Làm giàu ở Lâm Đồng
02:55 13/06/2014 Lượt xem: 508 In bài viếtÔng K’Út, thôn Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng là một trong những hình mẫu cho bà con trong thôn về sản xuất nông nghiệp. Vốn bao đời trồng lúa nước, nhưng khi thôn Ròn chuyển đến nơi ở mới, không còn ruộng lúa nước, ông đã nhanh chóng tìm được hướng đi mới. Đó là học tập bà con người Kinh có nghề nuôi bò sữa trong xã, ông mạnh dạn đầu tư tiền mua bò sữa về nuôi. Khi xã mở lớp dạy chăn nuôi bò sữa, ông tích cực học và trở thành người tiên phong nuôi bò sữa, mà người K’Ho chưa bao giờ làm quen với vật nuôi này. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, nay trong chuồng nhà ông có từ 5-7 con bò cho sữa, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Theo gương ông, bà con trong thôn cũng mạnh dạn làm chuồng, mua bò và hiện tại số bà con trong buôn đã có gần 20 hộ chăn nuôi bò sữa.
Không chỉ chăn nuôi, người dân tộc thiểu số Lâm Đồng đã trồng cà phê, chè cao sản, trồng rau, hoa trong nhà kính… mỗi năm thu được trăm triệu đồng như hộ ông Ya Uông (huyện Di Linh), ông K’Kras (huyện Bảo Lâm), Ha Kai (huyện Lâm Hà), Ha Tang (huyện Lạc Dương)… Thu nhập cao không chỉ giúp bản thân gia đình họ thay đổi cuộc sống mà hơn thế, họ sẵn sàng chia sẻ với các nông hộ khác kinh nghiệm sản xuất, vay giống cây con, vốn đầu tư. Họ là những “tấm gương sống” cho bà con nhìn và tin rằng, chỉ cần cố gắng làm việc, người dân tộc thiểu số cũng có thể làm giàu bằng nông nghiệp. Nói như đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng: “Mỗi gương nông dân làm giàu chính đáng là sự thuyết phục lớn nhất, góp phần thúc đẩy rất lớn cho phong trào thoát nghèo, làm giàu của bà con”.
Bà con dân tộc thiểu số làm giàu bằng nông nghiệp hiện đã khá phổ biến nhưng không phải là chuyện dễ dàng, vì gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất, sức ỳ trong tập quán canh tác. Bởi vậy, việc hỗ trợ cho bà con về vốn, kiến thức, kỹ thuật và giống cây trồng, vật nuôi là rất cần thiết. Với việc hỗ trợ kiến thức, hầu hết các địa phương đều thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những lớp cung cấp kiến thức này đã giúp nông dân người dân tộc thiểu số có đủ kiến thức để mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng phương pháp canh tác mới cho năng suất, chất lượng cao. Vốn cho nông dân dân tộc thiểu số cũng được hỗ trợ qua các chương trình liên kết giữa Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh với các ngân hàng... bà con được vay tín chấp với dư nợ hàng ngàn tỷ đồng, góp phần rất lớn vào giải quyết vốn đầu tư ban đầu.
Con đường làm giàu trên đất đai không phải là dễ dàng nhưng bà con dân tộc thiểu số Lâm Đồng đang hàng ngày vươn lên, làm giàu chính đáng ngay trên đất quê hương.
Diệp Quỳnh
Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014
[TT: PLN]