Bình Định phát triển giao thông nông thôn
03:10 07/08/2013 Lượt xem: 550 In bài viếtBình Định là tỉnh miền núi, nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Điều kiện tự nhiên của tỉnh khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra bão lũ, hạn hán, mạng lưới giao thông chậm phát triển; diện tích đất nông nghiệp không nhiều nên đời sống của người dân còn nghèo khó. Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới cuộc sống của người dân đã khởi sắc, toàn tỉnh đang nỗ lực tận dụng thời cơ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Định lập quy hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới tại 26 xã điểm, phấn đấu giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% tổng số xã trong khu vực nông thôn. Qua hơn nửa thời gian thực hiện giai đoạn đầu, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được người dân các xã xây dựng nông thôn mới hưởng ứng, ủng hộ bằng những việc làm cụ thể.
Không khí phấn khởi, hào hứng là điều dễ nhận thấy ở những xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới ở Bình Định. Tại xã Mỹ Lộc (huyện Phú Mỹ), nhân dân đang tập trung bê tông hóa những tuyến giao thông nông thôn. Đã có hơn 5 km đường nông thôn hoàn thành vượt tiến độ nhờ sự tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu của nhân dân. Tinh thần tự nguyện hiến đất làm đường của người dân không chỉ phổ biến ở xã Mỹ Lộc mà còn lan tỏa tới nhiều hộ dân ở các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Châu (huyện Phú Mỹ). Mọi gia đình đều vui vẻ đề nghị Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của xã “lấy” phần đất nhà mình mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Chính nhờ sự quyết tâm, chung sức, chung lòng của chính quyền và nhân dân nên ở huyện Vĩnh Thạnh, một huyện miền núi nghèo, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn mà trong năm 2012 đã hoàn thành gần 22 km đường giao thông. Không chỉ hiến đất, người dân còn đóng góp tiền mua cát, đá và hàng ngàn ngày công để giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ khi những tuyến đường liên thôn, nội đồng được cấp phối đã giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông-lâm sản thuận tiện. Các công trình thủy lợi cũng được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất trên diện rộng. Ông Đặng Văn Thanh ở xã Vĩnh Quang tâm sự: “Bà con chúng tôi tự nguyện hiến đất làm đường, đồng nghĩa với việc thể hiện sự tin tưởng vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, vì lợi ích chung của cộng đồng. Nhờ vậy, thương lái đưa xe vào tận đầu bờ để thu mua nông sản, thuận tiện hơn trước rất nhiều. Đời sống của người dân trong xã được cải thiện, nhiều hộ gia đình mua được ti vi, xe máy, việc học tập của các cháu được coi trọng”.
Ở huyện Tuy Phước, từ năm 2008 đến nay, gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương đã được đầu tư để làm mới 78 km đường bê tông, xây 20 cây cầu. Tính đến đầu năm 2013, toàn huyện có 269,5 km đường bê tông, chiếm tỉ lệ 37,5% tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn.
Để làm được điều đó, huyện Tuy Phước đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện và phát huy nguồn lực trong nhân dân để xây dựng, phát triển giao thông nông thôn. Đến nay hầu hết các tuyến đường liên thôn trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi trong việc đi lại, phát triển kinh tế của nhân dân, đặc biệt là ở các xã đang triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện đi đầu trong phong trào phát triển giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường liên thôn trước đây rất bụi bặm vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa, giờ đã được bê tông kiên cố, đó chính là kết quả của phong trào nông dân hiến đất làm đường.
Có lẽ không quá khi nói rằng, việc triển khai xây dựng những công trình hạ tầng cơ sở ở nông thôn Bình Định đạt kết quả tích cực như vậy là có sự góp sức của mỗi người dân. Hầu hết bà con đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp với lãnh đạo địa phương cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Nói như ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh: “Mọi lo lắng của Ban chỉ đạo huyện xây dựng nông thôn mới về vận động nhân dân góp sức, góp của chung tay thực hiện chương trình tan biến rất nhanh khi triển khai đến người dân. Hầu hết bà con có diện tích đất mà dự án làm đường đi qua đều tự giác, tự nguyện phá rào, cắt đất bàn giao cho đơn vị thi công. Công trình chúng tôi làm vượt kế hoạch là vì thế”.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho mỗi xã từ những việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi người dân trong tỉnh. Gần 3 năm trở lại đây, hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế đã được sửa chữa, nâng cấp đáp ứng nhu cầu cải thiện đời sống, đẩy mạnh sản xuất cho người dân. Cách nghĩ, cách làm của người dân trong sản xuất nông nghiệp dần thay đổi. Nhiều nơi, bà con nông dân được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất ngày một nhiều hơn.
Thời gian tới, Bình Định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề ở nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ tiến tiến nhằm mục tiêu bảo đảm và nâng cao đời sống của người dân. Từ đó nâng cao vai trò người dân là chủ thể và chủ động trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình. Có như vậy Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới mới thực sự đi vào đời sống, trở thành ý thức tự giác, tự nguyện của mỗi người dân ở nơi đang triển khai Chương trình cũng như nhân dân các địa phương khác trong tỉnh.
Việt Dũng
[TT: PLN]