Tháo gỡ khó khăn đối với Giáo dục mần non vùng dân tộc, miền núi

09:59 01/11/2013 Lượt xem: 697 In bài viết

Phát triển giáo dục mầm non, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, được chăm sóc, giáo dục chu đáo sẽ tạo tiền đề vững chắc cho chất lượng dạy và học của trẻ ở những cấp học tiếp theo. Với trẻ em ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu các em được đến trường mầm non đúng độ tuổi, được “chơi mà học”, được làm quen với những đồ vật, đồ chơi, được tham gia các hoạt động tập thể, được giao tiếp bằng tiếng Việt là tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1 và cho sự hình thành nhân cách, năng lực cho tương lai.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của bậc học này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Việc dạy cho trẻ từ tuổi mầm non ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một yêu cầu cấp bách, nhằm bảo đảm cho việc phổ cập giáo dục không chỉ ở cấp tiểu học mà còn ở các cấp học sau đạt kết quả tốt. Trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đi học mẫu giáo thì vốn tiếng phổ thông sẽ bảo đảm cho trẻ theo học ở lớp 1 đạt kết quả.

Những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, nguồn Trái phiếu Chính phủ, cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp mầm non được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa từng bước đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong 5 năm qua ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, mạng lưới trường, lớp mầm non tăng nhanh. Năm học 2011-2012, toàn vùng có 2.895 trường mầm non, tăng 24,5% số trường so với năm 2006. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Năm học 2006-2007, có 112 trường đạt chuẩn, đến năm học 2011-2012 có 627 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tăng 5,6 lần). Các tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao là Bắc Giang, hơn 54%, Thái Nguyên 50,5%, Phú Thọ, gần 33%.

Tuy nhiên hiện nay giáo dục mầm non ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự được đặt đúng vị trí trong tổng thể chính sách phát triển giáo dục, việc lo giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp vẫn là bài toán đặt ra cho ngành giáo dục. Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, chất lượng thấp. Mạng lưới trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đến trường, nhiều xã chưa có trường mầm non độc lập, còn chung với trường tiểu học, nhà văn hóa, nhà cộng đồng. Nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã chưa có lớp mẫu giáo, do đó còn nhiều trẻ em trong độ tuổi mầm non không được đến lớp. Vẫn còn trường, lớp “4 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi. Ðể thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo năm tuổi, vấn đề đầu tư đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất trường mầm non là thách thức đối với các tỉnh dân tộc, miền núi trên cả nước. Hiện các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc thiếu 7.200 phòng học, còn hơn 5.500 phòng học tạm và 5.852 phòng học nhờ. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện còn 140 xã chưa có trường mầm non độc lập, 769 phòng học tạm và 3.316 phòng học nhờ. Ngoài ra còn hàng chục ngàn phòng học xuống cấp cần được xây dựng. Hiện toàn vùng còn thiếu khoảng 2.284 giáo viên mầm non. Số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 15%.

Ở Trường mầm non Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cô hiệu trưởng Bùi Thị Huyên cho biết: Là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn lớn nhất của trường là cơ sở vật chất, không có các phòng chức năng; thiết bị dạy học, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt còn thiếu. Có điểm lớp lẻ do người dân trong thôn lên rừng lấy nguyên liệu, góp sức, góp công để dựng, bốn bề thưng bằng tre nứa, vách đất, lâu ngày các tấm phên nứa che chung quanh gãy nát, đất lở, còn mái gianh dột nát, chỉ cần một trận mưa to thì có nguy cơ sập. Do vậy, việc chăm sóc trẻ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc duy trì và huy động tỷ lệ trẻ đến trường. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm xây dựng cho các thôn xa trung tâm xã lớp học kiên cố, để các em đỡ khổ, mùa mưa rét các em không phải co rúm người lại mỗi khi cơn gió lạnh thổi qua.

Tại tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Thị Nga cho biết: Hiện toàn tỉnh còn gần 1.500 phòng học tạm, mới có hơn 2.500 nhà công vụ cho giáo viên, mới đạt hơn 20% so với nhu cầu. Tỉnh phải cân đối các nguồn thu, bổ sung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung biên chế giáo viên, nhân viên y tế còn thiếu cho các trường mầm non đạt chuẩn, tạo điều kiện cho các địa phương này sớm đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Hiện nay đội ngũ giáo viên mầm non của Lào Cai còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đặc biệt nhiều giáo viên không biết tiếng dân tộc, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ. Một số tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên chậm được khắc phục như: chậm thực hiện phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới; thiếu cập nhật thông tin về nội dung, phương pháp, cách thức chăm sóc, giáo dục trẻ… Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên mầm non cũng còn hạn chế.

Việc duy trì sĩ số ở bậc mầm non cũng là một bài toán khó. Nhiều thôn, bản nằm cách xa, học sinh thì nhỏ, nhiều gia đình cuộc sống còn khó khăn, cha mẹ mải lo kiếm cái ăn, cái mặc. Vào ngày mùa, người dân đi làm nương rẫy từ sáng tới tối hoặc mất vài ngày mới về. Nếu cho con đi học thì phải bỏ việc ở nương rẫy, vì thế người dân thường mang theo con lên rẫy. Thực trạng trên là phổ biến ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới cấp học mầm non ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Phải có kế hoạch đảm bảo nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, xây nhà công vụ cho giáo viên, xóa xã trắng trường mầm non, từng bước xóa các phòng học tranh tre, nứa lá.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp với tình hình thực tế, phát triển đội ngũ giáo viên thông qua các khoá đào tạo, chăm sóc trẻ ngắn và dài hạn. Tăng cường đào tạo giáo viên mầm non là người dân tộc thiểu số. Đối với giáo viên mầm non là người Kinh, cần trang bị vốn ngôn ngữ dân tộc thiểu số để họ có thể giao tiếp được với trẻ em và với đồng bào dân tộc một cách thuận lợi. Ưu tiên tuyển chọn học sinh người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp lớp 12 để đào tạo giáo viên mầm non. Có chính sách khuyến khích giáo viên về công tác tại địa phương. Các chế độ chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non cũng cần được cải tiến theo hướng từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên. Bên cạnh nguồn lực đảm bảo của Trung ương, các địa phương cần dành một nguồn kinh phí phù hợp, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt cho chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát triển giáo dục mầm non. Có như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển giáo dục mầm non, tạo điểm khởi đầu cho sự phát triển hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ của các em.

Kim Nhung

[TT: PLN]