Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM: Tham mưu các nhiệm vụ có tính đột phá

03:10 09/06/2015 Lượt xem: 669 In bài viết

Tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7, Khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình trên địa bàn. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới - yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Tỉnh cũng đã tập trung triển khai các phong trào thi đua yêu nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới’’, toàn tỉnh thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới’’, phân nhóm tiêu chí để chỉ đạo, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

 Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh là gần 19 nghìn tỉ đồng, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn vay ODA, trái phiếu Chính phủ là 4.453 tỉ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư trên 583 tỉ đồng; vốn huy động đóng góp của các tổ chức, cộng đồng dân cư trên địa bàn là 1.275 tỉ đồng. Xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân cùng đóng góp tiền bạc, công sức, đất đai để tham gia kiến tạo bộ mặt nông thôn. Điểm sáng là Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn được nhân dân đồng tình ủng hộ. Riêng năm 2013, nhân dân đã đóng góp trên 100 tỉ đồng, 250 nghìn ngày công, hiến 210 nghìn m2 đất và nhiều tài sản trên đất như hoa màu, tường rào… để hoàn thành 380 km đường bê tông giao thông nông thôn. Vì thành tích đặc biệt xuất sắc này, có 01 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen cho 16 tập thể, 20 cá nhân đã có thành tích trong triển khai đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đến nay, cơ sở hạ tầng ở nông thôn ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, về cơ bản đã ứng nhu cầu phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế, sản xuất, tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Năm 2014, toàn tỉnh đã bê tông hóa 512 km đường GTNT. Về thủy lợi, toàn tỉnh có 439,185/957,8 km kênh mương do xã quản lý cần kiên cố hóa theo quy hoạch đã được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống điện nông thôn được cải tạo, nâng cấp mở rộng với tổng vốn là 287,582 tỷ đồng, chủ yếu là vốn ngành điện và vốn dự án, vốn vay nước ngoài. Tỉnh đã nâng cấp 3 trường THCS lên THPT, tăng số lượng trường đạt chuẩn và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT đạt 73%. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được tập trung đẩy mạnh, tạo việc làm mới cho 54.245 lao động, toàn tỉnh có 90,6% số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên còn nhiều khó khăn, trong đó công tác đánh giá mức độ đạt chỉ tiêu, tiêu chí giữa các sở, ban, ngành và địa phương chưa thống nhất; một số nơi, cán bộ và người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, thiếu tính chủ động, sáng tạo đề xuất cơ chế huy động nguồn lực trong cộng đồng; tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao…

Để khắc phục khó khăn và hoàn thành mục tiêu Chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ở Phú Yên tập trung vào các nhiệm vụ có tính đột phá, đó là: xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên và một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; tạo chuyển biến trong thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững nông nghiệp, nông thôn; .đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tình hình thực hiện ở cơ sở. Quan tâm bố trí ngân sách địa phương, đa dạng hóa huy động nguồn nhân lực để xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đa dạng chủ đề phát động thi đua cho từng thời kỳ và từng năm để thu hút sự tham gia đóng góp các nguồn lực cho Chương trình, phấn đấu đến cuối năm 2017, cơ bản giải quyết xong những khó khăn của tỉnh.

Phạm Hoài
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]