Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc Khmer

02:15 02/08/2013 Lượt xem: 572 In bài viết

Đời sống không ngừng được nâng lên

Vĩnh Long có hơn triệu dân, người Kinh chiếm hơn 97% và sinh sống cùng 19 dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là đồng bào Khmer (gần 2,1%). Đồng bào Khmer sống đan xen với đồng bào Kinh, Hoa tập trung ở 48 ấp, thuộc 10 xã và 1 thị trấn của 4 huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh và Vũng Liêm.

Hầu hết đồng bào dân tộc Khmer theo đạo Phật giáo Nam tông. Gần đây có một ít đồng bào theo tôn giáo Tin lành, Công giáo, Phật giáo Hòa hảo và Cao đài.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc và được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả. Nổi bật nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa IX), Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc và Chương trình 134, 135 của Chính phủ

Nhờ vậy mà kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer chuyển biến khá nhanh và toàn diện. Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc được chăm lo ngày càng tốt hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Khmer tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Các cấp ủy Đảng chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng hàng hóa nông sản; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn thâm canh tăng vụ, cung cấp giống mới năng suất cao, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn cho đồng bào dân tộc.

Nhờ vậy, trong đồng bào dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhiều gia đình đã xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51,47% (năm 2007) xuống còn hơn 28% vào năm 2012.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sự nghiệp giáo dục- văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là 3 xã đặc biệt khó khăn đã có sự chuyển biến rõ nét.

Hệ thống giao thông ở 11 xã dân tộc nay đã có đường ôtô đến trung tâm xã, đường đan từ xã đến các ấp bảo đảm cho người dân đi lại cả vào mùa mưa.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều cố gắng giải quyết cơ bản dứt điểm mục tiêu đất ở (nền nhà), nhà ở cho đồng bào dân tộc, cung cấp nước sạch cho hơn 98% hộ dân tộc (kể cả nước máy và lu chứa tự xử lý). Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc đều có lưới điện quốc gia và có hơn 98% hộ dân có điện sử dụng.

Mạng lưới trường lớp không ngừng được đầu tư hoàn thiện. Trong tổng số 15 trường mầm non, phổ thông ở 3 xã vùng đồng bào dân tộc sống tập trung thì có 3 trường đạt chuẩn quốc gia và cả 3 xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.

Ngoài ra, tỉnh còn dành kinh phí hàng chục tỷ đồng để xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Long với 5 khối lớp (từ lớp 8 đến lớp 12) có 170 học sinh theo học song ngữ (tiếng Việt và tiếng Khmer). Tất cả học sinh dân tộc Khmer được miễn học phí ở các cấp học phổ thông, các trường trung cấp dạy nghề và cao đẳng trong tỉnh.

Mỗi năm học có trên 4.000 em theo học từ mầm non đến THPT và tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT tăng dần từ 60,26% (năm học 2006- 2007) lên 82,22% (năm học 2010- 2011). Từ 2006- 2010, tỉnh Vĩnh Long có 112 học sinh dân tộc được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và 73 học sinh được cử tuyển vào trường trung cấp.

Tất cả 11/11 trạm y tế ở các xã có đông đồng bào dân tộc đều đạt chuẩn quốc gia. Hộ nghèo được cấp miễn phí bảo hiểm y tế, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá bảo hiểm y tế cho tất cả thành viên trong hộ, việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc có chuyển biến tích cực.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh quan tâm đầu tư phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được giữ vững và phát huy, góp phần cổ vũ, nâng cao đời sống văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Khmer trong cộng đồng các dân tộc. Các lễ hội truyền thống như: Chol Chnam Thmay, Dolta, Oóc Om Bok, lễ dâng y cà sa,… hàng năm đều được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện tổ chức trang trọng phù hợp với truyền thống của đồng bào dân tộc và quy định của Nhà nước.

Tỉnh đầu tư trùng tu, xây dựng nhiều thiết chế văn hóa như: phòng đọc sách, đội văn nghệ ở các chùa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của đồng bào, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đến nay, đã có 5/13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 13/13 chùa đạt chuẩn văn hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc và thông qua các phong trào, ngày càng có nhiều cán bộ dân tộc Khmer được bố trí vào các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, nắm giữ một số vị trí quan trọng. Tham gia HĐND cấp huyện có 3/438 người, cấp cơ sở có 25/2.962 người. Hiện Đảng bộ tỉnh có 278 đảng viên là người dân tộc; 6.634 đoàn viên, hội viên, chiếm 38,7% so với người Khmer trong tỉnh.

Nhưng vẫn còn không ít khó khăn

796 hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, 894 hộ không có đất sản xuất, hộ nghèo còn 28,07%, cao gần gấp 5 lần so với bình quân chung của tỉnh và 1.006 hộ cận nghèo là những vấn đề bức xúc nhất.

Các đối tượng này chiếm đến 38,7% hộ dân tộc, nhưng chỉ có một số rất ít làm dịch vụ, lao động công nghiệp, đa số đi làm thuê quanh năm theo mùa vụ, thu nhập không ổn định.

Vấn đề đất sản xuất do các hộ đồng bào dân tộc cầm cố, sang bán trước đây để lại hậu quả khá nặng nề. Đơn cử như việc thực hiện chủ trương hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc chuộc lại đất sản xuất có 121 hộ chuộc được 12,3ha.

Đời sống đồng bào dân tộc tuy có nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Khi con em đến tuổi lao động thì phải nghỉ học hoặc cả nhà đi làm ăn xa theo mùa vụ nông nghiệp. Do đó, tỷ lệ các em học hết THPT chỉ khoảng 30%. Theo khảo sát năm 2008, đồng bào dân tộc không biết chữ dân tộc chiếm 66,07%, không biết chữ phổ thông chiếm 5,66%. Dạy và học song ngữ cũng gặp không ít khó khăn do thiếu giáo viên, còn học sinh người dân tộc học chữ dân tộc thì cũng chỉ khoảng 50%.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tuy quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng ở các xã dân tộc vẫn có ít cán bộ người dân tộc tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do yêu cầu kết nạp đảng viên, văn hóa phải tốt nghiệp cấp II đã khó. Mặt khác, nếu đưa đi đào tạo tại các trường trung cấp (trừ học nghề) cũng phải tốt nghiệp THPT. Còn số học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú khi học xong đại học, cao đẳng thì xin việc làm nơi khác, không chịu về quê. Chính vì những lý do trên dẫn đến thiếu cán bộ người dân tộc qua đào tạo cơ bản.

Hồng Thanh

[TT: PLN]