Mường Tè: đổi mới phương thức lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng

10:33 09/06/2015 Lượt xem: 1393 In bài viết

Những năm gần đây nhờ có nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình: 134, 135, 167, 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, huyện đã và đang triển khai các chương trình trọng điểm như: Tái định cư Thủy điện Sơn La, Lai Châu; trồng và phát triển cây cao su. Thông qua các chương trình này, cơ sở hạ tầng của huyện từng bước đã được đầu tư, làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện có bước chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần của đại bộ phận nhân dân dần được nâng lên.

Huyện chỉ đạo các xã vùng cao, biên giới tập trung giữ rừng, trồng thảo quả gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới, chăn nuôi đại gia súc theo nhóm hộ gia đình. Thời gian qua, huyện cũng tập trung lãnh, chỉ đạo các địa phương khu vực trung tâm: Mường Tè, Bum Nưa, thị trấn đẩy mạnh sản xuất thâm canh, từng bước tiếp cận sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường, nâng cao giá trị kinh tế nông sản, phát triển kinh tế hộ gia đình...

Kinh tế vùng phát huy hiệu quả, giúp cho Mường Tè từng bước đảm bảo an ninh lương thực. Các thành phần kinh tế trên địa bàn nhanh chóng bắt nhịp xu thế hội nhập, đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu, thương mại dịch vụ... tạo việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện nay, 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm; 85,8% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt toàn huyện đạt 16.280,4 tấn; lương thực bình quân đạt 392kg/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 54,7%...

Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng no ấm, khẳng định những định hướng đúng đắn, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là vai trò phát hiện, định hướng những vấn đề lớn có tính chiến lược, từ đó lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để ban hành thành các chủ trương, nghị quyết, thông qua đó để tập trung tháo gỡ, giải quyết vấn đề vướng mắc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Dân tộc, đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Tè cho biết: Từ năm 2010 đến nay, việc đổi mới phương thức lãnh đạo luôn được Đảng bộ huyện coi trọng, từ việc xây dựng quy chế hoạt động, các chỉ thị, nghị quyết đến công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động… Đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ, Mường Tè có nhiều đổi mới trong công tác tự phê bình và phê bình; phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, trí tuệ tập thể để tham gia đóng góp ý kiến cho đảng viên về ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trên tinh thần xây dựng và cùng tiến bộ. Công tác củng cố, kiện toàn, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện khá toàn diện, góp phần khắc phục, hạn chế được tình trạng cục bộ địa phương, dòng họ, mất đoàn kết tại một số cơ sở. Bên cạnh đó, công tác xây dựng các tổ chức Đảng và đảng viên được đặc biệt chú trọng. Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhờ đó chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong 4 năm qua được nâng lên rõ rệt.

Dù những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Mường Tè đã có những bước phát triển nhất định nhưng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, trình độ dân trí còn hạn chế. Do là huyện miền núi, địa bàn dân cư trải rộng, giao thông tới các thôn, bản vùng cao còn nhiều khó khăn, sự chênh lệch rõ rệt về phát triển kinh tế, đời sống văn hoá, xã hội giữa vùng thấp và vùng cao. Những khó khăn này đã tác động không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền địa phương trước yêu cầu đổi mới.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh… trong thời gian tới, huyện ủy Mường Tè tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, tập trung vào những giải pháp chính, đó là:

- Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết đến cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường giáo dục để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch; chủ động nắm và dự báo đúng tình hình, có các phương án giải quyết tốt những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố xây dựng hệ thống chính trị; trật tự an toàn xã hội. Thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Trên cơ sở mục tiêu, nghị quyết của các cấp ủy Đảng đã xác định, để xây dựng chương trình hành động đối với từng ngành, lĩnh vực và phân công nhiệm vụ cụ thể theo lĩnh vực, theo địa bàn cho từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ để tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong tổ chức thực hiện.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chủ động xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường lòng tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phạm Nguyễn
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]