Một số bất cập trong thưc hiện các dự án tái định cư thủy điện và giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số

10:24 09/06/2015 Lượt xem: 905 In bài viết

Di dân tái định cư các dự án thủy điện và những vấn đề nổi cộm

Quá trình di dân tái định cư phục vụ các dự án thủy điện đã làm nảy sinh nhiều bất cập, bức xúc trong xã hội. Do đặc thù các dự án này phần lớn được xây dựng ở khu vực miền núi nên gây ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư nghèo mà hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là các biến động về đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường của cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời trong khu vực dự án.

Vấn đề nổi cộm
Sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định còn nhiều hạn chế và nhìn chung mang tính hình thức. Công tác đền bù, bồi thường chưa công bằng và không hợp lý, gây tâm lý không hài lòng của người dân. Các chính sách đền bù hiện nay chưa xét đến các tổn thất về vốn xã hội, tri thức bản địa, khả năng kết nối với các đối tác trong kinh tế của các hộ. Hỗ trợ hậu tái định cư phần lớn mang tính ngắn hạn, mức thấp trong khi quá trình ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất cần các hỗ trợ dài hạn. Hiệu quả và chất lượng của các nhóm hỗ trợ còn thấp trong khi những hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống và phát triển bền vững còn thiếu. Các hỗ trợ chuyển đổi nghề hay đa dạng hóa sinh kế cho người dân còn hạn chế và ít thành công. Nhiều hỗ trợ đã được chủ đầu tư cam kết nhưng không thực hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân. Thiết kế và triển khai chương trình tái định cư chưa xem xét đến phong tục, tập quán, văn hóa của các cộng đồng bị ảnh hưởng. Công trình hạ tầng tại khu tái định cư chưa được xây dựng hợp lý và nhanh xuống cấp. Thiếu đất sản xuất và chất lượng thấp, không tương đồng với đất sản xuất ở nơi ở cũ. Các hoạt động, nguồn sinh kế và tiếp cận nguồn tài nguyên hoàn toàn khác biệt. Tình trạng đói nghèo ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng. Bản sắc văn hóa và phong tục truyền thống của nhiều cộng đồng di dời bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều mâu thuẫn và tệ nạn xã hội có nguy cơ nảy sinh. Quá trình di dân, tái định cư đang gây ra những tác động ngày một rõ nét về vệ sinh và môi trường.

Khoảng trống chính sách
- Thiếu các văn bản quy định cụ thể cho các dự án thủy điện. Các dự án khác nhau áp dụng chính sách khác nhau làm nảy sinh tư tưởng so sánh trong dân và gián tiếp ảnh hưởng đến công bằng xã hội.

- Nguyên tắc bồi thường và hỗ trợ, quản lý giá đất còn nhiều bất cập, cần có sự tham gia của các tổ chức định giá độc lập nhằm xây dựng khung giá đất khách quan, phù hợp với thị trường và bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất.

- Cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống hậu tái định cư cần được cân nhắc để lồng ghép vào các quy định hiện hành.

- Bổ sung quy định buộc chủ đầu tư phải đền bù các công trình văn hóa, tâm linh, công cộng…

- Sửa đổi các chính sách hỗ trợ tái định cư theo hướng lâu dài và có kế hoạch tổng thể, dài hạn.

- Kéo dài thời gian phản hồi ý kiến của người dân đối với dự án.

- Thiếu văn bản quy định vai trò của người dân trong quá trình ra quyết định thu hồi đất.

Một số bất cập riêng trong quá trình triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho người dân tộc thiểu số

Nhóm chuyên gia gồm TS. Đặng Kim Sơn, TS. Nguyễn Ngọc Lung, ThS. Tô Đình Mai và các cán bộ nghiên cứu của IPSARD qua quá trình nghiên cứu hiệu quả chính sách giao đất giao rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã chỉ ra một số bất cập riêng của chính sách này:

- Một số nơi có chú ý dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên trong chính sách giao đất giao rừng nhưng nhìn chung cách thức triển khai trên thực tế chưa ưu tiên cho dân tộc thiểu số, chưa căn cứ vào nhu cầu, khả năng quản lý, tập quán sinh kế, văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số.

Dân tộc thiểu số được giao diện tích tương đối lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ nhưng vẫn thấp hơn diện tích bình quân chung. Tại miền núi phía Bắc, miền Trung, diện tích giao rất nhỏ lẻ, chỉ khoảng 1 – 3 ha, không đáp ứng được đặc thù của nghề rừng là quy mô diện tích phải lớn.

Dân tộc thiểu số thường được giao đất xấu, rừng nghèo và tại địa bàn khó khăn, đặc biệt là đất thu hồi của các tổ chức nhà nước: rừng chỉ còn lau lách, tre nứa, khu phục hồi sinh thái nằm trên vùng sườn núi rất dốc, mức độ chia cắt nhiều, hệ sinh thái và khu hệ động thực vật đã bị tác động, có nơi giao xa hộ lên tới 10 km.

- Cơ chế hưởng lợi ít, không rõ ràng, không triển khai được nên chưa mang lại sinh kế xứng đáng cho dân tộc thiểu số:

Người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ rừng theo quy định, ngoài tận thu một số lâm sản ngoài gỗ như: chai cục, măng, phong lan, củi cành… nhưng cũng rất khiêm tốn, mức hưởng lợi cao nhất cũng chỉ 3 – 4 triệu đồng/năm. Nguyên nhân thường do đất, rừng giao chủ yếu xấu, nghèo nên ít nguồn lợi; thời gian trồng rừng để có thể hưởng lợi từ rừng rất lâu; việc xác định nội dung và tính toán mức hưởng lợi phức tạp, thiếu chế tài đánh giá, giám sát nên người dân và đơn vị quản lý không có động lực thực hiện.

- Chính sách hỗ trợ chưa gắn với giao đất, giao rừng, định mức thấp, thiếu kinh phí thực hiện nên không đủ đảm bảo sinh kế và không tạo động lực trồng và bảo vệ rừng:

Mức chi trả tiền khoán bảo vệ rừng hiện nay trung bình 200.000 đ/ha/năm cho 01 hộ trung bình có 04 khẩu và 350.000đ/ha/năm nếu có thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích giao đất giao rừng chỉ từ 2-3ha. Với mức khoán như vậy thì đóng góp cho thu nhập của hộ gia đình là không đáng kể.

Nhiều chính sách hỗ trợ không triển khai được hoặc không liên tục do không bố trí được kinh phí từ Trung ương và địa phương. Kinh phí khoán chi trả chậm và không đủ. Lượng gạo trợ cấp không được như quy định và hiện nay không còn thực hiện nữa. Tiền hỗ trợ tái định cư không đủ như cam kết ban đầu.

- Cơ chế hỗ trợ, phân chia lợi ích giữa bên khoán và nhận khoán có nơi thiếu công bằng, gây mất lòng tin và mâu thuẫn:

Phần lớn các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp vẫn đang phải chủ động thực hiện hầu hết các công đoạn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Có Ban Quản lý rừng cung cấp dịch vụ giá cao so với thị trường, có trường hợp lạm thu các khoản phí trong khi không cung cấp dịch vụ nào cho người dân, đồng thời dung túng cho hành vi chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất hoặc các mục đích khác.

Xung quanh kết quả nghiên cứu được công bố, phóng viên Tạp chí Dân tộc trích ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

ĐBQH Võ Thị Dung – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh

Kết quả nghiên cứu cần đánh giá thêm vai trò của chính quyền và các đoàn thể ở nơi thực hiện chính sách để thấy được nguyên nhân chủ quan trong quá trình thực hiện. Cá nhân tôi thấy băn khoăn khi việc khắc phục trồng rừng đối với các dự án thủy điện đạt kết quả thấp. Đây là trách nhiệm của chủ dự án và tác động lớn đến đời sống của đồng bào nhưng chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ. Trong việc di dời tái định cư còn có hình thức di vén và hiện chưa rõ chính sách đối với đối tượng này. Triển khai các dự án thủy điện làm thay đổi dòng chảy, thay đổi môi trường nên cần được nghiên cứu, đánh giá thêm.

ĐBQH Triệu Là Pham – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Những năm qua, nhờ giao đất giao rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đã tốt hơn; người dân được thu sản phẩm phụ từ rừng để xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, với các loại rừng tập thể, rừng đặc dụng mà chưa được giao thì rất khó hoặc không quản lý được, dẫn đến chảy máu rừng. Do đó, cần nghiên cứu sâu để có cơ chế giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Để giữ rừng cần hỗ trợ đồng bào làm nhà xây, vì nếu làm nhà sàn theo tập quán phải tốn khoảng 115 m3 gỗ. Cần nâng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân trồng rừng.

ĐBQH Danh Út – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các tác động chủ yếu đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chủ yếu là tiêu cực. Các cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung chính sách tái định cư thủy điện; có cơ chế tham vấn ý kiến người dân; các giá trị phi vật thể phải được đưa vào đền bù; có quy định liên quan đến chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân; đưa ra cơ chế giám sát cụ thể hỗ trợ chủ trương đầu tư…

Về giao đất giao rừng, cần thay đổi nhận thức thiết kế chính sách làm sao để đồng bào phải sống được từ rừng. Chính sách phải phù hợp với từng nhóm dân tộc, không bình quân chung, phát triển sinh kế phải đa dạng, dài hạn.

ĐBQH Giàng A Chu – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Chính sách di dân tái định cư của Nhà nước ban hành là đúng đắn nhưng một số nơi tổ chức thực hiện chưa đúng. Do đó, Nhà nước cần rà soát, có chính sách về di dân tái định cư. Ở nơi có điều kiện phải cấp đủ đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nghề phụ trợ, kể cả xuất khẩu lao động để người dân có thu nhập.

Đối với chính sách giao đất giao rừng, nên nghiên cứu tăng diện tích giao cho những hộ dân thực hiện tốt. Rà soát, thu hồi đất của các nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả để giao lại cho dân. Nghiên cứu mô hình phát triển rừng kinh tế, trồng cây tận dụng dưới tán rừng; nâng hệ số K hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng cho nhân dân.

Ông Sơn Phước Hoan - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc

Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức của tình trạng nghèo và tái nghèo, nhất là trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong tương lai gần, nghèo DTTS sẽ chiếm chủ yếu trong tỷ lệ nghèo ở Việt Nam, trong khi đồng bào DTTS chỉ chiếm 14% dân số cả nước.

Trước thực trạng trên đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá đúng những nguyên nhân, yếu tố tác động đến việc thực thi các chính sách giảm nghèo nói chung, của đồng bào DTTS nói riêng. Hai trong các vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế và tạo điều kiện, môi trường cho cuộc sống người dân, cộng đồng DTTS và miền núi được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thời gian qua là vấn đề liên quan đến giao đất giao rừng và tái định cư các dự án, công trình thủy điện đối với đồng bào DTTS. Những ý kiến trao đổi quí báu của các đại biểu thực sự bổ ích cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS giai đoạn tiếp theo.

(TCDT thực hiện)
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]