Đổi mới trong thực hiện chính sách dân tộc ở Lào Cai

10:42 08/06/2015 Lượt xem: 1074 In bài viết

Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ nhất, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và giành được những kết quả quan trọng, nổi bật là hàng năm, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 29,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh (4-5%/năm), đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS của tỉnh là 51.488 hộ, chiếm 36,27%; năm 2013, đã giảm xuống còn 29.732 hộ (giảm 16,27%). Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh gồm: Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát... một số dân tộc có tỷ lệ giảm nghèo nhanh như Giáy, Dao, Tày...

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi như: hộ ông Phàn A Bồng, dân tộc Dao ở xã Vạn Hòa (TP. Lào Cai) với mô hình kinh tế trang trại mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng; hộ ông Làn Mậu Thành, dân tộc Bố Y ở thị trấn Mường Khương trồng quýt ngọt mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; hộ ông Lò Tu San, dân tộc Xa Phó ở xã Nậm Sài, huyện Sa Pa với 5 ha cây thảo quả mỗi năm cho thu nhập trên 80 triệu đồng; ông Lý Láo Lở ở Tả Phìn, huyện Sa Pa thành lập Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa tạo việc làm cho 72 hộ gia đình trong xã; Công ty TNHH một thành viên Sa Pa Ô Châu của hộ bà Tẩn Thị Su, dân tộc Mông đang hỗ trợ nuôi 35 em học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn đi học và 9 em theo học đại học, cao đẳng...

Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư. Mỗi năm tỉnh dành từ 65-70% nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã huy động các nguồn lực gần 8.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 117/144 tuyến đường cấp xã được nâng cấp rải nhựa; 2.090/2.203 thôn bản, tổ dân phố có đường ô tô, xe máy; 100% xã có điện lưới quốc gia; 87,6% thôn bản và 89% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 50 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; trường, lớp học tiếp tục được chú trọng đầu tư, từng bước tăng cường theo hướng kiên cố, chuẩn hóa; tỷ lệ phòng học được kiên cố toàn tỉnh đạt 61,6%; toàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được chú trọng. Thời gian qua, Lào Cai đã tiến hành sưu tầm hiện vật, bảo tồn các lễ hội truyền thống góp phần tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa. Hiện đã có hơn 187 hiện vật là trang phục, các công cụ, dụng cụ của dân tộc Bố Y, Hà Nhì, La Chí được sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; bảo tồn và duy trì 6 lễ hội tiêu biểu: Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội Xuống đồng của người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ hội Tạ ơn trâu (Sừ dề pà) của người Bố Y, Lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ hội "Gặt Tu Tu" của người Hà Nhì đen ở Y Tý (Bát Xát). Chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” không ngừng được đẩy mạnh (năm 2013 toàn tỉnh có 58.972 “Gia đình hiếu học”, 182 “Dòng họ hiếu học”). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được củng cố, phát triển; cơ sở vật chất các bệnh viện từng bước được hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở; nhân lực y tế được tăng cường, bổ sung cán bộ có trình độ cao, trong đó có đội ngũ y, bác sỹ là người DTTS.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, những kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội của vùng Tây Bắc. Bài học kinh nghiệm được rút ra trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc, đó là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân tộc trong tình hình mới; đa dạng các nguồn lực và ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu nhằm đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tập trung nâng cao trình độ dân trí; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người DTTS đảm bảo tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong hệ thống chính trị các cấp, góp phần nâng năng lực hoạt động của chính quyền cơ sở, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho lao động là người DTTS; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc. Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết về công tác tại vùng dân tộc; phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở...

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ II đã thông qua Quyết tâm thư thể hiện sự đồng thuận cao vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vùng DTTS. Trong 5 năm tới, Lào Cai sẽ tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các chính sách dân tộc; xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch dài hạn chỉ đạo công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số; tập trung phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số, đảm bảo tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp của tỉnh... Phấn đấu đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019, tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc, toàn tỉnh không còn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số đói, nghèo, không còn nhà dột nát...

Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai quyết tâm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, ra sức thi đua, hăng hái lao động sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Bài và ảnh: Lý Mười -Thương Huyền
(Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)
[NNL: DH]