Tạo bước đột phá tiếp tục đưa thành phố Lai Châu phát nhanh, bền vững
10:31 09/06/2015 Lượt xem: 869 In bài viếtNgày 27/12/2013, Chính phủ ra Nghị quyết số 131/NQ-CP về thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với sự nỗ lực phấn đấu của thành phố Lai Châu sau 10 năm xây dựng và phát triển.
Để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận đó, Thành phố luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ về nhiều mặt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong việc phát huy nội lực, lợi thế để thực hiện các tiêu chí của một đô thị loại III. Trong đó, bước đổi thay rõ rệt nhất của Thành phố Lai Châu bắt đầu từ năm 2007 đến nay.
Một trong những nguyên nhân quan trọng, có yếu tố quyết định đến sự đổi mới, phát triển của Thành phố là Ban chấp hành đảng bộ Thị xã Lai Châu đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thị xã Lai Châu đến năm 2015". Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết đại hội đảng bộ Thị xã Lai Châu lần thứ II, Ban chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 02 về thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết số 07 về lãnh đạo xây dựng phát triển thị xã Lai Châu đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2013 và thành lập thành phố vào năm 2015. Các Nghị quyết quan trọng, mang tính chiến lược này đã tạo "cú huých", tạo thuận lợi về nhiều mặt, nhất là đầu tư các nguồn lực xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất để xây dựng TP Lai Châu tương xứng với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Lai Châu.
Có thể nói sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 và 07 Thành ủy, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh và địa phương cùng lo", Thành phố Lai Châu đã thu được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 22,5%; thu nhập bình quân đầu người 23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,83%; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ 52%; công nghiệp, xây dựng 42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6%. Các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ có bước phát triển mạnh; Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng cao, một số nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục và phát triển, đã hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chất lượng cao. Công tác an ninh quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị ổn định. Lĩnh vực văn hoá – xã hội có bước tiến quan trọng, hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được quy hoạch và đầu tư xây dựng hiện đại; các khu dân cư mới được đầu tư đồng bộ, các khu dân cư cũ được sắp xếp, cải tạo. Thành phố đã huy động các nguồn vốn đầu tư tổng số 126 công trình, với tổng mức đầu tư hơn 111 tỷ đồng. Có thể nói, từ một thị trấn nhỏ bé, nghèo nàn của huyện Phong Thổ trước đây, với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, đến hôm nay Thành phố trẻ Lai Châu đã “thay da đổi thịt”, trở thành đô thị hiện đại nhất trong các tỉnh miền núi Tây Bắc với các điểm nhấn là khu Quảng trường nhân dân, khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu, Hồ hạ và Hồ thượng, đại lộ Lê Lợi, tuyến đường 58 m, biểu tượng Lai Châu...
Những kết quả trên mới là kết quả bước đầu. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân TP Lai Châu còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm có hiệu quả cao, bền vững, cụ thể:
Một là, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ - du lịch, đầu tư phát triển khu trung tâm thương mại, hệ thống chợ, đầu tư khai thác có hiệu quả các điểm du lịch hang động, bản văn hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, nhà hàng, khách sạn, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản. Khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương tạo ra hàng hoá mang thương hiệu Lai Châu.
Hai là, tiếp tục hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý kiến trúc. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, chỉ đạo quyết liệt sản xuất thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao gắn với việc xây dựng nông thôn mới tại 2 xã San Thàng và Nậm Loỏng.
Ba là, tăng cường củng cố quốc phòng toàn dân có chiều sâu và nội dung toàn diện, gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết TW4 (khoá XI) "một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà nhiệm vụ trọng tâm là lãnh chỉ đạo các cấp tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cũng như chất lượng sinh hoạt chi bộ bản, tổ dân phố, nhằm tạo bước đột phá mới, tiếp tục đưa TP Lai Châu phát triển nhanh, bền vững.
Lò Văn Chỉnh
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Bí thư Thành ủy TP Lai Châu
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]