Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương thông qua nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội của Nghĩa Lâm đã có nhiều đổi thay. Hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu: điện, đường, trường, trạm bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng đã phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện đã động viên kịp thời gia đình chính sách, gia đình khó khăn và các hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh những đổi thay đáng khích lệ, Nghĩa Lâm vẫn gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Toàn xã hiện đang thiếu 36% diện tích đất sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức cao. Theo số liệu thống kê năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 34,44%, hộ cận nghèo còn 12, 31%. Hệ thống trường học tuy đã được quan tâm xây dựng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Học sinh Trung học Cơ sở vẫn phải học 2 ca; trường Mầm non còn thiếu 6 phòng học (có phòng học hiện nay phải giữ đến 70- 80 cháu), một số điểm trường lại xây dựng xung quanh trang trại bò sữa nên không đảm bảo vệ sinh và cảnh quan môi trường…
Chúng tôi về xã Nghĩa Lâm vào một chiều mùa hè. Nắng nóng kết hợp với gió Lào làm không khí thêm oi nồng và ngột ngạt. Nhìn những đống mía khô xác xơ đang xọp dần chất đống ven những cánh ruộng của bà con nông dân mà ai nấy đều xót xa. Những cây mía được người nông dân hai sương một nắng vun xới, thấm đẫm mồ hôi, công sức nay đang dần trở thành những “đống củi khô”.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vinh - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã cho biết: Tổng diện tích đất gieo trồng chủ yếu của xã là 1.260 ha, diện tích trồng cây mía lên đến 458 ha (cao nhất so với các cây trồng của xã). Ở vùng đất mà thời tiết luôn khắc nghiệt; mùa đông rét đậm, rét hại, mùa hè khô hạn kéo dài song mía đã trở thành cây trồng chủ yếu giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Một năm với hai vụ Đông - Xuân và vụ Thu, cây mía đã cho sản lượng lên tới 17.400 tấn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu của Nhà máy mía đường còn nhiều bất cập; bên cạnh đó, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, hệ thống hồ, đập tưới, tiêu không đủ nên diện tích khô hạn lớn đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mía và cả việc thu hoạch của bà con nông dân.
Chúng tôi thăm hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ki, dân tộc Thổ ở làng Chạo. Vừa bước qua cổng đã thấy những đống mía chất đầy ven lối đi. Bà Ki cho biết: Gia đình gồm 11 khẩu mà chỉ có 4 sào đất vườn và ruộng, nguồn thu nhập chủ yếu là từ cây mía. Nhưng do gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nên Nhà máy mía đường chỉ khoanh vùng thu mua nguyên liệu của bà con nông dân rất ít. Không bán được mía cho Nhà máy, nhưng cần đảm bảo cho sản xuất vụ sau nên gia đình vẫn phải chặt mía về và để chất đống ở nhà. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt bà Ki, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của bà con nông dân phải oằn mình với ruộng vườn, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt những tưởng thu lại thành quả ngọt ngào mà nay lực bất tòng tâm trước cảnh nông sản đang teo tóp dần theo thời gian.
Thăm một số hộ gia đình khác trong vùng chúng tôi được biết, gần đây do thu hồi đất để xây dựng Nhà máy Sữa TH Trumilk nên diện tích đất sản xuất của người nông dân càng bị thiếu gay gắt. Vùng đất chủ yếu dựa vào độc canh cây mía, nay bị thu hẹp nên đời sống của người dân Nghĩa Lâm ngày càng khó khăn, vất vả.
Đồng cảm với những kiến nghị, đề xuất của cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Lâm, để miền quê này vượt qua khó khăn, trở ngại, vươn lên phát triển, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần quan tâm thực hiện: Quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía, đảm bảo sản xuất luôn gắn với tiêu thụ và tiêu thụ luôn gắn với sản xuất; chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán canh tác của nhân dân trong vùng; sớm di dời dân ra khỏi vùng dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty TH Trumilk để tránh ô nhiễm và nhanh chóng ổn định sản xuất, sinh hoạt cho người dân bị thu hồi đất; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nông dân, nhất là các hộ dân bị thu hồi đất cho dự án của Công ty TH Trumilk; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như: Trường học, trạm y tế, các công trình giao thông, thủy lợi… đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Rời Nghĩa Lâm khi nắng đã tắt, chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của các ngành, các cấp; sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, Nghĩa Lâm sẽ có những bước phát triển mới trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phạm Phú Thịnh
Văn phòng UBDT
[TT: PLN]