Giảm nghèo bền vững đến năm 2020 tại tỉnh Phú Thọ

10:05 26/11/2014 Lượt xem: 490 In bài viết

Trong thời gian tới để giảm nghèo bền vững tỉnh Phú Thọ cần thực hiện những giải pháp cụ thể sau:

Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo

Trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ dịch vụ sản xuất cho hộ nông dân nghèo cần thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông – công nghiệp – dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn, gắn sản xuất hàng hóa với thị trường tiêu thụ. Hướng dẫn và hỗ trợ cho người nông dân xây dựng thương hiệu các loại nông phẩm đặc sản của tỉnh như bưởi Đoan Hùng, bưởi Lã Hoàng, hồng Hạc Trì, hồng Gia Thanh cá Anh Vũ, cá lăng sông Lô, sông Thao, cá cháy Thanh Ba, rau sắng Tân Sơn, rêu đá Thanh Sơn, vịt suối Tân Sơn…

Gắn giảm nghèo bền vững thông qua phát triển kinh tế lâm nghiệp, tạo việc làm cho người nghèo. Trong đó, nâng mức hỗ trợ giao khoán, bảo vệ rừng phòng hộ để người dân có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Gắn lợi ích kinh tế với trách nhiệm nhằm nâng cao ý thức trồng và bảo vệ rừng cho người dân tại các huyện, xã có diện tích rừng lớn. Xây dựng chính sách khuyến khích các hộ gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ rừng như: hỗ trợ cây giống, phân bón và một phần công chăm sóc, được hưởng toàn bộ sản phẩm khi khai thác rừng trồng nhưng sau khai thác hưởng lợi phải trồng lại rừng ngay trong năm tiếp theo.

Đặc biệt quan tâm phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, rà soát, bổ sung một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục các nghề tiểu thủ công truyền thống như: nghề may nón lá từ lá cọ tại xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê; nghề mộc tại Thanh Sơn, đồ gỗ mỹ nghệ tại Lâm Thao, mây tre đan, gốm sứ, may mặc… Khuyến khích đầu tư các cơ sở tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cơ sở chế biến nông, lâm sản, tạo việc làm cho người nghèo đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho các mặt hàng nông sản của địa phương.

Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, cần nâng cao chất lượng lao động thông qua các hình thức hỗ trợ kinh phí bổ túc văn hoá bao gồm học phí, tài liệu học tập. Hỗ trợ chi phí đào tạo và làm thủ tục để lao động nghèo có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động. Cho vay ưu đãi đối với các cơ sở đào tạo người đi xuất khẩu lao động để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới phòng học, trang bị máy móc thiết bị phục vụ cho nhu cầu đào tạo lao động.

Đối với Chương trình 135 ở các xã, thôn, bản ĐBKK, cần tăng mức vốn đầu tư hàng năm để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng thời hạn hoặc sớm hơn so với mục tiêu chương trình 135. Bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo không thuộc Chương trình 135. Cải tạo, sữa chữa, nâng cấp hoặc xây mới các công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã nghèo để đảm bảo nhu cầu của người dân. Sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách hàng năm bao gồm vốn cân đối ngân sách địa phương và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ các chương trình, dự án, vốn ODA để ưu tiên đầu tư cho xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp ở các bậc học. Tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, hình thành trung tâm dạy nghề tổng hợp cấp huyện để tổ chức dạy nghề tại chỗ cho lao động nông thôn. Đào tạo cán bộ tại chỗ, trong đó ưu tiên đào tạo cán bộ y tế, khuyến nông, lâm ngư, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… đối với con em các hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự là người của địa phương. Duy trì phát triển đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề tại gia đình, tại cơ sở sản xuất hoặc các làng nghề, nhất là trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp vốn là nghề truyền thống của địa phương, đây là cách đào tạo nghề trực tiếp, vừa đỡ tốn kém về chi phí đào tạo, học nghề.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ tại các huyện, xã nghèo:

Bố trí và tăng cường cán bộ chuyên môn cho các huyện nghèo, triển khai các dự án giảm nghèo hiệu quả, chuyển đổi nhận thức cho người nghèo. Thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh về công tác tại các huyện, xã nghèo trong thời hạn từ 3 – 5 năm với các chế độ ưu tiên cụ thể.

Bố trí cán bộ giảm nghèo và thành lập các tổ công tác của tỉnh giúp các huyện triển khai thực hiện đề án giảm nghèo trên địa bàn. Bố trí từ cấp xã trở lên mỗi xã 01 cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo, được hưởng lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm theo quy định.

Thành lập các tổ công tác thuộc biên chế của huyện và tăng cường của tỉnh (mỗi tổ từ 3 – 5 người) để giúp các xã tổ chức, triển khai các hoạt động giảm nghèo. Đồng thời, thu hút, khuyến khích lực lượng tri thức trẻ tình nguyện về tham gia tổ công tác tại các huyện, xã nghèo.

Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo:

Các hộ nghèo đang sinh sống trên địa bàn các xã, thôn bản nghèo khi vay vốn tại các Ngân hàng thương mại nhà nước sẽ được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra các hộ nghèo này còn được hưởng ưu đãi khi vay vốn tại các Ngân hàng Chính sách xã hội, mức lãi suất có thể giảm tới 0% để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc đầu tư nhà xưởng, máy móc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Thực hiện vay vốn tín dụng ưu đãi đối với các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, là con em các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai hình thức cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương.

Huy động và sử dụng nguồn lực:

Trước hết cần tập trung khai thác mọi tiềm năng của tỉnh trên cơ sở phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, hình thức sản xuất kinh doanh đa dạng, đan xen và hỗ trợ nhau, hình thành thị trường thống nhất và linh hoạt. Bên cạnh đó tìm kiếm sự ủng hộ, giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… Phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cũng như các nguồn viện trợ khác vào các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, nâng cao mức sống cho người nghèo.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng:

Thông tin đầy đủ tới người dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, đảm bảo tính công khai, minh bạch và dân chủ. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp, ban ngành, cá nhân phụ trách trong triển khai công tác giảm nghèo. Tăng cường sự tham gia của người dân vào các chương trình, dự án từ việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả đạt được sau khi đưa vào sử dụng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Thiết lập hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá phù hợp với từng cấp và từng địa phương. Đa dạng hoá các hình thức giám sát, đánh giá, trong đó tập trung coi trọng sự giám sát và đánh giá của người dân.

Xây dựng chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các trang trại đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện nghèo. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác đạt hiệu quả năng suất cao và phù hợp với điều kiện của những huyện nghèo. Xây dựng và phát triển các Quỹ vì người nghèo, Quỹ tình thương, phong trào “Nhà đại đoàn kết” thu hút các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đóng góp hỗ trợ người nghèo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm nghèo:

Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa và mục đích của công tác giảm nghèo bền vững.

Nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên thoát nghèo cho những hộ gia đình nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của công tác giảm nghèo bền vững. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo hiệu quả tới từng xã nghèo, hộ nghèo. Tổ chức các buổi hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về phương thức sản xuất kinh doanh, cách sử dụng vốn vay hiệu quả…

Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững:

Rà soát và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, xã nghèo theo hướng đồng bộ, hiệu quả, thiết thực và kịp thời.

Tăng cường phân cấp và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng cá nhân, bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo bền vững. Cơ chế phân bổ nguồn lực công bằng và có tính khuyến khích cao, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án.

Để hoàn thành mục tiêu đưa Phú Thọ ra khỏi tình trạng nghèo, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng các nhóm giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý phối hợp linh hoạt các giải pháp, tận dụng những cơ hội và vượt qua những khó khăn thách thức nhằm đạt được thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.


Lương ngọcThạch
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ
(Tạp chí Dân tộc số 165, tháng 9/2014)

[NNL: DTH]