Liên kết " 4 nhà " ở Tuyên Quang
01:53 02/08/2013 Lượt xem: 493 In bài viếtLà tỉnh có tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao (trên 51%), với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống song những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Quang đang chuyển dịch tích cực từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, với nhiều vùng nông sản tập trung như: ngô, mía, sắn, chè... Góp phần vào quá trình chuyển dịch ấy có sự vào cuộc của nhà khoa học, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước và đặc biệt là sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của nông dân trong tỉnh. Liên kết “4 nhà” đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Chè là cây trồng truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ vùng núi cao như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa xuống các huyện vùng thấp như Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên,... Một số vùng chè đã có thương hiệu trong và ngoài nước như: “Chè Mỹ Lâm”, “Chè Sông Lô”, “Chè Tân Trào”... Với lợi thế trồng được trên đất đồi dốc, cây chè đang được coi là cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hàng nghìn hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh có 8.200 ha, tăng 30,7%; sản lượng chè búp tươi ước tính 51.000 tấn/năm, tăng 43% (so với năm 2005).
Cây chè đã giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử mỗi hộ gia đình ở thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm (huyện Yên Sơn) trồng 1 ha chè PH1, Bát Tiên - loại chè đặc sản, có giá trị kinh tế cao, thâm canh theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất đạt từ 25 - 30 tấn/ha, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, thu lãi trên 35 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng và phát triển cây chè; đồng thời quy hoạch những vùng chuyên canh chè sạch tại xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn và làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.
Cùng với cây chè thì mía cũng được tỉnh Tuyên Quang xác định là cây chủ đạo do đã khẳng định được giá trị và trở thành cây trồng chủ lực tạo ra bước đột phá về sản xuất nông nghiệp tại 7 huyện, thành phố. Diện tích mía toàn tỉnh hiện có trên 9.300 ha mía đang cho thu hoạch.
Ở xã Kim Phú (huyện Yên Sơn), bình quân mỗi gia đình có từ 1 - 10 ha mía, mỗi ha mía cho thu hoạch gần 100 tấn mía/năm, trừ chi phí lãi trên 40 triệu đồng, không như trước đây, nông dân trong xã chủ yếu trồng sắn, mỗi năm cho thu nhập chỉ bằng 1 nửa so với trồng mía mà còn phải vất vả lo đầu vào, đầu ra.
Sơn Dương là một trong 5 huyện thực hiện hiệu quả liên kết “4 nhà” trong trồng mía và có diện tích mía lớn nhất tỉnh với trên 4.000 ha. Xã Phú Lương có diện tích mía lớn nhất huyện Sơn Dương với gần 390 ha, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng hơn 18.000 tấn mía, tạo việc làm thường xuyên cho 60% lao động trong xã. Toàn xã có 1.401 hộ dân thì 98% trong số đó trồng mía. Nhờ có cây mía, thu nhập bình quân của người dân trong xã tăng từ 200.000đồng/người/tháng lên hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 404 hộ (năm 2011) xuống còn 319 hộ (năm 2012). Năm tới, xã chủ trương tiếp tục trồng lại kết hợp trồng mới để duy trì và mở rộng diện tích, giữ vững danh hiệu “vùng đất mía” trong huyện.
Để cây mía phát triển bền vững và đúng hướng, huyện đã vận dụng và thực thi những chủ trương, chính sách trong các Nghị quyết của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp và nông thôn trên tinh thần hài hòa lợi ích và tạo sự đồng thuận cao giữa các bên.
Kết quả phát triển vùng guyên liệu mía của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương là minh chứng rõ nét cho sự liên doanh, liên kết giữa 4 nhà. Được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tạo cơ chế, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đã liên kết với nhân dân mở rộng vùng nguyên liệu mía thông qua các chính sách như: hỗ trợ giống, vật tư phân bón, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý. Qua đó, giúp nông dân yên tâm tập trung đầu tư chăm sóc và gắn bó lâu dài với cây mía.
Giờ đây, cây mía đã lên đồi, xuống bãi và cả đất ruộng khó nước tại hầu hết các xã, thị trấn trong tỉnh. Thậm chí ở Chiêm Hóa, từ hai năm nay, phần lớn diện tích soi bãi, đồi thấp và đất kén cây trồng trước đây đều được cây mía thay thế.
Để trở thành vùng trọng điểm mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa đã không ngừng mở rộng diện tích từ 1.000 ha mía nguyên liệu (năm 2010) đã tăng lên 2.126 ha (năm 2012). Riêng năm 2012, toàn huyện đã trồng được 550 ha, vượt 60 ha so với kế hoạch. Không chỉ Chiêm Hóa mà các huyện Yên Sơn, Hàm Yên cũng đang mở rộng diện tích trồng mía, phấn đấu đến năm 2015, các huyện vùng trọng điểm sẽ trồng được 8.500 ha đã được quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy Đường Tuyên Quang.
Có được sự phát triển nhanh các vùng cây công nghiệp hiện nay ở Tuyên Quang là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đặc biệt, các địa phương đã tuyên truyền vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng mía, đồi chè. Đây được coi là những yếu tố kích thích để nông dân làm chủ thực sự và có điều kiện đầu tư phát triển bền vững các loại cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đinh Nhung
[TT: PLN]