Đổi mới, sáng tạo trong công tác ủng cố tổ chức cơ sở Đảng ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang

10:40 09/06/2015 Lượt xem: 964 In bài viết

Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc (10 đảng bộ huyện, thành phố; 05 đảng bộ trực thuộc); 835 tổ chức cơ sở đảng (492 chi bộ cơ sở, 343 đảng bộ cơ sở), 4.264 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 73.359 đảng viên. Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy Bắc Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là công tác củng cố, đổi mới hoạt động của đảng bộ cơ sở và chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Theo đó, Tỉnh uỷ Bắc Giang tập trung củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng năm trước, rà soát những tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở xuống còn có mặt hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở xác định cụ thể nguyên nhân yếu kém, chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác do đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo từng tổ chức cơ sở đảng xây dựng lộ trình, biện pháp, trách nhiệm cụ thể để khắc phục yếu kém. Đồng thời, lựa chọn cán bộ ở các cơ quan, ban, ngành của tỉnh có năng lực, kinh nghiệm tăng cường cho cơ sở đảng yếu kém.

Để nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các đảng bộ cơ sở và từng chi bộ rà soát, phân loại, nắm chắc số trưởng, phó thôn chưa là đảng viên có phẩm chất, năng lực, có khả năng, triển vọng tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; phân công đảng viên có kinh nghiệm giúp đỡ, hướng dẫn và thường xuyên đánh giá kết quả rèn luyện, phấn đấu đối với những trường hợp cụ thể. Các chi bộ lựa chọn giới thiệu đảng viên tham gia ứng cử trưởng, phó thôn và trực tiếp lãnh đạo việc bầu cử trưởng, phó thôn. Điều chỉnh nhiệm kỳ trưởng thôn phù hợp với nhiệm kỳ đại hội chi bộ thôn theo hướng chi bộ đại hội trước sau đó kiện toàn trưởng, phó thôn.

Đã chỉ đạo cấp uỷ cấp huyện định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, kỹ năng điều hành chi bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ; thực hiện đúng quy định về sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần; triển khai việc đăng ký nội dung sinh hoạt chuyên đề của chi bộ với cấp uỷ cấp trên; định hướng, lựa chọn chuyên đề có nội dung sát hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo cấp uỷ cấp trên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ; phân công các đồng chí cấp uỷ viên và cán bộ, công chức các ban xây dựng đảng định kỳ đến dự sinh hoạt với chi bộ trên địa bàn phụ trách, thông qua đó nắm tình hình, hướng dẫn và rút kinh nghiệm để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ thiết thực nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Nhìn lại kết quả những năm gần đây cho thấy quá trình tập trung củng cố, khắc phục yếu kém của các tổ chức cơ sở đảng đã có bước chuyển mạnh mẽ. Bước chuyển mạnh mẽ đó càng được thúc đẩy bởi sự tác động từ việc Tỉnh ủy Bắc Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng những biện pháp kiên quyết bãi nhiệm, miễn nhiệm những cán bộ chủ chốt không hoàn thành nhiệm vụ tại một số xã đã tác động tích cực đến các địa phương còn lại.

Câu chuyện củng cố tổ chức cơ sở đảng tại 8 xã vùng cao của Đảng bộ huyện Lục Ngạn với số lượng 12 cán bộ trong đó có 2 Bí thư, 2 Thường trực, 1 Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bị cách chức, thôi chức, 7 cán bộ khác phải luân chuyển trở thành đề tài được nhắc đến nhiều trong gần 2 năm qua. Từ năm 2012 trở về trước, tình hình an ninh trật tự ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của Lục Ngạn có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều hộ dân cố tình chống đối việc di dời tái định cư. Vụ việc vi phạm luật đất đai, lấn chiếm đất công, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản liên tiếp diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó một số cán bộ xã, thôn năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, có cán bộ xã và người nhà cũng vi phạm luật đất đai, tham gia khai thác tài nguyên dẫn đến việc “nể nang” không giải quyết, kéo theo một số hộ khác cùng vi phạm. Nghiêm trọng nhất là ở 5 xã: Sa Lý, Phong Vân, Kim Sơn, Tân Hoa, Phong Minh.

Đồng chí La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Lục Ngạn, trao đổi: Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch 28-KH/HU thể hiện sự nhất quán của Thường vụ Huyện ủy cũng như Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trong việc củng cố các Đảng bộ yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Từ kế hoạch 28-KH/HU, Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 314-QĐ/HU ngày 3/2/2012 thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, thường trực thực hiện kế hoạch củng cố các đảng bộ yếu kém. Triển khai các nội dung: Công tác tư tưởng, chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy, điều hành của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, hoạt động của đoàn thể và tập trung giải quyết những vướng mắc, bức xúc ở địa phương; Củng cố nề nếp hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ…

Đồng chí Sầm Văn Hòi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hoa, nhớ lại: Thời điểm năm 2010-2011, xã Tân Hoa là điểm nóng trong công tác di dân tái định cư trường bắn TB1. Người dân không muốn chuyển đi nên có những hành động manh động, chống đối lực lượng chức năng, uy hiếp, đe dọa cán bộ xã. Nhiều đồng chí vì nể nang, vì ngại va chạm và sợ đã không làm tròn trách nhiệm. Tôi khi đó đã nghỉ công tác nhưng được Huyện ủy quyết định trở lại. Cùng với sự quyết liệt của lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, đội ngũ cán bộ của xã và ở các thôn từng bước được củng cố, Đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực. Kết quả, sau 2 năm yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, năm 2013, Đảng bộ xã Tân Hoa đạt trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong năm đầu tiên triển khai kế hoạch 28-KH/HU và Quyết định số 314-QĐ/HU, vẫn còn một số Đảng bộ xã chậm chuyển biến, tập thể Thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu hợp tác với tổ tăng cường của huyện, nặng tính cục bộ địa phương đã trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chính quyền từ xã đến thôn. Điển hình là Đảng bộ xã Sa Lý, công tác củng cố không đạt mục tiêu đề ra, gây nhiều khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy buộc Thường vụ Huyện ủy phải kỷ luật cả tập thể thường vụ, cách chức, thôi chức, điều chuyển công tác một số cá nhân, đồng thời tăng cường cán bộ cấp huyện xuống xã làm nhiệm vụ.

Những biện pháp quyết liệt của Huyện ủy Lục Ngạn là một trong những nhân tố quyết định đến kết quả nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong năm 2013, trong số các Đảng bộ thực hiện củng cố, có 37 chi bộ, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh; 10 chi đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng bộ yếu kém. Điều quan trọng là nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân cơ bản được giải quyết; ý thức trách nhiệm năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên; dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Còn tại huyện Yên Dũng, 3 xã là Tiền Phong, Hương Gián và Đồng Phúc nhiều năm không đạt trong sạch, vững mạnh cũng là vấn đề được quan tâm nhiều. Để khắc phục tình trạng này, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Dũng thành lập 3 tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ làm tổ trưởng tiến hành “củng cố”. Trên cơ sở nắm bắt thực tế, đánh giá tình hình, nhìn nhận yếu kém, khuyết điểm, tổ công tác yêu cầu đảng ủy các xã xây dựng kế hoạch khắc phục từng mặt hạn chế. Phương châm chỉ đạo chung là các xã chủ động củng cố còn tổ công tác định hướng về nội dung, trực tiếp hướng dẫn và giám sát, đôn đốc.

Ở những bộ phận yếu như “một cửa”, tài nguyên - môi trường, tài chính… tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; giao cho những cán bộ lãnh đạo có uy tín, kinh nghiệm chuyên môn trực tiếp giám sát các bộ phận này.

Khảo sát ở xã Tiền Phong cho thấy, sau khi củng cố, bộ phận “một cửa” được bố trí 6 cán bộ, trong đó có 5 đảng viên, nhờ vậy thủ tục hành chính được giải quyết đạt gần 100%, không còn tình trạng chậm muộn như trước. Bộ phận “một cửa” ở xã Đồng Phúc giải quyết 100% thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức có tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hơn.

Gần đây, 3 xã đã tập trung xử lý nhiều vấn đề cụ thể theo chỉ đạo của tổ công tác. Xã Đồng Phúc đã giải quyết 118 trường hợp khiếu nại liên quan đến đất đai kéo dài từ năm 1990. Những mâu thuẫn nội bộ ở chi bộ Dõng (Đảng bộ xã Hương Gián) cũng được khắc phục. Tại xã Tiền Phong, có hai trưởng thôn được kết nạp Đảng. Toàn xã không phát sinh đơn thư khiếu tại, tố cáo…

Kết quả bước đầu đạt được qua củng cố đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, tạo tiền đề cho 3 xã phát triển kinh tế, văn hóa, phấn đấu xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đó cũng là kinh nghiệm để thời gian tới, Huyện ủy Yên Dũng tiếp tục củng cố những mặt hạn chế, yếu kém ở một số chi, đảng bộ trực thuộc, tạo chuyển biến đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng.

 Nói về kết quả thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy về củng cố các đảng bộ, chi bộ yếu kém ở các huyện Lục Ngạn, Yên Dũng, đồng chí Đỗ Xuân Bình, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: Huyện ủy Lục Ngạn và Yên Dũng đã làm đúng những yêu cầu Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng giai đoạn 2011-2015" và đã có những kết quả khá tốt, một số công việc đã tạo được dấu ấn quan trọng. Từ kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong việc tổ chức củng cố ở Lục Ngạn, Yên Dũng sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để Tỉnh ủy đề ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Kim Nhung - Thương Huyền
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]