Thực hiện công tác dân tộc ở Thái Nguyên
03:08 09/06/2015 Lượt xem: 1778 In bài viếtThái Nguyên là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng trong thời kỳ kháng chiến. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện; diện tích tự nhiên hơn 3.541 km2, dân số hơn 1,1 triệu người với 46 dân tộc, trong đó 45 dân tộc thiểu số có khoảng 300 nghìn người, chiếm 27% dân số cả tỉnh. Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng cao, trên một địa bàn rộng lớn chiếm 90% diện tích toàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và giành được những kết quả quan trọng. Diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,72%. Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống.
Công tác giáo dục đào tạo luôn được các địa phương miền núi, vùng cao quan tâm, phát triển cả về loại hình và quy mô, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, có 101/143 xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 80/143 xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; 460/663 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi được quan tâm. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đúng kế hoạch. Hết năm 2014, dự kiến có 52/143 xã đạt chuẩn mới về y tế; 180 trạm y tế cấp xã đã sử dụng phần mềm khám chữa bệnh và quản lý y tế tuyến xã.
Lĩnh vực văn hoá, du lịch vùng DTTS và miền núi thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhất là việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống.
Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi của tỉnh cơ bản ổn định. Các hoạt động tuyên truyền đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào DTTS diễn ra thường xuyên. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp đã tập trung hướng dẫn đồng bào tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Từ đó đẩy mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Từ những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2009-2014, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ II vừa được tổ chức thành công đã thông qua Quyết tâm thư, khẳng định: Đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm một lòng đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nguyện tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; đảm bảo nguyên tắc “bình đẳng; đoàn kết; tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, chung sức, chung lòng cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo, truyền thống đoàn kết, yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sát cánh cùng đồng bào cả nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Hoàng Anh
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]