Xã Phước Hải hiện có hơn 2.800 hộ, với gần 13.900 khẩu, trong đó 33% dân số là đồng bào dân tộc Chăm. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, địa phương lại nằm gần cuối kênh Nam nên phần lớn diện tích đất sản xuất thường bị úng ngập vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nông dân trong vùng.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Phước
Hải, cho biết: Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Phước Hải luôn chú
trọng nhân rộng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; quan tâm, tạo điều
kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây
trồng, vật nuôi. Vụ đông-xuân năm nay, toàn xã gieo trồng hơn 600 ha cây lương
thực các loại, trong đó, lúa gần 400 ha, năng suất trà đầu đạt bình quân 70 tạ/ha;
rau đậu các loại trên 130 ha… Trong chăn nuôi, xã khuyến khích nông dân nhân
rộng mô hình nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi heo thịt, vịt sinh sản, đa dạng hóa các
loài vật nuôi… nên tổng đàn tăng lên khá nhanh. Hiện toàn xã có trên 32.200 con
gia súc, gia cầm; trong đó, trâu, bò, cừu hơn 2.000 con, gà, vịt trên 26.300
con… Anh Trần Ngọc Thanh, một trong những hộ nuôi bò vỗ béo tại thôn Từ Tâm 1,
cho biết: Những năm gần đây mô hình nuôi bò vỗ béo tại Phước Hải phát triển khá
mạnh. Thôn Từ Tâm 1 và 2 có trên 80% số hộ chăn nuôi bò theo hình thức này. Khởi
điểm, người nuôi mua 1 cặp bò đực với giá dao động từ 20-25 triệu đồng, sau 1
năm vỗ béo, bán và thu lãi trên 15 triệu đồng. Tuy lợi nhuận không cao, song
nuôi bò vỗ béo đang trở thành nghề “hot”, giúp nhân dân trong xã ổn định cuộc
sống gia đình.
Bên cạnh việc phát triển nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực, nông dân Phước Hải
còn tập trung trồng rau sạch với quy mô 30 ha tại thôn Từ Tâm 1. Hội Nông dân
phối hợp với chính quyền địa phương vận động 20 nông hộ tại thôn Hòa Thủy chuyển
từ hình thức nuôi dông trong hồ đất kém hiệu quả sang hình thức nuôi thả bán tự
nhiên. Trao đổi về hiệu quả kinh tế do 2 mô hình này mang lại, đồng chí Nguyễn
Khắc Hòa cho biết, tuy mới phát triển song mô hình trồng rau sạch và nuôi dông
đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Nhờ nuôi dông, nhiều hộ đã vươn lên khá,
điển hình như hộ ông Trịnh Ngọc Lân, Hà Văn Mệnh… Tuy nhiên, việc phát triển các
mô hình còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng, duy trì
tính hiệu quả một cách bền vững, hiện xã đang xúc tiến thành lập 2 tổ hợp tác
gồm: Tổ nuôi dông tại thôn Hòa Thủy, Tổ trồng rau an toàn tại thôn Từ Tâm 1. Khi
các tổ được thành lập và đi vào hoạt động, địa phương sẽ phối hợp với các ngành
chức năng tập huấn kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nông hộ tham gia.
Bằng việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo và triển khai đồng bộ các mô hình sản xuất… công tác giảm nghèo tại Phước Hải đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn xã còn 12,64% hộ nghèo, giảm 1,48% so với năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 10% trong năm 2014, lãnh đạo xã tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn, vận động nông dân ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa; khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên thịt, tăng diện tích trồng cỏ, bổ sung thức ăn cho đàn gia súc có sừng. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, giới thiệu việc làm, giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… từng bước giảm nghèo theo hướng bền vững.
Phạm Lâm
Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014
[TT: PLN]