Những khó khăn và thách thức của tân Phó Chủ tịch xã nghèo ở Yên Bái
02:49 01/10/2013 Lượt xem: 664 In bài viếtDự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện nghèo trong cả nước đã thực hiện được 2 năm. Bên cạnh thành công bước đầu còn tồn tại nhiều khó khăn, trở ngại mà các tân Phó Chủ tịch (PCT) phải nỗ lực vượt qua. Ghi nhận ở tỉnh miền núi Yên Bái.
Tỉnh Yên Bái có 30 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh
sống… Cuộc sống của đa số người dân nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn do
trình độ dân trí thấp, dân cư phân tán, giao thông cách trở…
Thực hiện Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm
Phó Chủ tịch tại các xã thuộc huyện nghèo, khó khăn trong cả nước. Năm qua, Yên
Bái đã tăng cường 20 đội viên của Dự án về các xã của 2 huyện nghèo Trạm Tấu, Mù
Căng Chải; trong đó: 4 người dân tộc Kinh, 8 người dân tộc Mông, 4 người dân tộc
Tày, 2 người dân tộc Dao, 1 người dân tộc Thái và 1 người dân tộc Giáy.
Sau thời gian thực hiện dự án đã đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn
nhiều bất cập mà các tân PCT đang phải cố gắng để khắc phục. Đa phần họ là những
thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, sẵn sàng mang sức trẻ và lòng nhiệt huyết đến
nơi vùng sâu, vùng xa nghèo khó để cống hiến. Nhưng thiếu vốn sống, kinh nghiệm
thực tế, hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, “lạ nước lạ cái” nơi “quê mới”, rồi những
khó khăn “không tên” bắt nguồn từ phong tục tập quán, nếp nghĩ, cách làm của
người dân còn lạc hậu... là những thử thách thực sự đối với các tân PCT trong
khi họ phải thực hiện một nhiệm vụ rất lớn: “thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội,
nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương”.
Chị Điền Thị Say, tốt nghiệp chuyên ngành nông lâm kết hợp Trường Đại học Thái Nguyên, được phân công làm PCT phụ trách lĩnh vực nông - lâm nghiệp xã Púng Luông (Mù Cang Chải). Đúng chuyên ngành đào tạo nên với chị Say, làm quen với việc đồng áng của người dân không phải quá khó. Từ khi về công tác ở Púng Luông, chị đã chủ động phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức được 2 lớp tập huấn về chế biến, bảo quản nông - lâm sản và chăn nuôi; vận động bà con canh tác vụ Đông, hướng dẫn cách dự trữ rơm rạ để vào vụ mùa; tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô... Tuy vậy, khó khăn lớn nhất mà chị cũng như đại đa số các tân PCT xã khác gặp phải tại cơ sở là bất đồng ngôn ngữ. Chị là người dân tộc Giáy, nhưng công tác ở vùng chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống nên giao tiếp quả thực là một trở ngại rất lớn. Sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũng không thể giúp người cán bộ trẻ này khỏa lấp hoàn toàn khoảng trống ngôn ngữ với đồng bào trong một sớm một chiều. Điều mà chị Say mong muốn là được tham dự một khóa học tiếng Mông để có thể giao tiếp, truyên truyền vận động bà con nghe, hiểu, tin, làm theo… Mong ước này không chỉ của riêng chị Say mà là nguyện vọng chung của hầu hết tân PCT.
Với những tân PCT là nam giới, bên cạnh những thách thức tưởng là đơn giản như: khí hậu khắc nghiệt, thời tiết thay đổi,… là những khó khăn về vật chất, nhà cửa chưa ổn định. Đến thời điểm này, các PCT xã đều chưa có nhà công vụ mà vẫn phải ở nhờ trụ sở cơ quan hoặc bỏ tiền túi thuê nhà dân...
Tuy có cố gắng lớn, quyết tâm cao, nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội cho địa bàn mình công tác được đánh giá tốt, có “tương lai”… song trở ngại lớn với đa số trí thức trẻ về làm PCT các xã nghèo là ít nhận được sự ủng hộ của tập thể cán bộ xã cũng như đồng bào mà nguyên nhân chủ yếu là do tư duy cũ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân. Mặt khác, với các “già làng, trưởng bản” - những người có tiếng nói trọng lượng tại cơ sở thì các PCT xã chưa thực sự tạo được ảnh hưởng do tuổi đời còn trẻ. Từ đó cho thấy đội ngũ “già làng, trưởng bản” rất cần được tuyên truyền, vận động để thấy được tầm quan trọng của trí thức trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh tham gia lãnh đạo phát triển kinh tế, các tân PCT xã còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: bảo tồn, phát huy, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ an ninh - trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài... Đó đều là những chính sách lớn, rất cần kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết xã hội tổng hợp. Vì thế, việc tự học, tự bổ sung kiến thức đối với các PCT xã là điều tiên quyết, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn công việc. Vấn đề này lại là một câu chuyện khác cần sự vào cuộc mạnh mẽ, có kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả công việc thường xuyên từ Ban quản lý Dự án đối với các đội viên.
Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo nhằm thực hiện 3 mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, đảng viên và người dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của Dự án: “Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt: nơi ăn, chỗ ở và cần hướng dẫn, giúp đỡ, giao việc để các tân PCT của Dự án hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Bản thân các tân PCT xã cũng phải phát huy tinh thần thanh niên xung kích; chủ động sáng tạo, bám địa bàn, bám nhiệm vụ; cần cù, chịu khó, gương mẫu, đi đầu trong công việc; sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi công tác; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, khiêm tốn, khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, bổ sung chế độ, chính sách, tăng cường bồi dưỡng, quan tâm phát triển Đảng với các trí thức trẻ đang công tác tại 2 huyện nghèo để họ yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đinh Nhung
[TT: PLN]