Nghĩa Lộ nhân rộng mô hình "Dân vận khéo"

09:32 08/08/2013 Lượt xem: 364 In bài viết

Thực hiện Nghị quyết, mỗi xã, phường đã xây dựng từ 6 - 7 mô hình phù hợp thực tế địa phương, được chỉ đạo làm điểm để nhân rộng tới các thôn bản, tổ dân phố.

Nậm Đông 2 là thôn xa nhất của xã Nghĩa An, có 70 hộ dân với 313 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Phương thức sản xuất của nhân dân chủ yếu là độc canh cây lúa và chăn nuôi gia súc. Qua khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, Khối dân vận xã đã chọn thôn Nậm Đông 2 xây dựng mô hình “Dân vận khéo” nhằm vận động quần chúng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa cho giá trị thu nhập cao.

Khối dân vận xã đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và các đoàn thể phụ trách theo từng lĩnh vực: Hội Cựu chiến binh xã vận động nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng; Hội Phụ nữ vận động hội viên phát triển chăn nuôi, làm nghề phụ bằng cách phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích; Đoàn thanh niên tổ chức các phong trào tình nguyện, nhất là về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; Hội Nông dân hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa...

Đồng chí Hà Văn Đoàn - Bí thư Chi bộ Nậm Đông 2 cho biết: “Khi xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về công tác vận động quần chúng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa cho giá trị thu nhập cao, Chi bộ đã tổ chức họp, sau đó triển khai tới toàn thể nhân dân, được nhân dân đồng tình, thống nhất cao. Chi bộ cũng giao nhiệm vụ cho các đoàn thể phụ trách từng lĩnh vực nhỏ như vốn vay, cây, con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật.

Nhờ đó, tuy mới bước đầu triển khai thực hiện song các mô hình kinh tế của thôn đã dần hình thành theo hướng chăn nuôi hàng hóa với quy mô rộng. Bà con tập trung chăn nuôi gà đồi, thả cá, cải tạo vườn tạp, phát triển đàn trâu, bò, trên 70% diện tích lúa mỗi vụ được áp dụng kỹ thuật sử dụng phân viên nén dúi sâu. Thu nhập của các hộ gia đình đang ngày càng nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương”.
Khác với Nậm Đông 2, thôn Bản Vệ của xã Nghĩa An lại chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về vận động nhân dân xây dựng thôn, bản văn hóa tiêu biểu theo tiêu chí mới, thôn Đêu 3 chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về vận động nhân dân đẩy mạnh công tác khuyến học...

Như vậy, Khối dân vận xã Nghĩa An đã căn cứ đặc điểm, tình hình của mỗi thôn, bản để chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp thực tế trên cơ sở phát huy, nhân rộng các điểm mạnh, cách làm hay; chọn những điểm còn tồn tại, hạn chế để khắc phục.

Thực hiện Nghị quyết số 08, Nghĩa An xây dựng và nhân rộng ngày càng nhiều mô hình "Dân vận khéo" hiệu quả cao; chỉ đạo 7 thôn, bản lựa chọn làm điểm xây dựng 7 mô hình; đưa việc triển khai xây dựng mô hình "Dân vận khéo" toàn diện của xã được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Qua kiểm tra chuyên đề của Thị ủy trong quý I/2013 cho thấy, kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng mô hình "Dân vận khéo" và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ, xã Nghĩa An đã làm tốt công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền; xây dựng được chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả; giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đoàn thể, tránh tình trạng 1 mô hình nhưng đoàn thể nào cũng báo cáo là của mình.
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ, hiện nay, 7/7 xã, phường của thị xã đều xây dựng mô hình điểm trên 7 khó khăn theo nội dung của Nghị quyết ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đang từng bước nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo" hiệu quả. Mỗi đoàn thể và tổ chức chính trị của thị xã tập trung chỉ đạo xây dựng điểm 1 mô hình cấp thị xã, đặc biệt là xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ bản, xã phường văn hóa.

Nhiều chi, đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện tốt như: Đảng bộ xã Nghĩa An, Đảng bộ phường Trung Tâm, Đảng bộ phường Cầu Thia, Đảng bộ phường Pú Trạng... Trong đó phải kể đến mô hình tự quản về trật tự an toàn giao thông của Công an thị xã. Đó còn là mô hình vận động gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh không mắc các tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật của phường Cầu Thia; mô hình vận động hội viên phụ nữ tích cực phòng chống HIV/AIDS tại xã Nghĩa Lợi; mô hình vận động hội viên tích cực phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, chống bạo lực gia đình tại phường Tân An của Hội Phụ nữ thị xã...

Có được kết quả này là nhờ các chi, đảng bộ cơ sở đã tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết nghiêm túc đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên của xã, phường; tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, nhân dân. Đảng ủy xã, phường đã triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết kịp thời, xác định rõ được mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, một số chi, đảng bộ cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết trong cán bộ chủ chốt, đảng viên ở chi bộ trực thuộc còn hạn chế. Công tác phối hợp trách nhiệm chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở và chi bộ thực hiện; chưa có nhiều biện pháp, việc làm cụ thể, sâu sát đối với cơ sở, đặc biệt là đối với chi bộ tổ, bản - nơi trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, trong thời gian tới, với chức năng là cơ quan thường trực, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết sẽ tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho Thị ủy. Thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu đến năm 2015, xây dựng nhân rộng từ 2 - 3 lần số mô hình “Dân vận khéo” đã được công nhận; phấn đấu mỗi lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm ở các xã, phường sẽ có từ 2 - 3 tổ dân phố, thôn bản tiêu biểu điển hình được học tập và nhân rộng.

Lò Văn Lý

[TT: PLN]