Tỉnh ủy Bắc Giang tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế

10:44 08/06/2015 Lượt xem: 441 In bài viết

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015, đặt ra mục tiêu: Đưa Bắc Giang vượt qua tình trạng chậm phát triển trước năm 2015 và trở thành tỉnh trung bình khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định xã hội.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 11-12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người 1.315-1.380 USD/năm. Thu ngân sách 2.300 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu 800 triệu USD. Vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 80 nghìn tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt 620 nghìn tấn. Giải quyết việc làm mới cho 27 nghìn lao động/năm; 50% lao động qua đào tạo. Hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 20%.

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 Chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đó là: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp-dịch vụ; Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị; Nâng cao chất lượng dạy nghề, phát triển du lịch. Đồng thời đề ra 11 nhiệm vụ để tập trung thực hiện.

Theo đó, Tỉnh ủy Bắc Giang không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo với yêu cầu cụ thể trên các lĩnh vực, đảm bảo những bước đi vững chắc, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đã coi trọng và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các ban đối với cấp ủy cấp dưới trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết nên đã kịp thời nắm bắt những phát sinh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở để có những biện pháp giải quyết phù hợp trong quá trình thực hiện.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chọn lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới và nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Tam nông), đặc biệt là nông nghiệp, một thế mạnh đã được khẳng định của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Với 90% cư dân sinh sống ở nông thôn, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm trên 32% trong cơ cấu GDP của tỉnh, là nền tảng cho ổn định xã hội và phát triển bền vững, là cơ sở để công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tỉnh uỷ Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 145-NQ/TU về xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2015: 20% tổng số xã (40 xã) đạt xã nông thôn mới; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản còn 56%, thu nhập của người dân nông thôn gấp 1,8 lần trở lên so với hiện nay.

Với những lợi thế, nằm ở trung tâm các khu công nghiệp lớn và gần thủ đô Hà Nội; có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông đồng bộ; có một số cây, con đặc sản là thế mạnh; có rừng và một số sản vật rừng giá trị... là yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của nông dân. Trong những năm gần đây, Bắc Giang đã khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động kết hợp với sự đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn lực sẵn có, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp đã dần tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có giá trị, có vị thế trên toàn quốc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với tổng diện tích gieo trồng 104.711 ha, trong đó diện tích lúa 53.785 ha, năng suất đạt bình quân 58 - 59 tạ/ha. Có các vùng sản xuất lúa thâm canh cao tập trung ở các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên. Diện tích ngô 7.770 ha, năng suất bình quân 38 tạ/ha. Vùng cây ăn quả với diện tích 43.500 ha, sản lượng quả đạt hơn 276.670 tấn. Trong đó chủ lực là vải thiều 33.000 ha, đạt giá trị gần 10 nghìn tỷ/năm, tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Thế. Cây lạc được xác định là cây hàng hóa thế mạnh của nhiều huyện, nhất là cây lạc đông, giá trị kinh tế thường gấp từ 2 đến 3 lần so với cây ngô đông truyền thống. Đã hình thành vùng sản xuất lạc giống khá ổn định và lớn nhất trong các tỉnh phía Bắc, cung cấp nguồn giống chủ lực cho vụ xuân của địa phương và các tỉnh lân cận, nhất là các tỉnh khu vực miền Trung. Lĩnh vực chăn nuôi có quy mô, giá trị sản phẩm ngày càng tăng. Tổng đàn lợn đạt 1,11 triệu con; đàn gia cầm 13,75 triệu con; đàn trâu hơn 61 nghìn con; đàn bò 128,42 nghìn con. Trong đó thương hiệu gà đồi Yên Thế đạt 4-5 triệu con/năm, quy mô mỗi trang trại, gia trại nuôi gà phổ biến từ 500 đến 3.000 con. Yên Thế là huyện có đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc. Bắc Giang là một trong những tỉnh có nhiều mô hình sản xuất trang trại, gia trại lớn nhất nước với trên 5000 mô hình.

 Những kết quả đạt được trong chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng Nông thôn mới đã phản ánh khá rõ nét hình thái kinh tế ở khu vực này. Sau 3 năm, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt giá trị 22.422 tỉ đồng, tăng 5,5% so với năm 2012; tỷ trọng cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực: Chăn nuôi chiếm 52,5%; trồng trọt 43,2%; dịch vụ 4,3%. Sản lượng lương thực có hạt 620 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt 29.000 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp đạt 60 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 36,2%. Đã thực hiện dồn điển, đổi thửa 1.941 ha. Đã triển khai thực hiện được 36 cánh đồng mẫu có diện tích từ 20 đến 40 ha. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã có 02 xã đạt 19 tiêu chí; 25 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo còn 11%. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân khu vực nông thôn đã được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.100USD/năm, tăng 19,5% so với năm 2012; các dịch vụ công cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu an sinh xã hội. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn được quan tâm giải quyết từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và tiêu thụ nông sản. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là lao động nông thôn có trình độ, có kỹ năng còn hạn chế nhưng kết quả đạt được trong nông nghiệp và phong trào xây dựng Nông thôn mới của tỉnh thực sự là điểm tựa, là động lực cho các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Để tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò điểm tựa trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Bắc Giang nghiên cứu xây dựng chiến lược tái cơ cấu toàn diện theo hướng tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản; duy trì phát triển quy hoạch, đề án, chính sách đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện có trên cơ sở rà soát điều chỉnh phù hợp theo từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương cụ thể. Trước hết thay đổi cách tiếp cận, cách làm “chiến lược phát triển nông nghiệp xuất phát từ nguyện vọng của người dân”, ưu tiên phát triển theo quy hoạch, điều chỉnh cơ chế, chính sách thuận lợi nhất cho các địa phương. Trong trồng trọt, hỗ trợ cho các xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ 15ha trở lên, sản xuất giống tiến bộ, phù hợp với khí hậu, nông hóa thổ nhưỡng để ứng dụng vào sản xuất. Từ thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho thấy, chú trọng phát huy thế mạnh vùng, như vùng vải thiều Lục Ngạn, lúa thơm Yên Dũng, vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên), gà đồi Yên Thế, nấm, rau quả sạch Lạng Giang. Hay gần đây là việc “dồn điền đổi thửa”, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã mang lại một sắc thái mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn của các khu vực nói trên. Một số ngành nghề khác như chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, thủy sản cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn, trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được các nghị quyết của Tỉnh ủy nhất là Nghị quyết số 145-NQ/TU về xây dựng Nông thôn mới đề ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của nông nghiệp trong tỉnh, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo chuyển phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị và thu nhập; thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các thành phần kinh tế-xã hội từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò của các tổ chức, cộng đồng nhất là của nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư công nghệ và thiết bị đổi mới quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh đào tạo, sử dụng lao động có trình độ... để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bắc Giang thực sự là nền tảng, là “điểm tựa” vững chắc trong phát triển đối với nền kinh tế của địa phương.

Đỗ Xuân Bình
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy
(Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)
[NNL: DH]