Nậm Nhùn: phát huy lợi thế huy động tổng lực để phát triển
10:32 09/06/2015 Lượt xem: 1273 In bài viếtKhi mới thành lập, Nậm Nhùn đứng trước hàng loạt những khó khăn cần phải giải quyết. Huyện có 11 xã, thị trấn thì 9 xã thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất tạm bợ; hệ thống giao thông, thuỷ lợi kém phát triển. Đội ngũ cán bộ công chức thiếu và yếu, hàng chục cán bộ cấp xã trình độ chưa qua tiểu học. Tình hình an ninh nông thôn của huyện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; nhiều xã như Nậm Ban, Nậm Pì, Trung Trải tồn tại các hoạt động tôn giáo trái phép, tuyên truyền nhà nước Mông; nhiều điểm ma tuý phức tạp thuộc các xã như Lê Lợi, Mường Mô, Hua Bum…” (đồng chí Lê Đức Dục, Bí thư Huyện uỷ Nậm Nhùn chia sẻ).
“Phải làm thế nào để đồng bào được hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn” là trăn trở không chỉ của Bí thư Huyện ủy Lê Đức Dục mà còn là của toàn thể Ban Lãnh đạo huyện Nậm Nhùn. Từ các nguồn lực của địa phương và trung ương, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các cấp tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất. Trong đó tập trung vào việc nâng cấp hệ thống giao thông liên xã, giao thông nội bản; tu sửa và làm mới các công trình thuỷ lợi; kiên cố hoá trường lớp học; tu sửa nâng cấp hệ thống các trạm y tế… Đồng thời tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa giống cây, con và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập và đảm bảo đời sống cho nhân dân… Cùng với đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân góp đất trồng cây cao su. Hiện toàn huyện có tổng diện tích hơn 1.800 ha cây cao su, dự kiến cho thu hoạch vào năm 2017. Tại các xã Nậm Pì, Nậm Hàng, Pú Đao, Lê Lợi, bà con đã tích cực góp đất trồng cây cao su và được nhận vào Công ty cao su làm công nhân. Toàn huyện có gần 4.200 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, số tiền 01 hộ được hưởng lợi trung bình trong 02 năm 2012-2013 gần 9 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập để bà con đầu tư phát triển sản xuất, mua sắm vật dụng gia đình cũng như giải quyết khó khăn về lương thực thời kỳ giáp hạt. Huyện cũng đã vận động bà con thực hiện xây dựng “ba cứng” (cột-nền-mái) từ nguồn thu này.
Phát huy thế mạnh đồng cỏ và mặt nước lòng hồ thủy điện, sông, suối, bà con các dân tộc trong huyện còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đã có nhiều mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập từ 40 - 120 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được huyện chú trọng. Nậm Nhùn đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 10/10 xã. Đến nay, toàn huyện có 03 xã đạt 8-10 tiêu chí, 06 xã đạt 5 - 6 tiêu chí, 01 xã đạt dưới 05 tiêu chí. Nhân dân đã tình nguyện góp ngày công cùng với nhà thầu để xây dựng đường giao thông nội bản.
Là huyện biên giới nghèo của tỉnh Lai Châu, sau gần 2 năm thành lập, Nậm Nhùn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người từ 8,5 triệu đồng năm 2013 lên 10 triệu đồng/người (năm 2014); lương thực bình quân trên đầu người tiếp tục được đảm bảo trên 360 kg/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48,3% năm 2013 xuống còn 42,8%; 58% số bản có đường xe máy đi lại thuận tiện, y tế giáo dục được đảm bảo; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 38% lên 43%...
Có được kết quả đó là nhờ vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân các dân tộc trong huyện. Theo đồng chí Lê Đức Dục thì: nhân tố con người có mạnh, an ninh chính trị có ổn định thì mới có thể tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì vậy, cùng với việc xây dựng Chương trình hành động để cụ thể hoá kết luận số 864 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ như một Nghị quyết Đại hội về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2013 - 2015; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề và các chương trình hành động cụ thể. Trong đó đặc biệt là Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2013-2015 và Nghị quyết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2013-2020. Từ những Nghị quyết, chương trình hành động nêu trên, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh, chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; củng cố chính trị địa phương, đưa cán bộ huyện về các xã tăng cường…
Tuy nhiên, hiện nay huyện Nậm Nhùn vẫn còn khó khăn phải tiếp tục giải quyết như: trình độ dân trí thấp; tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia; hạ tầng kinh tế kỹ thuật còn thiếu; diện tích đất sản xuất ít và manh mún… Để tiếp tục phát triển ổn định, thời gian tới Đảng bộ huyện Nậm Nhùn sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện tốt các chương trình, Nghị quyết đã đề ra. Trong đó xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung như: Mở rộng diện tích đất sản xuất; tăng cường giữ rừng; giữ vững an ninh; củng cố hệ thống chính trị cơ sở và củng cố đội ngũ cán bộ công chức viên chức các cập. Huyện tiếp tục xác định kinh tế Nông nghiệp là chủ lực. Cùng với việc huy động tối đa nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp, huyện cũng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như phát triển cây cao su, phát triển các mô hình cây trồng đa mục đích như sơn tra, mắc ca; nghiên cứu đưa các mô hình chăn nuôi đại gia súc và mô hình chăn nuôi mặt nước. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, chăm lo giáo dục y tế…
Với những bước đi vững chắc, cùng với lộ trình cụ thể, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong huyện, tin rằng huyện Nậm Nhùn sẽ tiếp tục khởi sắc, thực hiện thành công công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh - quốc phòng.
Kiều linh
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]