Cuộc sống mới của người Rục ở Quảng Bình
01:29 02/08/2013 Lượt xem: 419 In bài viếtNăm 1959, người Rục được tổ tuần tra của Công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) phát hiện trong rừng sâu. Cùng năm đó, 11 hộ với 34 người Rục được đưa về sống tại một điểm tái định cư ven rừng. Do nhiều nguyên nhân phải đến năm 1971, những người Rục cuối cùng mới rời chốn rừng sâu hoang dã về nơi định cư mới tại các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, Phú Minh thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để làm đường nối các bản của đồng bào Rục với trung tâm xã, kéo điện tới từng hộ, xây trường học, trạm y tế. Nhà nước cũng cấp không vật dụng thiết yếu, nhu yếu phẩm, làm nhà ở… cho mỗi hộ dân thông qua một dự án mang tên “Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người Rục xã Thượng Hoá”. Những cố gắng của các cấp, các ngành và đặc biệt là bộ đội biên phòng đã giúp người Rục phát triển từ 34 người (năm 1959) lên khoảng 800 người hiện nay.
Bên cạnh phát triển về dân số, các dự án đã tạo ra sự đổi thay “ngoạn mục” trong nếp nghĩ, cách làm của người Rục nơi đây. Từ chỗ quen ở hang sâu, sinh kế dựa vào săn bắt, hái lượm, người Rục đã biết trồng trọt, chăn nuôi… để từng bước làm chủ đời sống của mình. Có thể lấy ví dụ sinh động nhất từ ruộng lúa của anh Trần Trung Trực. Năm 2008, được sự giúp đỡ của Đồn biên phòng Cà Xèng, anh Trực cùng hai cậu con trai dựng nhà và làm ruộng tại bãi trống có nước ở cách bản chừng 2km. Đó là khoảnh ruộng lúa nước đầu tiên của đồng bào Rục. Trong khi bộ đội biên phòng hướng dẫn anh Trực làm đất, gieo mạ thì bà con người Rục ngồi xung quanh bờ ruộng. Họ không hiểu bộ đội đang làm gì và không tin việc các anh đang làm có thể mang lại hạt lúa, hạt gạo. Sau đó thì mọi người đã hiểu, đã biết và muốn được làm như mình - anh Trực nhớ lại ngày đầu trồng lúa nước trong niềm hân hoan.
Thế nhưng mong muốn của bà con có được khoảnh ruộng làm ra hạt lúa phải tạm hoãn bởi ở nơi đến giọt nước ăn cũng quý như vùng Thượng Hóa thì kiếm ra nguồn nước sản xuất thật không dễ dàng. Sau đó, khi tổ công tác của bộ đội biên phòng phát hiện nguồn nước cách nơi đồng bào sống khoảng 3km, một dự án đầu tư hệ thống thủy lợi được gấp rút thực hiện đã biến vùng đất trống dọc con suối thành “cánh đồng” lúa có diện tích 2,5ha. Từ một hộ, nay có thêm hàng chục hộ tham gia trồng lúa nước. Gia đình chị Hồ Cưu, ở bản Yên Hợp cho biết: “Khi về định cư tại đây, tôi cũng như mọi người trong bản không biết gì đến việc trồng cây lúa nước, nhưng được bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng hướng dẫn cách ngâm ủ giống, làm đất và xuống giống. Các anh còn trực tiếp lội xuống ruộng vừa làm mẫu vừa giải thích cặn kẽ cho bà con từng động tác cấy lúa. Đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn, các con tôi được cắp sách tới trường”. Giờ đây, người Rục đã trồng được lúa nước, đã tạo ra những cánh đồng lúa chín vàng ở vùng biên viễn xa xôi. Ấm no đã về trên các bản của người Rục ở miền Tây Quảng Bình.
Nếu cây lúa giúp thay đổi nhận thức thì cây cao su sẽ đổi đời đồng bào Rục - Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 Cà Xèng khẳng định chắc nịch. Bắt đầu từ tháng 6 năm 2012, bộ đội biên phòng đã ký hợp đồng chăm sóc gần 10ha cây cao su với 15 hộ. Mỗi công chăm sóc được trả bằng gạo, nhu yếu phẩm, sản phẩm làm ra sau khi bán được chia theo tỷ lệ “góp vốn”. Vốn góp của bà con là giá trị quyền sử dụng đất. Dự án mới triển khai được 1 năm nhưng cây cao su hợp đất, mến người đã phát triển rất tốt, cây cao quá đầu người với tán lá xòe rộng. “Để lấy ngắn nuôi dài, bộ đội hướng dẫn trồng cây sắn, cây lạc xen với cao su đấy. Lần đầu tiên mình tự làm được cái ăn, sướng quá cán bộ à”- ông Cao Văn Phìn reo lên khi nhìn thấy chúng tôi. Ông bộc bạch: Ngày trước, tôi chỉ quanh quẩn trong căn nhà trống hoác, cái đói triền miên hoành hành, hầu như phải trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước, cái chân vào rừng cũng mỏi rồi, cuộc sống khó khăn lắm. Thế mà giờ đây lại tự mình làm được cái ăn, được trả công lao động. Việc ấy trước có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới. Bà con không vui mừng mới lạ.
Kinh tế ổn định, không còn cảnh lúc no, lúc đói nên việc học hành của con em người Rục cũng được quan tâm hơn. Học sinh bản Ón, Mò O Ồ Ồ không những duy trì sĩ số đều ở cấp tiểu học mà còn lặn lội học lên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Đặc biệt năm học vừa qua có em còn đỗ đại học. Bậc học mầm non cũng đổi thay lớn. Năm năm trước, điểm trường mầm non được xây dựng nhưng do không có học sinh đã bị xuống cấp. Nay, các cháu phải học nhờ tại nhà văn hóa của bản. Cô Đinh Thị Ngân, giáo viên mầm non bản Mò O Ồ Ồ hàng ngày dạy khoảng 20 cháu. Bố mẹ các cháu lên rẫy làm cao su nên cô phải lo luôn ăn trưa cho bọn trẻ. “Bận bịu nhưng vui chứ giáo viên mà không có trò để dạy thì buồn lắm”- cô giáo Ngân chia sẻ.
Có được sự đổi thay đáng ngạc nhiên ở vùng đồng bào Rục là nhờ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó là yếu tố con người mà trực tiếp là bộ đội biên phòng hàng ngày “3 cùng” với đồng bào. Có lẽ không ở đâu, việc thực hiện chính sách theo phương thức “cho cần câu” lại được minh chứng rõ nét như ở nơi đây. Một sự thay đổi, dù chậm nhưng cần thiết và vững chắc là điều chính sách hướng đến. Bắt đầu từ tư duy chuyển sang trồng lúa nước với những con người đã từng sống rất lâu trong rừng sâu chính là "trao cần câu" giúp họ từng bước hoà nhập với đời sống cộng đồng.
Việt Dũng
[TT: PLN]