"Ngân hàng bò" Giải phát giảm nghèo hiệu quả ở miền núi

02:21 01/10/2013 Lượt xem: 392 In bài viết

Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo chí. “Ngân hàng bò” là mô hình đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực, cách thức duy trì và phát triển do dự án mang lại mà còn đặc biệt ở chỗ nó không chỉ trao cho người nghèo tài sản mà còn là phương tiện để sản xuất chăn nuôi tốt. Bò lại đẻ ra bò và tự bản thân những người nghèo có thể giúp đỡ lẫn nhau để cả thôn, cả xã cùng thoát nghèo, khơi dậy tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng”.

Bà Hoàng Nga, phụ trách truyền thông của dự án cho biết: Mô hình hoạt động của “Ngân hàng bò” bắt đầu từ việc quyên góp tiền mua bò giống. Dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều cá nhân, tập thể. Sau hơn 2 năm triển khai, quỹ “Ngân hàng bò” đã gia tăng mạnh. Năm 2010 là 5.406 con, năm 2012 là 6.883 con, trong quý I/2013, số bò giống đã được Hội tặng các hộ nghèo tại 34/62 huyện nghèo trong cả nước là 7.028 con. Trong giai đoạn 2013-2014, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phấn đấu vận động quyên góp, ủng hộ 100 tỷ đồng cho “ngân hàng” để mang 10.000 con bò tới 1.000 xã biên giới và 62 huyện nghèo trên cả nước.

Hà Giang là tỉnh có 6/11 huyện thuộc diện nghèo điều kiện tự nhiên khó khăn, thường xuyên bị thiên tai như sạt lở đất, lũ quét… Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao cho 6 huyện nghèo ở Hà Giang 600 con bò cái, với giá bình quân 10 triệu đồng/con, trong đó nguồn kinh phí của Trung ương Hội Chữ thập đỏ là 8 triệu đồng và 2 triệu đồng là nguồn đối ứng của tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kế hoạch phát triển “Ngân hàng bò” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn trong việc tham gia thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo của tỉnh nói chung và “Ngân hàng bò” nói riêng. Theo Kế hoạch, trong 2 năm 2013-2014, thông qua dự án “Ngân hàng bò”, tỉnh Hà Giang phấn đấu trao cho các hộ nghèo tại 6 huyện nghèo từ 30 con bò cái giống trở lên. Đối với các huyện còn lại, tỉnh phấn đấu vận động ủng hộ và trao tặng mỗi huyện từ 20 con bò cái giống trở lên. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cụ thể hóa chỉ tiêu vận động phát triển “Ngân hàng bò” của tỉnh trong trong 2 năm phấn đấu đạt 270 con bò sinh sản trở lên, trong đó 11 huyện thành phố vận động đạt 150 con; Khối các sở, ban, ngành của tỉnh phấn đấu vận động đạt 120 con trở lên.

Ông Xèn Văn Chà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang cho biết: Với mô hình “Ngân hàng bò” mỗi hộ gia đình nghèo được trao 1 con bò giống để phát triển chăn nuôi. Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 12 tháng sau đó sẽ chuyển con bê cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo được trợ giúp về giống. Trường hợp là bê đực, Hội Chữ thập đỏ cấp huyện bán con bê đó, tiền bán 2 con bê đực sẽ mua 1 con bò cái và trao cho hộ nghèo khác. Sau khi đã trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi có quyền sở hữu con bò cái. Qua thực tế triển khai dự án rất phong phú, có gia đình muốn giữ lại con bê, nếu là bê đực để tạo ra sức kéo và xin trả lại dự án số tiền vốn ban đầu. Có gia đình xin giữ lại bê cái và trả lại bò giống. Chúng tôi đã chỉ đạo chấp thuận tất cả các nguyện vọng của người dân, nếu việc đó có lợi nhất cho bà con.

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao 700 triệu đồng để mua 100 con bò cho 100 hộ nghèo tại các xã Tát Ngà, Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn và thị trấn Mèo Vạc. Trên thực tế triển khai, do công tác chỉ đạo tốt, người dân quản lý, sử dụng đồng vốn hỗ trợ tiết kiệm nên đã mua được 103 con bò. Từ 103 con bò giống được trao cho người dân năm 2010, giờ đã sinh sôi thành 151 con. Đó là kết quả đáng mừng đã và đang nhân lên niềm vui, niềm hy vọng cho các hộ nghèo. Những con bò của dự án sẽ là động lực góp phần giúp đồng bào vùng cao phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ông Thào Mí Chơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết: Xã có 5.293 nhân khẩu với 100% dân tộc Mông sinh sống. Ở Cán Chu Phìn, đa phần đất canh tác lẫn trong các triền núi đá, bởi vậy con bò là công cụ hữu hiệu trên nương của nhà nông vùng cao. Nhưng không phải gia đình nào cũng có “công cụ” đó vì lý do tồn tại bao đời nay là cái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 60%, Cán Chu Phìn được xếp vào diện nghèo bậc nhất của Hà Giang. Sự nghèo khó nơi đây bắt đầu từ đá. Bởi đá nhiều, núi dốc, nên đồng bào không thể đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Để cày được một thửa ruộng, người dân phải dựa vào sức của con bò. Con bò là tư liệu sản xuất không thể thiếu trong mỗi gia đình, thế nhưng không phải ai cũng có tiền để mua bò. Bò đắt lắm, nhiều hộ làm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền để mua bò. Vì vậy, mỗi mùa lúa, mùa ngô, có nhà được xóm làng cho mượn bò để cày, có nhà không có bò phải dùng sức người đánh vật với đá. Người dân chăm chỉ lao động, gồng mình vượt lên những khó khăn để sản xuất, chính quyền địa phương tìm tòi để đưa những phương pháp mới áp dụng vào sản xuất cho bà con nhưng rất khó thành công bởi ruộng nương nơi đây chỉ là những hốc đá được người dân gùi đất đổ vào để trồng cây ngô... nên việc áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất còn nhiều hạn chế và khó khăn.

Để Dự án “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, xã đã thành lập Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò”, các thôn tổ chức họp bình xét công khai, đảm bảo dân chủ, không xảy ra khiếu kiện, lựa chọn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để trao bò. Sau khi giao bò cho các hộ nghèo, Ban quản lý dự án phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm thú y của huyện hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò giống; kỹ thuật làm chuồng trại; những bệnh thường gặp để người dân sớm phát hiện và kịp thời báo cáo. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc các hộ gia đình làm chuồng trại, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống để đảm bảo con bò phát triển khỏe mạnh. Theo quy định của dự án, trong quá trình chăn nuôi, bò giống tại hộ hưởng lợi bị mất không rõ nguyên nhân hoặc bị chết, Hội Chữ thập đỏ xã lập biên bản có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân xã và hộ hưởng lợi. Bò chết sẽ được người dân đem bán, số tiền thu được một phần đưa vào quỹ quản lý bò do Hội Chữ thập đỏ huyện quản lý (50%), số còn lại do hộ gia đình giữ để mua gia súc khác chăn nuôi (50%). Nếu bò cái được cơ quan thú y xác nhận không thể sinh sản thì đem đấu giá chậm nhất sau 2 năm nuôi dưỡng và được phân chia 50%-50% giữa Hội Chữ thập đỏ Huyện và hộ chăn nuôi. Để theo dõi và quản lý chặt chẽ “Ngân hàng bò”, Hội Chữ thập đỏ đã lập sổ theo dõi “quỹ bò” về tình hình đàn bò trong xã, bệnh tật, lứa đẻ, chi phí mua bán bò... Các hộ nuôi bò cũng có sổ theo dõi tình hình bệnh tật, thời gian phối giống, chửa, đẻ bê con...

Cách đây 3 năm, gia đình anh Thào Mí Vư ở xã Cán Chu Phìn có cuộc sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Năm 2010, qua bình xét, gia đình anh Vư được Hội Chữ thập đỏ giao cho 1 con bò giống trong Dự án “Ngân hàng bò”, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Theo thỏa thuận, khi bò đẻ, gia đình anh được giữ lại bò mẹ, còn bê con sẽ giao cho hộ nghèo khác. Khi con bò mẹ sinh được 1 chú bê con, gia đình anh tiếp tục chăm sóc con bê được 12 tháng rồi bàn giao chú bê cho Ban quản lý dự án “Ngân hàng bò” của xã để bàn giao con bê cho gia đình chị Ly Thị Mỷ. Con bò mẹ đã thuộc quyền sở hữu của gia đình anh Vư. Với kinh nghiệm chăm sóc bò sinh sản, vậy là anh có khả năng nhân rộng mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế. Tâm sự với chúng tôi, anh Vư vui mừng nói: “Ở vùng cao nguyên này để phát triển nông nghiệp mình mong muốn có được con bò, nhưng mà không mua được vì muốn có con bò cần rất nhiều tiền. Khi được nhận bò giống, gia đình mình rất phấn khởi và đã tích cực chăm sóc để bò khỏe mạnh, lớn nhanh, vừa chóng sinh bê con. Nhờ có con bò hỗ trợ sức kéo phục vụ sản xuất nên gia đình mình không còn cảnh đói giáp hạt”. Còn với gia đình chị Ly Thị Mỷ con bê chính là tài sản lớn nhất. Phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước, chị Ly Thị Mỷ bày tỏ: “Cái hôm Ban quản lý dự án của xã trao cho con bê cả nhà vui cái bụng lắm, cả xóm đến chúc mừng, đêm ấy vui quá không ai ngủ được. Gia đình sẽ chăm cho con bê béo, khỏe, được Nhà nước tạo điều kiện tốt thế này mình sẽ nỗ lực để thoát nghèo”.

Không chỉ có anh Vư, chị Mỷ mà nhiều hộ nghèo trong xã Cán Chu Phìn được hưởng lợi từ dự án đều vui mừng vì “Ngân hàng bò” đã giúp họ có phương tiện sản xuất mà bấy lâu nay vẫn hằng mong ước.
Với nhà nông nơi vùng sâu, vùng xa, một trong những nguyên nhân nghèo khó là do thiếu phương tiện sản xuất. Giá một con bò lại quá cao, trong khi các gia đình nghèo không đủ sức đầu tư, vì thế nghèo vẫn hoàn nghèo. Nay được “Ngân hàng bò” hỗ trợ bò giống, một tư liệu sản xuất quan trọng thì cơ hội thoát nghèo của đồng bào ở các huyện vùng cao đang hiện hữu. Thực tế đã chứng minh thông qua chương trình, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững. “Ngân hàng bò” là dự án mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; góp phần hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, yên tâm bám đất, giữ vững biên cương Tổ quốc, chung sức thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước.

Kim Nguyên

[TT: PLN]