Học sinh Mường Lát vượt khó giành ước mơ

09:12 01/11/2013 Lượt xem: 561 In bài viết

Gian nan tìm chữ

Không giống như những đô thị lớn ở miền xuôi như Hà Nội, Sài Gòn.., các em học sinh tới trường thường được cha mẹ đưa đón. Ở huyện vùng cao Mường Lát, đến với cái chữ, các em phải tự mình trải qua một chặng đường dài, vất vả. Chị Hang Thị Dê ở xã Cao Pha chia sẻ: “Gia đình người Mông đều làm nhà ở lưng chừng núi mà điểm trường thường cách nhà cả chục cây số. Vì vậy, trẻ con người Mông quen leo đèo, lội suối rồi. Các em phải dậy sớm, để đi bộ cho kịp giờ học”. Vất vả là vậy, nhưng điều đó vẫn chưa thấm gì so với khí hậu khắc nghiệt nơi đây.
Vào mùa nắng, cái nóng của gió Lào thổi đến hút cạn những con suối, làm héo cháy những nương lúa, nương ngô đang lên. Cả vạt đồi chỉ toàn màu vàng cháy của cây trồng đã khô cong. Đến mùa lạnh, với địa hình đồi núi hiểm trở khiến các lớp học tạm càng trở nên chênh vênh hơn trên sườn đồi hút gió. Cái lạnh buốt giá của đại ngàn heo hút được sự trợ giúp “vô tư” của sương mù, mưa phùn, gió núi… càng khiến giá lạnh xuyên thấu da thịt. Các em đến trường bụng ăn không đủ no, mặc bộ quần áo mỏng phong phanh không ngăn được cái lạnh tím tái đến run người.
Ngoài cái nóng, cái lạnh, nỗi sợ lớn nhất của các em là khi mùa bão về. Lũ về, nước sông, suối, dâng cao, chúng như những con ngựa bất kham, gầm thét, hung dữ quật tan những cây cầu yếu ớt. Mưa kéo dài ngày này qua ngày khác khiến núi sạt lở, làm cho Mường Lát bị cô lập, khó khăn chồng chất khó khăn. Sống chung với khí hậu khắc nghiệt như vậy, các em rất cần có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để có sức chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng hàng ngày, các em thường chỉ ăn cơm với muối trắng, khá giả hơn thì có chút cá khô và ít rau rừng. Em Sùng Thị Rộ bộc bạch: “Cuộc sống của chúng em ở đây đều vậy cả. Cứ vài tuần bố mẹ cho một ít gạo, ít rau. Ngoài giờ học, chúng em tranh thủ vào rừng kiếm thêm măng, rau rừng để cải thiện bữa ăn. Mỗi khi trời mưa, chúng em phải huy động hết áo mưa che lại mái lều để tránh những cơn mưa lạnh như xé da xé thịt. Về mùa hè, chúng em phải chống chọi với cái nắng như thiêu như đốt”. Cuộc sống sinh hoạt của các em thật nhiều thiếu khó, không điện, không nước, không chiếu, phải nằm trên những thanh nứa ọp ẹp được ghép trên sàn. Em Mua Thị Sài, lớp 7B nói: “Phải trọ học xa nhà mà gia đình lại nghèo không có tiền cho em. Hàng tháng, bố mẹ cho có 20 nghìn để mua thức ăn mà giờ đi mua cái gì cũng đắt. Số tiền này em chỉ mua được ít cá khô để ăn dần rồi mua bó rau cố gắng ăn tiết kiệm cũng được ít ngày. Những ngày sau đó chỉ ăn cơm không thôi, tiền em còn phải mua sách vở, mua bút”.

Vượt khó giành ước mơ

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các em học sinh vùng cao. Nhằm giảm bớt những khó khăn và giúp đỡ các em có thể tiếp tục đến trường. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg. Ngày 21/12/2010 ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Tài chính số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT. Tại Điều 4 của Thông tư ghi: “Các em học sinh bán trú và học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú mỗi tháng được hỗ trợ mức tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung, đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và tất cả các em được hưởng không quá 9 tháng/năm học”. Nhờ đó, đa phần các em đều tích cực đến trường, đến lớp, tỷ lệ bỏ học giảm hẳn và chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. Đúng như Bác Hồ từng nói: “Không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan”, các em đã rất nỗ lực kiên trì. Ven bìa rừng, trên những con đường của thị trấn Mường Lát và các xã Mường Lý, Trung Lý, Pù Nhi... là những lán của các em học sinh người Thái, Mường, Mông… dựng lên làm nơi ăn ngủ cho tiện việc học không bị ngắt quãng. Tuy tỷ lệ học sinh khá giỏi vẫn chưa cao nhưng tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm bám trường, bám lớp của các em còn cao hơn núi. Em Giàng A Náy, lớp 9A, ở bản Trung Thắng tâm sự: “Gia đình em chỉ làm nương nên bố mẹ không có nhiều tiền, nhiều gạo. Số tiền được nhà trường hỗ trợ, bố mẹ giữ hết, lâu lâu mới đưa cho em một ít. Bố mẹ cho em xuống đây học là điều hạnh phúc rồi, nhiều bạn cùng trang lứa phải ở nhà đi làm rẫy giúp gia đình. Vì vậy, em phải vượt qua những khó khăn, cố gắng học tốt để thực hiện ước mơ của mình”. Còn các em Phạm Thị Nguyệt và Ngân Thị Đóa là một trong những tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó ham học của huyện Mường Lát. Chơi thân nhau, lại học cùng lớp nên Nguyệt và Đóa luôn giúp nhau phấn đấu giành thành tích cao trong học tập. Suốt 5 năm học, Nguyệt là học sinh giỏi toàn diện. Đóa cũng liên tục góp mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi. Nguyệt và Đóa được vinh dự đại diện cho trường đi giao lưu học sinh giỏi các trường tiểu học ở huyện Mường Lát.
Nhiều năm qua, nước ta đã đạt được những thành tích đáng khích lệ về xóa đói, giảm nghèo cũng như các lĩnh vực liên quan đến giáo dục, cải thiện sức khỏe trẻ em nhằm giảm bớt những khó khăn và giúp đỡ các em đến trường. Đó là hướng đi đúng và phù hợp, được các tổ chức quốc tế công nhận và đánh giá cao. Hy vọng thời gian tới, học sinh huyện Mường Lát nói riêng, học sinh vùng cao nói chung sẽ có một cuộc sống thuận lợi, bớt khó khăn để ước mơ vươn tới những đỉnh cao học tập của các em sớm thành hiện thực.

Vũ Thúy Hạnh

[TT: PLN]