Chăn nuôi bò sữa. Hướng thoát nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số Lâm Đồng

01:20 02/08/2013 Lượt xem: 506 In bài viết

Hiện nay, Lâm Đồng có 1 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 42 xã thuộc khu vực III, 68 thôn đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 135. Đến cuối năm 2012, hộ nghèo toàn tỉnh còn 18.306 hộ, chiếm tỉ lệ 6,31%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 10.163 hộ, chiếm tỉ lệ 16,34%.

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã luôn quan tâm, chỉ đạo áp dụng tổng hợp nhiều chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh các chính sách, dự án chung như hỗ trợ trực tiếp cho các hộ vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục, dạy nghề, xuất khẩu lao động,... Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù phù hợp điều kiện kinh tế của từng vùng theo hướng tạo điều kiện cho đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngành chăn nuôi bò sữa được xem như là một hướng đi đúng đắn trong việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng có trên 6.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương và Đức Trọng; riêng huyện Đơn Dương đã đạt trên 4.000 con tập trung chủ yếu ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn và thị trấn Thạnh Mỹ. Các xã lân cận cũng đang hình thành và phát triển nghề chăn nuôi bò sữa như Quảng Lập, Thị trấn Dran. Đặc biệt, đàn bò sữa trên địa bàn huyện đã bắt đầu phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đạ Ròn đã có 10 hộ dân tộc thiểu số chăn nuôi bò sữa. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 2-4 con. Gia đình ông Ha Sơng ở thôn 2 đến với nghề chăn nuôi bò sữa được hơn 2 năm. Trước đó, gia đình ông chăn nuôi bò vàng. Thấy các hộ dân khác trong vùng chăn nuôi bò sữa có hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông quyết định chuyển đổi với 2/3 con đang cho sữa với trên 30 lít sữa tươi/ngày. Ông Ha Sơng cho biết: “Mình lúc đầu cũng thấy không tự tin lắm đến với nghề chăn nuôi bò sữa. Nhưng mình đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và quyết định bán bò vàng chuyển sang nuôi bò sữa. Nhờ chăn nuôi bò sữa nên kinh tế của gia đình mình đã ổn định và phát triển. Với giá cả sữa ổn định như hiện nay, thì mỗi tháng cũng kiếm được gần 10 triệu đồng”. Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng có thu nhập khá từ nuôi bò sữa. Hộ ông Ka Úk đã nuôi bò sữa được 2 năm, với số lượng 5 con trong đó có 2 con đang cho khai thác sữa, bình quân mỗi ngày một con cho khoảng 22-24 lít sữa tươi, bình quân mỗi ngày ông có thu nhập khoảng 300.000 đồng. Gia đình ông Ka Lan đã có thâm niên nuôi bò sữa trên 6 năm, ông đang nuôi 7 con bò sữa, trong đó có 4 con đang cho khai thác sữa. Khi được hỏi đàn bò nuôi đã sinh sản được bao nhiêu con, ông dí dỏm khoe: “Mình có duyên với nghề chăn nuôi bò sữa nên những năm qua đàn bò sữa sinh sản 17 con thì có đến 16 con bê cái và 1 bê đực”. Ông cho biết thêm bê cái mới đẻ giá bán 12 triệu đồng/con, nếu nuôi thêm 4 tháng thì giá bán là 25 triệu đồng…

Qua khảo sát thực tế những hộ người dân tộc chăn nuôi bò sữa ở xã Đạ Ròn được biết đa số họ tự bỏ vốn để phát triển chăn nuôi. Chuồng trại đã được xây bằng xi măng, cơ bản đáp ứng cho sinh trưởng và phát triển của bò sữa; đã có 20% hộ đồng bào ứng dụng máy vắt sữa. Thông qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt có sự hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăn nuôi và sự quan tâm theo dõi bệnh tật cho đàn bò sữa của cán bộ khuyến nông tại cơ sở nên nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển ổn định, thu nhập gia đình được cải thiện và hộ nào cũng muốn mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa.

Ở huyện Đức Trọng đã hình thành một liên minh hợp tác giữa các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa với Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk). Theo đó, từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, 54 hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng đã đầu tư nguồn vốn đối ứng để trang bị hoàn chỉnh dây chuyền máy vắt sữa, sửa chữa và xây mới chuồng trại, mua thêm bò sữa giống… Dalatmilk hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa tươi của nông dân, mỗi hộ chăn nuôi trung bình từ 6-8 con bò sữa. Ước tính trong 2 năm, người chăn nuôi ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã bán hơn 95% sản phẩm sữa tươi cho Dalatmilk, giá bán thường cao hơn giá thị trường bên ngoài trên dưới 15%. Trừ hết mọi chi phí đầu tư, trung bình nuôi mỗi con bò sữa mỗi tháng thu lãi từ sữa tươi khoảng 1,5 đến 1,8 triệu đồng.

Chăn nuôi bò sữa đang phát triển trong vùng dân tộc thiểu số nhưng quy mô tăng hộ và quy mô tăng đàn còn chậm phát triển so với nhu cầu của bà con ở đây. Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết: kỹ thuật chăn nuôi bò không quá khó vì hiện nay đã có mạng lưới khuyến nông và trạm thú y cơ sở đảm nhiệm, người dân có truyền thống chăn nuôi bò sữa nên có thể học hỏi nhau, thị trường tiêu thụ sữa ổn định thông qua 2 công ty Vinamilk và Dalatmilk. Song cái khó nhất vẫn là vốn để đầu tư ban đầu cho con giống, chuồng trại, máy vắt sữa. Do vậy, cần có nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, từng bước giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, hòa nhập với xu thế phát triển chung của đất nước.

Đỗ Hoàn

[TT: PLN]