xã đều có tuyến giao thông chạy qua: phía Bắc có Đại lộ Thăng Long đi qua Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, phía Tây có đường Cao tốc Láng - Hòa Bình, chạy dọc theo 3 xã là tuyến giao thông 446.
Ngay sau khi tiếp nhận 3 xã, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình, đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân, đề ra giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 39 về Phát triển kinh tế xã hội các xã dân tộc, miền núi, giai đoạn 2011 - 2015 và các văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan cấp trên quan tâm đầu tư cho các xã, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng dân tộc, miền núi. Được sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội, năm 2011, huyện Thạch Thất đã chính thức thành lập Phòng Dân tộc thuộc UBND huyện, với chức năng quản lí nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Trong 3 năm (2010-2012 ) từ nguồn ngân sách Trung ương, Thành phố và huyện đã có 50 dự án được thực hiện với mức đầu tư gần 412 tỷ đồng. Ba dự án của Trung ương đầu tư xây dựng theo Chương trình 135 với tổng mức đầu tư hơn 2.4 tỷ đồng. Bốn dự án của thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư lên đến hơn 186 tỷ đồng; trong đó, dự án nâng cấp, làm mới đường dây hạ thế của ba xã miền núi, dân tộc với tổng số đầu tư hơn 36 tỷ đồng; dự án đường giao thông tỉnh lộ 446 đi qua 4 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình và Đồng Xuân với tổng số vốn hơn 150 tỷ đồng. Có 42 dự án do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 186 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án về giao thông với hơn 91 tỷ đồng, một dự án về y tế tại xã Yên Trung trị giá 2.7 tỷ đồng, 20 dự án về giáo dục với hơn 54 tỷ đồng, 5 dự án về văn hóa với hơn 9.2 tỷ đồng; 5 dự án thủy lợi với mức đầu tư 27 tỷ đồng. Ngoài ra, 4 dự án khác gồm các dự án: chợ, trụ sở UBND xã và dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư hơn 39.4 tỷ đồng.
Với sự đầu tư tập trung, tương đối đồng bộ, hợp lí đã phát huy hiệu quả rõ rệt, hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ cấu kinh tế đã từng bước đáp ứng nhu cầu ổn định đời sống phát triển sản xuất cho người dân. Đến nay, mạng lưới giao thông của ba xã đã được cải thiện đáng kể. Các con đường của ba xã đều đã được nâng cấp và bê tông hóa. Ba hồ lớn trên địa bàn ba xã sau khi được đầu tư với diện tích trên 50 ha phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt. Hệ thống đường dây hạ thế bảo đảm về kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Hệ thống giáo dục của ba xã đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt gần 100%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97%. Có 19/35 thôn có nhà văn hóa, trong đó, có 3 nhà văn hóa đạt chuẩn (được đầu tư theo Chương trình 135). Tuy nhiên đa số nhà văn hóa vẫn là nhà cấp 4, hiện còn 16 thôn chưa có nhà văn hóa.
Bức tranh đổi mới ở ba xã dân tộc miền núi Thạch Thất đã đổi thay rõ nét, trong đó mảng màu tươi sáng đọng lại với điểm nhấn nổi bật là cuộc sống mới ở hai thôn điển hình. Hai thôn Hương, Hội, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, trước kia thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào Mường. Được sáp nhập về Hà Nội từ 1-8-2008, cũng kể từ ngày đó, hai thôn đặc biệt khó khăn này được xếp vào diện được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II của xã Yên Trung. Hai thôn được tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống, phát triển sản xuất: mạng lưới điện được đầu tư xây lắp hoàn chỉnh đã đáp ứng niềm mơ ước của người dân ở vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô.
Con đường bê tông liên thôn dài hơn ba cây số hoàn thành dẫn từ đường cái vào sâu trong thung lũng được bao bọc bởi hai dãy núi sừng sững Ba Vì và Hòa Bình với những cánh đồng xanh mướt, trù phú, những đồi keo, những vườn cây trái đang hứa hẹn cuộc sống ấm no hơn. Thôn Hương có vẻn vẹn 48 hộ dân sống tập trung trên ba chỏm đồi lọt thỏm trong thung lũng. Những cột tre óng xanh mới bắt đầu ngả vàng dẫn dây điện từ cột bê tông, băng qua các ruộng nương ven đồi vào đến từng nhà. Gần 7 tỉ đồng đã được Thành phố Hà Nội đầu tư cho thôn Hương để tập trung một số nhiệm vụ cấp bách, bê tông hóa đường giao thông, xây hệ thống mương dẫn nước, xây dựng lớp học mầm non, nhà văn hóa của thôn… Ngoài những công trình nói trên, thôn Hương còn được đầu tư xây dựng đường điện lưới quốc gia, những hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà theo Quyết định 134 của Chính phủ. Giờ đây ở thôn Hương, 10 ha diện tích trồng lúa đã chuyển từ một vụ lên hai vụ ăn chắc, các hộ dân trong thôn đều được nhận khoán khoanh nuôi, trồng rừng, có thu nhập từ rừng và vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Ngày thôn Hương có điện, bà Hương bán cả nửa vụ lúa mua được cái ti vi màu. Đã gần ba năm nay, tối tối, ăn cơm xong, cả nhà lại quây quần xem chương trình thời sự, xem phim. Bà Hương vui vẻ nói: “Cuộc sống bây giờ khác trước nhiều. Hồi chưa có điện, khổ lắm. Cứ tối đến, mọi người soi đèn, đốt đuốc lần theo con đường nhỏ đến nhà ông trưởng bản xem nhờ ti vi. Bây giờ thì cả thôn, nhà nào cũng sắm ti vi cả rồi”. Ngày ấy, nhà ông trưởng thôn có chiếc máy phát điện mi ni, ông đắp bờ, đem đặt ở con suối Đồng Giữa chảy quanh năm từ trên đỉnh núi xuống, công suất cũng đủ để chạy chiếc ti vi đen trắng cho dân bản đến xem mỗi buổi tối. Mùa hè ông đặt ti vi ra sân, mùa đông, mọi người quây quần trong ngôi nhà nhỏ.
Con đường dẫn vào thôn Hương xưa là con đường đất lầy lội. Từ ngày về Thủ đô được đầu tư, nâng cấp đổ bê tông, chạy tít tắp tới tận cuối thôn. Cả bản ai cũng vui háo hức. Ngầm Hương Hội cũng được sửa chữa lại. Ngày chưa có ngầm, dân thôn Hương, thôn Hội muốn ra ngoài xã vẫn phải lội qua con suối sâu chảy cắt đứt con đường độc đạo dẫn vào bản. Mùa lũ, nước từ đỉnh núi xuôi dòng đổ về, không qua được suối, dân hai thôn bị cô lập giữa rừng. “Ngày chưa có ngầm Hương Hội, có đám cưới phải rước dâu qua suối, lúc về gặp cơn lũ rừng, cả đoàn hai họ phải chờ bên bờ suối cho đến khi nước rút rồi mới về nhà được”. Bây giờ thì khác rồi, xe máy chạy băng qua con ngầm, theo đường mới về đến từng nhà. Cuộc sống đang đổi thay từng ngày.
Thôn Hương nằm sát chân núi sâu trong thung lũng. Ông trưởng thôn chỉ tay về phía xa, bảo: Vượt qua dãy núi này là sang đến đất Kỳ Sơn của tỉnh Hòa Bình. Ngày xưa, cả vùng toàn là rừng nguyên sinh. Lâm tặc phá hết rồi thành đồi trọc. Mấy năm nay, các hộ xin đất trồng keo, trồng bạch đàn phủ xanh lại rừng. Cuộc sống ấm no, niềm vui đang về với cuộc sống nơi đây. Trước kia, nhà văn hóa thôn Hương là căn nhà cấp bốn ba gian, là nơi diễn ra các cuộc hội họp dân bản mỗi dịp có việc quan trọng. Ngày thường, lớp mẫu giáo mượn tạm làm lớp học cho các cháu. Ngày chưa có ba gian nhà cấp bốn này, mỗi lần có việc, Trưởng thôn lại gióng trống mấy hồi, gọi bà con đến hội họp tại ngay nhà ông. Bây giờ chiếc trống vẫn treo ở đầu hồi nhà, nhưng mỗi lần nghe tiếng trống, bà con lại kéo đến sinh hoạt tại nhà văn hóa mới xây dựng khang trang nhân dịp Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Một nhà mẫu giáo mới cũng được xây dựng ở kế bên. Dưới bóng gốc đa cổ thụ, người dân thôn Hương náo nức mỗi buổi sinh hoạt văn nghệ, ngày ngày, lũ trẻ ríu rít nô đùa.
Thôn Hội cũng được xếp vào diện thụ hưởng Chương trình 135. Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng thôn Hội nhẩm tính, cả thôn có 112 hộ, hơn 470 nhân khẩu nhưng đều làm ruộng cả, hầu hết bà con vẫn nghèo, cuộc sống vẫn khó khăn nhiều. Từ ngày được nhập về với Thủ đô, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, nhiều niềm vui mới. Nhà văn hóa thôn Hội được xây dựng lại, khang trang, rộng rãi lắm. Người trong thôn ai cũng phấn khởi. “Con đường từ thôn Hội dẫn sang thôn Lạt cũng đã đổ xong bê tông để bà con đi lại thuận tiện hơn. Rồi mai, kia thôn Hội cũng chẳng thua gì các thôn khác trong xã.
Hai thôn Hương, Hội thuộc diện khó khăn nhất xã Yên Trung, cũng là hai thôn xa và nghèo nhất của Thủ đô. Được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của bà con nơi đây quyết tâm thoát nghèo, cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày. Các gia đình nghèo của hai thôn đều được Nhà nước quan tâm hỗ trợ sửa nhà, làm nhà, cấp bò nuôi để làm kinh tế, hỗ trợ cả gạo và tiền ăn Tết. Anh Nguyễn Văn Đào nhà ở cuối thôn Hương, sát chân núi được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa lại căn nhà cũ ọp ẹp và dột nát. Vay mượn thêm, năm nay anh đã có ngôi nhà mới, tuy chưa phải khang trang chắc chắn nhưng đó là ngôi nhà mà vợ chồng anh ao ước cả đời. Cuộc sống của bà con thôn Hương, thôn Hội, hai thôn xa nhất Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những câu chuyện vui về sự đổi thay từng ngày của cuộc sống mới đang làm ấm lòng những người dân nơi đây.
Thôn Hương, thôn Hội là hai thôn điển hình của những đổi thay tại xã miền núi Yên Trung. Từ khi sáp nhập về Thủ đô, Yên Trung đã được Thành phố đầu tư 30 tỷ đồng để tập trung phát triển giao thông, kéo điện lưới, xây trường học… Với sự đầu tư lớn của thành phố, quyết tâm của lãnh đạo địa phương và nhất là sự chung sức đồng lòng của nhân dân, trong một thời gian ngắn, Yên Trung đã nhanh chóng giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc từ nhiều năm qua. Điện về hai thôn nghèo nhất của Yên Trung, nhiều nhà đã mua sắm được thêm nhiều loại máy móc như máy cưa, máy xẻ, máy xay xát… Điều đáng mừng hơn cả là không còn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đều tăng. Hệ thống trường lớp học trong xã từ mầm non đến trung học cơ sở được đầu tư đồng bộ, đủ phòng học chuẩn quốc gia. Trạm y tế xã cũng được đầu tư hai tầng khang trang, đủ giường bệnh và chỗ làm việc cho cán bộ, nhân viên.
Ba xã miền núi của huyện Thạch Thất với 35 thôn còn nhiều khó khăn. Nhưng bằng quyết tâm, sự đồng lòng, của lãnh đạo và nhân dân địa phương tin chắc rằng vùng miền núi, dân tộc Thạch Thất, Hà Nội ngày càng đổi mới và giàu đẹp.
Nguyễn Bình Minh
[TT: PLN]