Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

10:36 09/06/2015 Lượt xem: 593 In bài viết

Số vụ vi phạm pháp luật bảo vệ, phát triển rừng ở tỉnh giảm mạnh, độ che phủ rừng tăng từ hơn 41% (năm 2011) lên gần 44% (năm 2014)... Tổng kinh phí đã chi trả (tính từ 1/1/2011 đến 31/12/2013) là trên 282 tỷ đồng... thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán được cải thiện, có hộ dân thu gần 48 triệu đồng/năm từ việc bảo vệ rừng; năm 2014, có xã thu hơn 63 triệu đồng/hộ/năm từ việc cung cấp dịch vụ môi trường rừng. Thực tế cho thấy, hiện nay người dân các địa phương trong tỉnh có rừng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Thu nhập từ rừng của người dân vùng có rừng cũng từng bước được cải thiện. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giảm đáng kể.

Theo ông Nguyễn Trọng Lịch, Giám đốc Ban Quản lý và Phát triển rừng Lai Châu, thì người dân ở nơi có rừng chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên việc được nhận tiền DVMTR không những giúp bà con có thêm thu nhập từ rừng, mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng lấn chiếm rừng làm nương, khai thác rừng trái phép. Tỉnh Lai Châu xác định phải vận động bà con sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn thu này. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Từ chỗ sử dụng nguồn thu từ chi trả DVMTR cho việc mua xe máy, lợp lại mái nhà… Đến nay, tại một số địa phương như Nậm Nhùn, Tam Đường, Mường Tè… bà con đã dùng nguồn thu này để cứng hóa chính ngôi nhà của mình, đầu tư cho con cái đi học hay mua cây giống để tiếp tục trồng rừng.

Theo giới thiệu của ông Lịch, chúng tôi đến Ka Lăng, một xã biên giới của huyện Mường Tè, địa phương được đánh giá triển khai hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch xã Pờ Pó Chừ cho biết, từ năm 2012 đến nay, có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống của các hộ dân trong xã đã có những đổi thay rõ rệt. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Có hộ đã được nhận số tiền lên đến 22 triệu đồng, bà con phấn khởi, không ngờ được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều như vậy. Có tiền, bà con đã mua giống, phân bón, máy xay sát phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình…

Ông Lù Cá Lòng ở bản Lò Má vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 khẩu, được nhận 13,2 triệu đồng, tôi dùng số tiền này đầu tư vào kinh doanh tạp hóa, đời sống đã đỡ khó khăn hơn, ơn Đảng nhiều lắm!”. Khác với hộ Lù Cá Lòng, anh Pờ Go Tư ở bản Me Giống khi nhận được gần 18 triệu đồng tiền bảo vệ rừng, đã đầu tư cho con ăn học. “Chúng tôi vui lắm, có tiền cho con gái đi học Trung cấp Hành chính Văn phòng tại tỉnh Điện Biên rồi, có trình độ sau này còn làm cán bộ”.

 Khi bà con ở tỉnh Lai Châu nhận thức được giữ rừng sẽ gắn với lợi ích, thì đồng bào hiểu giá trị của rừng, từ đó có ý thức cao trong việc khoanh nuôi bảo vệ, để phát triển kinh tế từ rừng, nâng cao đời sống.

Uyên Linh
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]