Cây địa liền ở Nam Sơn

01:32 02/08/2013 Lượt xem: 710 In bài viết

Địa liền khẳng định là cây "xóa nghèo"

Hướng đột phá mà cấp ủy, chính quyền và người dân sở tại đã tìm ra chính là cây địa liền. Địa liền còn gọi là sơn nại, tam nại, thiên liền, sa khương (Đông y gọi là thuốc Tam Bảo), Địa liền là loại cây có lá mọc sát mặt đất và rất dễ trồng; có khả năng chịu hạn cao, không cần bón phân, chỉ cần làm sạch cỏ thì cây vẫn sống tốt trên đất rừng tự nhiên. Địa liền được người dân trồng xen kẽ với các cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp. Đặc biệt, trên các vùng đất xấu bạc màu, đồi dốc. Cây địa liền có tác dụng cải tạo, chống xói mòn rửa trôi đất; hạn chế sâu bệnh trên cây trồng chính. Vậy nên, địa liền không những bảo vệ được môi trường sinh thái mà còn đem lại hiệu quả kinh tế vườn rừng. Địa liền khi thu hoạch thường cho sản lượng củ cao, sau thu hoạch có thể bảo quản được lâu, hầu như không bị mốc, mọt. Củ địa liền là nguyên liệu ổn định, cung cấp cho các làng nghề thuốc nam trong nước và xuất khẩu.

Ban đầu, cây địa liền được một số hộ dân thôn Nam Hả nhân giống đem trồng theo hình thức tự phát. Ông Chìu Văn Thức - người có thâm niên trồng địa liền đã 5 năm nay cho biết: “Giá thành bán được là 27.000đ/kg củ. Do vậy, gia đình tôi trồng hơn 1 tấn giống nhằm tận dụng diện tích đất, đồng thời tăng thu nhập cho gia đình”.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ một vài hộ đi tiên phong, năm 2008, cây địa liền được trên 90% số hộ gia đình trong thôn trồng theo hướng sản xuất hàng hóa với diện tích hơn 20ha. Ông Đặng A Mản, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nam Sơn và cũng là người sống ở thôn Nam Hả cho biết: “Giờ đây, cả thôn đều đã trồng cây địa liền. Nhà trồng ít thì cũng vài trăm m2, nhà trồng nhiều nhất khoảng 3ha. Hiện tại, địa liền bán được với giá khoảng 13.000-14.000 đồng/kg. Mùa thu hoạch năm nay, ước tính toàn thôn thu được khoảng 100 tấn củ. Sau khi trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 70 triệu đồng/ha”.

Là hộ mới thoát nghèo trong thôn, chị Voòng Nhì Múi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trông chờ vào cây lúa, hàng tháng phải chi tiêu tằn tiện lắm mà vẫn không đủ. Từ khi trồng địa liền, cuộc sống gia đình dễ chịu hơn nhiều. Địa liền không phải đầu tư chăm bón nhiều như lúa, ngô. Cây thuộc họ gừng, củ có vị cay nên chuột ít ăn, đỡ thiệt hại kinh tế”.

Người dân Nam Hả đều công nhận: Cây dược liệu địa liền đã tạo việc làm cho nhiều gia đình trong thôn, giúp bà con có của ăn, của để trên chính mảnh đất mình đang canh tác. Nhờ có cây “xóa nghèo” này mà nhiều hộ gia đình đã sắm được những vật dụng đắt tiền như xe máy, ti vi, tủ lạnh và xây được nhà mới.

Băn khoăn tìm hướng đi bền vững

Địa liền đã tự khẳng định là loại cây đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và trồng màu, góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân. Bởi vậy, người dân mới mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng diện tích, đưa vào trồng xen kẽ với cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chuyển từ phương thức sản xuất manh mún, lạc hậu sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Việc làm này vừa góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình vừa bảo vệ môi trường. Thế nhưng còn có những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Cũng giống như phần lớn các nông lâm sản khác, đầu ra của địa liền hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương, nên sản phẩm thường xuyên bị ép giá, làm giá theo chiều hướng năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2008, người trồng địa liền bán được với giá 27.000 đồng/kg củ mà nay rớt chỉ còn dưới 50%. Bao giờ cho đến ngày xưa... là nỗi niềm mà nhiều người dân ở đây vẫn hằng ao ước và tự hỏi...

Mong rằng các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc, có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư để các doanh nghiệp về đây tham gia thu mua, chế biến và kinh doanh dược liệu, góp phần tạo dựng và duy trì đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Vũ Thúy Hạnh

[TT: PLN]