Đổi thay ở Thượng Quảng
03:02 13/06/2014 Lượt xem: 388 In bài viếtBí thư Đảng ủy xã Thượng Quảng Hồ Văn Rai chia sẻ “Trăn trở của địa phương sau ngày giải phóng là làm thế nào khai hoang sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng trong điều kiện đạn bom còn sót lại, đặc biệt ở trên những vùng núi rừng hiểm trở”. Sau nhiều cuộc họp bàn, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quyết định đầu tư, huy động sức dân xây dựng hệ thống đường giao thông nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các thôn, bản và trung tâm huyện lỵ, làm “đòn bẩy” phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân góp công, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, các tuyến đường cấp phối từng bước được nâng cấp thành bê tông, thảm nhựa. Đến nay, 100% tuyến đường vào bản làng, liên thôn, liên xã được, bê tông hóa. Hầu hết các trục đường chính đều mở rộng, đảm bảo ô tô đi lại hai chiều, vào tận trung tâm xã.
Nếu như trước đây, từ trung tâm huyện đến Thượng Quảng gần hai chục cây số, đi xe máy mất cả giờ đồng hồ thì nay chỉ chừng vài chục phút. Các loại nông sản không chỉ tiêu thụ tại các vùng lân cận, mà còn dễ dàng đưa đến chợ trung tâm huyện nên giá thành ổn định. Sản phẩm cũng nhờ vậy không còn tồn đọng, hư hỏng do cất giữ lâu ngày góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Hoàng Thị Lệ ở thôn 6 chia sẻ: “Nông sản trước đây khó bán lắm, giá lại rẻ. Bây giờ giao thông thuận lợi, các lái buôn vào tận vùng sản xuất để mua. Bà con cũng thuận lợi khi mang nông sản đến các chợ bán”.
Năm 1990 trở về trước, Thượng Quảng còn là xã nghèo của huyện. Tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân còn lạc hậu, du canh du cư, “phát - cốt - đốt - trỉa”, phương thức, kỹ thuật canh tác lúa nước còn lạc hậu nên hiệu quả kinh tế thấp. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chưa đầy triệu đồng... Bí thư Đảng ủy Hồ Văn Rai cho biết, giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế ở xã là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến cho người dân. Sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và kinh doanh dịch vụ. Cách làm hiệu quả nhất là vận động bà con Cơ Tu tăng cường học tập kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của bà con người Kinh, còn các hộ người Kinh “cầm tay chỉ việc” cho người Cơ Tu. Địa phương bố trí dân cư người Cơ Tu và người Kinh sinh sống xen kẽ với nhau để thuận tiện trong việc học tập, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Từ năm 1995 đến nay, đời sống của người dân Thượng Quảng thay đổi rõ nét. Chính quyền địa phương lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn; tập trung rà soát tình hình kinh tế, đời sống nhân dân nhằm đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc, địa phương tổ chức cấp đất sản xuất, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho bà con; đồng thời hướng dẫn chuyển đổi phương thức canh tác, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp. Các hộ đói, nghèo được hỗ trợ lương thực, thực phẩm không để thiếu đói, đảm bảo an sinh xã hội. Hàng trăm hộ khó khăn về nhà ở, nhà tạm được các chương trình, dự án Quốc gia, các tổ chức xã hội hỗ trợ xây dựng nhà ở vững chắc, khang trang hơn...
Tự tin trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật thâm canh tiên tiến, người dân mạnh dạn khai hoang mở rộng diện tích trồng cao su, rừng kinh tế. Toàn xã đến nay có 352 hộ trồng gần 600 ha cao su trong đó 270 ha đã cho khai thác mủ, giá trị bình quân mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Ông Trần Văn Chia ở thôn 4 cho biết: “Cao su của gia đình tui hơn 5 ha, nhiều nhất, nhì xã. Tui xây được nhà khang trang, nuôi con ăn học...”. Các hộ trồng cao su, như chị Hoàng Thị Lệ ở thôn 6, ông Nguyễn Văn Cân, ông Nguyễn Văn Nha ở thôn 2... ngoài trồng từ 2 đến 3 ha cao su, mỗi hộ còn trồng thêm 10 ha rừng keo, tràm đã vươn lên làm giàu, xây nhà khang trang, nuôi con học đại học. Nhiều hộ chuyển phương thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, thả rông sang mô hình trang trại, gia trại với quy mô từ hai chục đến ba chục con bò, hàng chục con lợn mang lại thu nhập cao... Hộ nghèo toàn xã đến nay chỉ còn trên 7% là minh chứng cho sự đổi thay của Thượng Quảng kể từ sau ngày quê hương giải phóng.
Hoàng Triều
Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014
[TT: PLN]