Cách làm hay của Cẩm Khê
09:30 26/11/2014 Lượt xem: 374 In bài viếtCẩm Khê là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ có 30 xã và 01 thị trấn, trong đó 2/3 diện tích tự nhiên là đồi núi. Toàn huyện có 15 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (khu vực III), có 9 xã và 35 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Do tốc độ phát triển kinh tế chậm nên Cẩm Khê là huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ và được thụ hưởng đầu tư từ các Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135...
Xác định đây là nguồn lực của Nhà
nước đầu tư cho huyện, nhằm mục đích phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời
sống của nhân dân, xoá đói giảm nghèo bền vững, Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân huyện đã họp, thống nhất ban hành các Nghị quyết thực hiện nhiệm
vụ xây dựng hạ tầng cơ sở trong Chương trình Giảm nghèo bền vững và Chương trình
135 trên địa bàn.
Với phương châm “Tận dụng những vật liệu sẵn có ở trong dân”, ngay khi lên dự
toán xây dựng các công trình, toàn bộ nguyên vật liệu được đều được tính toán sử
dụng từ các cơ sở sản xuất thủ công hoặc nguyên liệu có sẵn trên địa bàn. Vì vậy
giá thành giảm rất nhiều so với thực tế, đồng thời vừa bảo đảm cung cấp nguyên
liệu, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Chủ trương này của huyện
nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất cao của chính quyền cơ sở và nhân dân địa
phương. Trong quá trình thi công công trình, chính quyền và nhân dân ở cơ sở đã
bầu ra một ban giám sát do chính trưởng thôn, xóm, khu dân cư làm trưởng ban.
Ban giám sát thay mặt toàn thể khu dân cư kiểm tra, giám sát quá trình thi công
và chất lượng công trình. Nhờ sự giám sát chặt chẽ của Ban Giám sát mà các công
trình xây dựng đều đảm bảo chất lượng.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, phương châm và các thức triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở của Cẩm Khê là cách làm hay. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho phổ biến và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay, toàn huyện có 7
nhà văn hoá được xây dựng mới, là nơi phổ biến các chủ trương, chính sách pháp
luật của Nhà nước và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Hàng trăm
km đường bê tông liên khu, liên xóm, liên xã được xây dựng, tu bổ và cải tạo lại,
đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn. Nhờ có hàng trăm km hệ thống
kênh mương, kênh thủy lợi được đầu tư xây dựng trên tất cả các xã mà năng suất
lúa của bà con đều tăng sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù ở gần sông,
nhưng những năm trước khi không có hệ thống kênh mương nội đồng, tình trạng hạn
hán vẫn thường xuyên xẩy ra. Đến nay, tình trạng này đã chấm dứt nhờ có hệ thống
kênh mương được đầu tư xây dựng từ chủ trương chính sách xoá đói giảm nghèo bền
vững và Chương trình 135 của Chính phủ.
Cẩm Khê hôm nay đã thay da đổi thịt. Nguồn nhân lực ở đây rất dồi dào nhưng chưa
hấp dẫn được doanh nghiệp đến xây dựng phát triển công nghiệp. Đường cao tốc Hà
Nội – Lào Cai đã được thông tuyến qua địa bàn, rất thuận tiện cho việc vận
chuyển hàng hoá. Đây là một lợi thế rất lớn đối với các doanh nghiệp đến với Cẩm
Khê. UBND huyện đang xây dựng các chính sách và kêu gọi các nhà đầu tư đến với
Cẩm Khê để phát triển kinh tế. Đất và người Cẩm Khê đang mong chờ những nhà đầu
tư đó.
Hà Đức Huynh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Khê - Phú Thọ
(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
[NNL: DTH]