Yên Bái cần có những giải pháp đồng bộ để bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai
02:54 13/06/2014 Lượt xem: 378 In bài viếtTrên cơ sở Dự án quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, trong giai đoạn 2006 - 2013, Yên Bái đã xây dựng 46 dự án để triển khai chương trình bố trí dân cư; tổng số hộ được sắp xếp, bố trí là 1.385 hộ, đạt 61%, trong đó 1.162 hộ được bố trí theo hình thức tập trung và 163 hộ được bố trí theo hình thức xen ghép. Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 193) được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của Yên Bái, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền các cấp.
Ấm no cuộc sống "hạ sơn"
Là một trong những hộ đầu tiên tại thôn Bu Cao tự nguyện “hạ sơn” xuống ở tại khu tái định cư Bu Cao, xã Suối Bu (Văn Chấn) vào năm 2009, được sự giúp đỡ của bà con cùng chính quyền địa phương, gia đình anh Mùa A Chang - Trưởng thôn Bu Cao đã dựng ngôi nhà gỗ 3 gian mái lợp proximang và bắt đầu làm quen với cuộc sống mới. Anh Chang cho biết: “Nơi ở trước kia của gia đình và các hộ dân đã không còn được an toàn nữa, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ cuốn, lũ quét rình rập nên cứ mùa mưa đến là dân bản rất lo sợ. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà con không thể tự mình di chuyển được xuống nơi ở mới”.
Dự án di dân tái định cư cho người dân thôn Bu Cao do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đã được thực hiện. Dự án gồm các hạng mục: san tạo mặt bằng, xây dựng công trình đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt và các công trình phụ trợ khác. Đến nay, đã có 92 hộ dân về sống tại khu tái định cư (tăng 30 hộ so với kế hoạch ban đầu).
Sau gần 5 năm “hạ sơn”, cuộc sống của người dân đã thuận lợi rất nhiều do được ở gần trường học, trạm y tế, giao lưu trao đổi hàng hóa cũng thuận lợi hơn đã tạo tâm lý cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất, không còn lo sạt lở mỗi khi mùa mưa bão đến. Mỗi hộ gia đình chuyển từ nơi ở cũ đến nơi ở mới được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng tiền di chuyển, hỗ trợ 220 m2 đất làm nhà ở và được giữ nguyên đất canh tác tại nơi ở cũ. Chị Giàng Thị Di chia sẻ: “Được chính quyền địa phương quan tâm xây khu tái định cư để chúng tôi chuyển đến đây, ai cũng vui lắm! Chúng tôi không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão nữa. Bà con biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước lắm!”.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Suối Bu Mùa A Của cho biết: “Dự án di dân tái định cư cho người dân thôn Bu Cao là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, được nhân dân đồng tình ủng hộ đã góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân, ổn định dân cư lâu dài”.
Thực hiện Quyết định số 193, từ năm 2007 đến năm 2013, huyện Văn Chấn đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn và Ban Quản lý Công trình xây dựng thủy lợi Yên Bái thực hiện 14 dự án sắp xếp, bố trí dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn, lũ quét, khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổng số hộ được sắp xếp, bố trí là 682/804 hộ tại các xã: Nậm Mười, Suối Bu, An Lương, Thạch Lương, Nghĩa Sơn, Cát Thịnh, Nậm Lành...
Ông Hồ Đức Hợp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn khẳng định: “Chương trình đã tạo điều kiện cho các hộ dân vùng khó khăn, vùng có nguy cơ cao về thiên tai ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, con em được đến trường, hạn chế tình trạng di dân tự do cũng như nạn chặt phá rừng làm nương rẫy”.
Cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, từ năm 2000 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã di dời, sắp xếp ổn định cho 144 hộ theo Quyết định số 193, trong đó có 5 dự án di dân tập trung với tổng số vốn đầu tư trên 12,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã cho biết: “Các hộ dân tham gia dự án chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đảm bảo đời sống cho các hộ dân đến nơi ở mới, thị xã đã ưu tiên các hộ trong thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: chính sách khuyến khích phát triển nông - lâm nghiệp, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập”.
Ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Dự án đã bố trí dân cư và xây dựng được nhiều điểm tái định cư phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: nhà phân lô theo quy hoạch, có hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hệ thống thoát nước khu dân cư. Đời sống của người dân khu tái định cư cơ bản tốt hơn nơi ở cũ, góp phần nâng cao mức sống cho người dân”.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Qua tìm hiểu thực tế tại khu tái định cư Tặc Tè, xã Nậm Lành (Văn Chấn), chúng tôi được biết, khu tái định cư này thiết kế cho 165 hộ gia đình. Sau khi thi công xong mặt bằng, xã đã kết hợp với chủ đầu tư tiến hành phân lô, các hộ gia đình nằm trong diện phải di chuyển bốc thăm và chuyển đến nơi ở mới. Từ khi hoàn thành đến nay, mới có 61 hộ đến ở ổn định, một số hộ đã chuyển đến ở nhưng do không có đất sản xuất hoặc đất sản xuất ở xa nên lại chuyển về nơi ở cũ.
Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Nậm Lành, Lý Kim Kinh cho rằng, do phong tục tập quán của người địa phương, nhiều gia đình phải xem ngày, xem tuổi mới chuyển đến ở nhà mới; nhiều hộ không có đất sản xuất hoặc đất sản xuất xa nhà ở; do kinh tế khó khăn nên nhiều hộ không có điều kiện mua vật liệu làm nhà ở. Ngoài ra, mỗi hộ chỉ được bố trí diện tích 220 m2 là quá ít, chỉ đủ cho sinh hoạt, không còn chỗ để đưa vật nuôi về sống gần nhà; việc phát triển sản xuất và tạo thêm việc làm cho người dân khu tái định cư còn nhiều khó khăn.
Còn tại khu tái định cư thôn Bu Cao, xã Suối Bu, có 30 hộ dân tăng thêm so với quy mô dự án nên không được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; 17 hộ gia đình tại nơi ở cũ có nhu cầu chuyển về nơi ở mới cũng rất khó bố trí do thiếu quỹ đất để mở rộng khu tái định cư.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thiên tai và sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, công trình nước sạch sinh hoạt cho 110 hộ dân trong thôn đã bị hư hỏng hơn 1 năm qua chưa được khắc phục dẫn đến thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, việc chuyển đổi nghề cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hỗ trợ.
Ông Hồ Đức Hợp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn cho biết: “Đối với những hộ dân dù đã nhận đất, nhận tiền hỗ trợ di chuyển nhưng chưa vào ở trong khu tái định cư, huyện sẽ thành lập các đoàn công tác đến từng hộ tuyên truyền, vận động; lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, giúp người dân yên tâm chuyển về nơi ở mới, ổn định sản xuất. Nếu các hộ dân ở trong vùng nguy hiểm, không chịu di chuyển trước mùa mưa bão đến, huyện sẽ tính đến việc phải cưỡng chế di chuyển để đảm bảo tài sản và tính mạng cho nhân dân”.
Kiến nghị xây dựng các khu dân xư xen ghép
Tại thị xã Nghĩa Lộ, qua rà soát vẫn còn 121 hộ dân nằm trong diện phải di dời nhưng hiện nay do khó khăn về quỹ đất nên địa phương không thể xây dựng tiếp khu tái định cư tập trung mà xây dựng các khu dân cư xen ghép. Thị xã đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè hai bên suối Thia để giúp các hộ dân ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Đến nay, tỉnh Yên Bái mới hoàn thành di chuyển 61% số hộ, như vậy còn trên 800 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai phải di dời trước mùa mưa bão năm 2014.
Tuy nhiên, do nhu cầu sắp xếp ổn định dân cư lớn nên việc bố trí vốn cho một số dự án còn dàn trải, dẫn đến bị kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bố trí dân cư theo hình thức xen ghép khó thực hiện do thiếu quỹ đất; việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện. Di dân ra khỏi vùng thiên tai là việc khó và đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chủ động rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhu cầu tái định cư để kiến nghị với Trung ương một cách chính xác, trên cơ sở tăng dần các khu tái định cư xen ghép, giảm dần các khu dân cư tập trung; rà soát, điều chỉnh lại quy mô một số dự án cho phù hợp với nhu cầu thực tế trên cơ sở tăng diện tích đất sản xuất cho nhân dân, các dự án mới cần đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Nhà nước; tăng cường kiểm tra, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các dự án, tránh lãng phí.
Việc hỗ trợ Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193 được thay thế bằng Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 với mức hỗ trợ kinh phí cao hơn, trong đó tập trung hỗ trợ mở rộng diện tích đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tái định cư, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và củng cố quốc phòng - an ninh.
Hà Anh - Hà Linh
Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014
[TT: PLN]